03:10, 18/10/2017

Khánh Vĩnh: Tháo "nút thắt" trong giao đất cho người dân

Huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) đã qua nhiều đợt bóc tách đất từ các công ty lâm nghiệp để giao cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, nhưng đến nay vẫn còn hàng trăm hộ trên địa bàn thiếu đất sản xuất.

Huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) đã qua nhiều đợt bóc tách đất từ các công ty lâm nghiệp để giao cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) nghèo, nhưng đến nay vẫn còn hàng trăm hộ trên địa bàn thiếu đất sản xuất. Địa phương đang tháo “nút thắt” để sớm hoàn thành việc giao đất cho người dân trong năm 2018.


Còn nhiều hộ thiếu đất


Từ năm 2006 đến nay, huyện Khánh Vĩnh đã thực hiện bóc tách tổng diện tích 4.501,5ha. Diện tích đất bóc tách rất lớn nhưng chỉ mới có 647 hộ ĐBDTTS nghèo thiếu đất sản xuất được giao đất với tổng diện tích 795,46ha. Ông Nguyễn Văn Đồng - Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh lý giải: “Các đợt bóc tách đất năm 2006 và 2013, diện tích bóc tách lớn nhưng diện tích đất giao được ít chủ yếu là do đất bóc ra không phải là đất sạch, đã có người dân canh tác ổn định trên đó. Sở dĩ có tình trạng này là do trước đây, huyện đề nghị bóc tách thì tỉnh giao cho lâm trường tiến hành bóc tách, sau đó giao lại cho huyện để giao cho người dân. Vướng mắc lớn nhất là ở khâu đất lâm trường bóc ra không phải là đất sạch nên không thể giao được cho các hộ thiếu đất”.

 

Tìm hiểu thực tế tại một số địa phương ở huyện Khánh Vĩnh, hiện nay, nhu cầu đất sản xuất của một số hộ ĐBDTTS là rất bức thiết. Ông Ngô Đình Thái - Phó Chủ tịch UBND xã Liên Sang chia sẻ: “Giai đoạn 2006 - 2013, trên địa bàn xã Liên Sang không có hộ nào được giao đất. Năm 2017, thực hiện chuẩn nghèo theo tiếp cận đa chiều, trên địa bàn xã có 102 hộ ĐBDTTS nghèo thiếu đất sản xuất. UBND xã đã làm việc với Công ty TNHH một thành viên Lâm sản Khánh Hòa và có công văn lên cấp trên đề nghị được bóc tách 99,5ha tại khoảnh 5 và khoảnh 6 thuộc Tiểu khu 170 xã Khánh Thượng để giao cho người dân địa phương. Khu vực này đất đai phù hợp, lại gần với nơi ở của các hộ nên rất phù hợp để người dân sản xuất”.


Theo thống kê của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Khánh Vĩnh, trên địa bàn huyện hiện nay còn 815 hộ ĐBDTTS nghèo thiếu đất sản xuất; nhu cầu về đất của mỗi hộ khoảng 0,5 - 1ha. Trong đó, xã Cầu Bà 48 hộ, xã Giang Ly 26 hộ, xã Khánh Phú 63 hộ, xã Khánh Thượng 40 hộ, xã Sơn Thái 45 hộ, xã Khánh Thành 88 hộ, xã Khánh Bình 204 hộ, xã Khánh Trung 40 hộ, xã Khánh Nam 82 hộ, xã Khánh Hiệp 22 hộ, xã Liên Sang 102 hộ, thị trấn Khánh Vĩnh 55 hộ. Riêng các xã Sông Cầu và Khánh Đông không còn hộ thiếu đất sản xuất.

 

Người dân xã Khánh Phú chiếm đất trong lâm phận Công ty TNHH một thành viên Lâm sản Khánh Hòa vì thiếu đất sản xuất

Người dân xã Khánh Phú chiếm đất trong lâm phận Công ty TNHH một thành viên Lâm sản Khánh Hòa vì thiếu đất sản xuất

 

Gỡ “nút thắt”

 

Qua giám sát công tác bóc tách đất để giao cho các hộ ĐBDTTS nghèo thiếu đất tại huyện Khánh Vĩnh mới đây, đồng chí Lê Xuân Thân - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh nhận định: Công tác giao đất cho các hộ ĐBDTTS nghèo thiếu đất sản xuất tại Khánh Vĩnh thời gian qua còn chậm. Vì vậy, địa phương cần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để sớm hoàn thành việc giao đất cho các hộ. UBND huyện cần rà soát kỹ số lượng các hộ ĐBDTTS nghèo còn thiếu đất sản xuất trên địa bàn để có cơ sở tính toán diện tích đất cần bóc tách. Đối với các hộ ĐBDTTS nghèo, ngoài nhu cầu về đất sản xuất, cần có đủ điều kiện để sản xuất thì mới giao đất… Đối với cách làm của UBND huyện Khánh Vĩnh trong việc gắn giao đất với tổ chức sản xuất hiệu quả để giữ đất cho người dân là một cách làm hay.

Theo lãnh đạo huyện Khánh Vĩnh, ngoài nguyên nhân đất bóc tách không phải là đất sạch, vẫn còn một số khó khăn khác như: đất được các công ty lâm sản bàn giao cho địa phương nhưng chưa kịp tiếp nhận để giao lại cho các hộ thì đã bị một số hộ vào lấn chiếm, không trả lại với lý do đất trước kia của cha ông họ để lại. Một số diện tích khi nhận bàn giao đã có hộ sử dụng ổn định nhưng không thể vận động được người dân trả lại để giao cho các đối tượng thiếu đất… Ngoài ra, một số diện tích đất bóc tách ở những khu vực có độ dốc cao không thể canh tác; một số diện tích đất bóc tách là đất giao thông, đất manh mún ven sông, suối, đất nghĩa trang… nên không thể giao cho người dân.


Theo ông Nguyễn Văn Đồng, đối với 815 hộ còn thiếu đất sản xuất trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh, địa phương phấn đấu đến năm 2018 sẽ giao đất xong cho các hộ. Để đảm bảo hiệu quả sử dụng đất bóc tách, UBND huyện chỉ đạo các xã có định hướng sản xuất cho người dân; đồng thời UBND huyện tiến hành làm việc, giới thiệu doanh nghiệp đến các địa phương phối hợp với người dân hình thành các vùng sản xuất nguyên liệu cho doanh nghiệp, vừa giải quyết được việc làm, mang lại hiệu quả kinh tế, vừa giữ được đất cho người dân. Ngoài ra, để giữ đất cho dân, UBND huyện sẽ giao đất bằng tờ bản đồ tổng thể, trong đó có diện tích đất cụ thể của mỗi hộ được giao; kiên quyết không để người dân chuyển nhượng trước 10 năm sử dụng…


Để hoàn tất công tác giao đất cho các hộ ĐBDTTS nghèo thiếu đất, UBND huyện Khánh Vĩnh đã làm việc và thống nhất với các công ty lâm nghiệp trên địa bàn về diện tích đất cần bóc tách. UBND huyện kiến nghị UBND tỉnh bố trí kinh phí để huyện tiến hành các bước giao đất cho người dân. Bên cạnh đó, đối với những diện tích đất bóc tách trước đây, người dân đã canh tác ổn định, lâu dài không tranh chấp thì công nhận quyền sử dụng đất cho họ.  


BÍCH LA