11:08, 23/08/2017

Xuất khẩu rau, quả: Tốc độ tăng trưởng cao

Theo Bộ Công Thương, rau, quả là một trong những mặt hàng có tốc độ tăng trưởng XK cao và ổn định nhất trong nhóm hàng nông - lâm - thủy sản thời gian qua. Nếu thị trường không có nhiều biến động, dự kiến, kim ngạch XK mặt hàng này trong năm nay có thể vượt 3 tỷ USD.

Theo Bộ Công Thương, rau, quả là một trong những mặt hàng có tốc độ tăng trưởng XK cao và ổn định nhất trong nhóm hàng nông - lâm - thủy sản thời gian qua. Nếu thị trường không có nhiều biến động, dự kiến, kim ngạch XK mặt hàng này trong năm nay có thể vượt 3 tỷ USD.

 

 Trái cây chiếm phần lớn trong tổng giá trị xuất khẩu rau, quả

Trái cây chiếm phần lớn trong tổng giá trị xuất khẩu rau, quả



Tăng trưởng mạnh

Một trong những mặt hàng đóng góp tích cực nhất cho kim ngạch XK cả nước những tháng qua chính là rau, quả. Trong 7 tháng, kim ngạch XK mặt hàng này đã đạt 2 tỷ USD, tăng 48,9%. Trái cây chiếm phần lớn trong tổng giá trị XK rau, quả hiện nay; trong đó, trái thanh long đứng thứ nhất với hơn 50% tổng giá trị XK.

Theo Bộ Công Thương, thành công trong tăng trưởng XK mặt hàng rau, quả là do công tác phát triển và mở cửa thị trường. Đã có nhiều loại rau quả mất 5 - 7 năm, trải qua hàng trăm lần kiểm định, mới thâm nhập thành công vào các thị trường khó tính như: Trái vải vào Australia, xoài vào Nhật, thanh long vào New Zealand… Đặc biệt, không ít lần, hoa quả Việt được quảng bá, xúc tiến trực tiếp trong các chuyến ngoại giao cấp cao nước ta thời gian qua. Nhờ đó, hoa quả Việt Nam đã thâm nhập được vào nhiều thị trường có yêu cầu chất lượng cao như: Hoa Kỳ (đã cho phép nhập khẩu thanh long ruột trắng và đỏ, chôm chôm, nhãn, vải); Nhật Bản (thanh long ruột trắng và đỏ, xoài), Hàn Quốc (thanh long ruột trắng và đỏ, xoài), New Zealand (xoài, thanh long ruột trắng và đỏ), Australia (vải, xoài)... Trong số 23 thị trường XK chủ yếu rau, quả của Việt Nam hiện nay, Trung Quốc đứng đầu, tiếp sau là Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Hà Lan. Riêng 4 thị trường này đã chiếm 84% tổng giá trị XK rau, quả.

Vải thiều được coi là một trong những điểm sáng về XK những tháng đầu năm khi mở cửa nhiều thị trường mới. Năm 2017, trái vải Việt Nam lần đầu tiên XK sang 3 thị trường Trung Đông, Canada và Thái Lan, nâng tổng số thị trường XK của trái vải lên 8 quốc gia. Năm 2017, lượng vải thiều XK cả nước đạt khoảng 40.000 tấn, riêng Bắc Giang đạt 28.000 tấn.

Nhiều giải pháp cho những tháng cuối năm

Cơ hội XK rau, quả bứt phá và vượt 3 tỷ USD trong năm 2017 là có khả năng khi thông thường những tháng cuối năm, thị trường có nhu cầu nhập khẩu trái cây nhiệt đới cao hơn so với 6 tháng đầu năm.

Tận dụng cơ hội này, Bộ Công Thương đang tích cực làm việc với các cơ quan liên quan của các nước nhập khẩu để đẩy nhanh tốc độ xem xét Báo cáo Phân tích nguy cơ dịch hại và quy định kiểm dịch thực vật (PRA), cấp phép nhập khẩu chính thức cho một số nông - thủy sản của Việt Nam vào các thị trường trong năm 2017. Cụ thể, với thị trường Hoa Kỳ, trái xoài đã hoàn thành lấy ý kiến, đang xây dựng dự thảo cuối cùng điều kiện nhập khẩu vào Hoa Kỳ; trái vú sữa đã có thông báo về điều kiện nhập khẩu, hiện hai bên đang đàm phán để ký kết. Hoặc đối với thị trường Australia, trái thanh long đang ở bước cuối cùng để hoàn tất mở cửa thị trường và dự kiến sẽ được cấp phép nhập khẩu chính thức vào cuối năm nay. Bộ Công Thương đang tiếp tục đàm phán để Australia mở cửa thị trường với nhãn, chanh leo…

Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ tăng cường thông tin thị trường; tiếp tục tổ chức tuyên truyền rộng rãi về ưu đãi FTA; hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại, các hàng rào về tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng của nước nhập khẩu.


7 tháng đầu năm, XK rau, quả của Việt Nam sang các thị trường truyền thống tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm trước. Một số thị trường XK tuy kim ngạch không lớn nhưng so với cùng kỳ lại tăng rất mạnh như: Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống Nhất tăng hơn 82%, Nhật Bản tăng gần 62%, Nga tăng khoảng 55%...

Theo baocongthưong