09:12, 07/12/2017

Niềm vui làng cúc Ninh Giang

Kể từ ngày 7-12, hoa cúc Ninh Giang chính thức được pháp luật bảo hộ quyền sở hữu nhãn hiệu. Điều này sẽ góp phần thúc đẩy nghề trồng cúc phát triển, nâng cao thu nhập cho người dân.

Kể từ ngày 7-12, hoa cúc Ninh Giang chính thức được pháp luật bảo hộ quyền sở hữu nhãn hiệu. Điều này sẽ góp phần thúc đẩy nghề trồng cúc phát triển, nâng cao thu nhập cho người dân.


Vững vàng cúc Ninh Giang


Những người trồng hoa cúc ở phường Ninh Giang, thị xã Ninh Hòa cho biết, gần 20 năm nay, hoa cúc Ninh Giang đã dần trở thành cụm từ quen thuộc trên thương trường vào mỗi dịp Tết Nguyên đán. Từ chỗ dăm ba hộ trồng với số lượng ít, quy mô nhỏ, những đóa hoa cúc nơi đây ngày càng tươi thắm hơn, vươn xa hơn, được nhiều người biết đến hơn. Đến nay, toàn phường có gần 300 hộ trồng hoa cúc, đưa ra thị trường hơn 150.000 chậu cúc lớn nhỏ vào mỗi dịp Tết đến xuân về. Theo ông Trần Ngọc Hiếu - Chủ tịch Hội Nông dân phường Ninh Giang: “Với chất lượng ngày càng được nâng lên, màu sắc, dáng thế có phần đặc trưng nên hàng năm, có đến 70% số chậu cúc trồng nơi đây được các thương lái ở một số tỉnh bạn đến mua tận vườn. Số còn lại bán trong tỉnh”.

 

Ông Trịnh Xuân Thanh - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Ninh Giang cho biết, những năm qua, phường đã tạo mọi điều kiện tốt nhất để người dân phát triển ngành nghề trồng hoa cúc. Nhất là trong 2 năm gần đây, tình hình thời tiết có phần không thuận lợi cho người trồng hoa, phường đã tạo điều kiện bằng cách tạo mặt bằng, cho người dân thuê với giá rẻ. Bất kể hộ nào có nhu cầu đều được lãnh đạo phường xem xét giải quyết. Trong tương lai, phường tiếp tục tạo mặt bằng thuận tiện về giao thông, thủy lợi tại khu vực núi Sầm rộng từ 4 đến 5ha để phục vụ nhu cầu mặt bằng cho người dân trồng hoa cúc. Phường đặt tham vọng biến khu vực này trở thành nơi giao thương, quảng bá sản phẩm hoa cúc Ninh Giang.


Gặp gỡ một hộ đang chăm sóc hoa cúc tại Tổ dân phố Tân Châu, ông Hồ Hiệp cho biết: “Năm nay nhà tôi trồng 500 chậu cúc. Xuống giống từ tháng 8 âm lịch, gặp cơn bão số 12 có ảnh hưởng ít nhiều, nhưng may là thời điểm bão vào cây còn nhỏ, nên chủ yếu bị nghiêng, đổ chậu, có thể phục hồi. Cũng như năm trước, năm nay, tình hình thời tiết khá thất thường, nên việc tính toán chăm sóc cây sinh trưởng đúng thời vụ của người dân có phần khó khăn hơn. Nhưng đã là nghề gắn bó nhiều năm nên tôi không thể bỏ được. UBND phường cũng tạo điều kiện thuận lợi cho chúng tôi thuê khu đất này để đặt chậu”. Trên mảnh đất rộng chừng 4ha là khu vực đang được quy hoạch xây dựng trụ sở mới của UBND phường Ninh Giang, chúng tôi được biết khu vực này có hơn 20 hộ đang trồng hơn 10.000 chậu cúc lớn nhỏ để phục vụ Tết Nguyên đán.

 

Nhãn hiệu tập thể “Hoa cúc Ninh Giang” đã được pháp luật bảo hộ độc quyền

Nhãn hiệu tập thể “Hoa cúc Ninh Giang” đã được pháp luật bảo hộ độc quyền

 

Nâng tầm một sản phẩm


Không phải đơn thuần mà hoa cúc Ninh Giang được đưa vào Chương trình phát triển thương hiệu các sản phẩm đặc trưng của Khánh Hòa giai đoạn 2016 - 2020. Toàn tỉnh chỉ có 6 sản phẩm được đưa vào chương trình này. Và với đặc trưng của mình, hoa cúc Ninh Giang đã có thể sánh ngang với những “tên tuổi” đặc trưng nhất của tỉnh gồm: yến sào Nha Trang, nước mắm Nha Trang, xoài Cam Lâm, sầu riêng Khánh Sơn, dừa xiêm Ninh Đa.

 

Theo lãnh đạo Hội Nông dân phường Ninh Giang, ngoài cây lúa chiếm hơn 300ha, Ninh Giang còn là thủ phủ của nghề chế tác đá mỹ nghệ. Làng chế tác đá mỹ nghệ Phong Phú 1 là làng nghề truyền thống duy nhất của tỉnh. Ngoài ra, gần 40 hộ nuôi tôm thẻ chân trắng, hàng trăm hộ trồng rau màu với diện tích hơn 17ha và hàng chục hộ chuyên trồng nấm rơm cũng mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Việc cấp nhãn hiệu tập thể sẽ khẳng định thương hiệu cho cúc Ninh Giang, góp phần thúc đẩy ngành nghề này phát triển, nâng cao thu nhập cho người dân.

Theo ông Huỳnh Kỳ Hạnh - Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ, lâu nay, hoa cúc Ninh Giang đã được nông dân phường Ninh Giang xây dựng và tạo uy tín trên thị trường. Đến nay, sau một thời gian xây dựng, thương hiệu này đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận bảo hộ độc quyền dưới hình thức là nhãn hiệu tập thể “Hoa cúc Ninh Giang”, do Hội Nông dân phường Ninh Giang đứng tên đăng ký làm chủ sở hữu. “Nhãn hiệu này chính là cơ sở pháp lý chứng minh quyền sở hữu sản phẩm hoa cúc chậu được trồng từ các giống cúc Đại đóa và cúc Pha lê trên địa bàn phường Ninh Giang. Từ đây, thương hiệu này được phát triển và bảo vệ uy tín, chất lượng thông qua Quy chế quản lý Nhãn hiệu tập thể “Hoa cúc Ninh Giang”, ông Huỳnh Kỳ Hạnh nhấn mạnh.


Hẳn nhiên, việc xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu là bước tiến quan trọng trong quá trình bảo vệ, phát triển thương hiệu và giá trị sản phẩm hoa cúc Ninh Giang. Tuy nhiên, với đặc trưng là một sản phẩm chỉ làm ra trong một thời điểm nhất định, đó là Tết Nguyên đán, hình thức canh tác vẫn còn mang tính thời vụ, chủ yếu được trồng trên đất vườn qua cải tạo và thuê mướn một số khu đất trống, bằng phẳng để trồng. Những năm gần đây yếu tố thời tiết ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, chất lượng và hiệu quả của loại cây trồng này. Vì vậy, theo lãnh đạo Hội Nông dân phường Ninh Giang, trong thời gian tới, cùng với việc chuyển đổi một số diện tích đất lúa ở những nơi có chân đất cao, kém hiệu quả sang trồng hoa cúc, hoạt động trồng các loại hoa cúc quanh năm để phục vụ vào các dịp lễ, ngày rằm, cuối tháng… đã được tính đến. Về vấn đề này, ông Huỳnh Kỳ Hạnh cho biết thêm, việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác nông nghiệp nói chung là hoạt động hết sức quan trọng, có vai trò quyết định đến năng suất, chất lượng của cây trồng. Đối với hoa cúc, việc tính toán thời điểm ra hoa rộ nhất càng đòi hỏi phải áp dụng tối đa các giải pháp kỹ thuật. Vì vậy, đơn vị quản lý nhãn hiệu “Hoa cúc Ninh Giang” cần có mối liên kết chặt chẽ với các nhà chuyên môn, nhà khoa học để tìm kiếm và triển khai nhiều hơn các giống cúc, kỹ thuật canh tác quy mô, hiện đại nhằm nâng cao hơn nữa thương hiệu này.


Công Định