05:08, 03/08/2017

Kinh tế hợp tác xã: Phát triển chưa xứng tầm

Sau 5 năm thi hành Luật Hợp tác xã, nhận thức về vị trí, vai trò, bản chất về kinh tế hợp tác của một số thành viên tham gia hợp tác xã chưa đầy đủ, chuyển biến chậm. 

Sau 5 năm thi hành Luật Hợp tác xã (HTX), nhận thức về vị trí, vai trò, bản chất về kinh tế hợp tác của một số thành viên tham gia HTX chưa đầy đủ, chuyển biến chậm. Do đó, các HTX chưa phát triển đủ mạnh để có thể thu hút thành viên. Đây cũng là lực cản khiến cho kinh tế HTX ở Khánh Hòa phát triển chưa xứng tầm.


Băn khoăn khi vào hợp tác xã


Theo lãnh đạo Liên minh HTX tỉnh, sau khi có Luật HTX, một số HTX đã mở rộng ngành nghề sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, có lãi phân bố trong nội bộ. Các HTX khá giỏi đã đáp ứng được 80% nhu cầu dịch vụ đầu vào phục vụ thành viên của mình. So với trước năm 2013, có khoảng 15% HTX mở thêm dịch vụ mới như: liên kết với các doanh nghiệp để sản xuất tiểu thủ công nghiệp; liên kết giữa HTX nông nghiệp với HTX tiểu thủ công nghiệp để sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu. So với trước, các HTX đã sử dụng vốn hiệu quả hơn, tăng được vốn tích lũy từ 10 đến 15%/năm, đảm bảo chia lãi cổ phần cho thành viên từ 8 đến 10%/năm. Điển hình như: HTX nông nghiệp Ninh Quang 1 (thị xã Ninh Hòa), HTX nông nghiệp Diên Lộc, Diên An (huyện Diên Khánh), HTX nông nghiệp Vĩnh Phương (TP. Nha Trang)…

 

Một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay của các HTX đó là vốn ít, doanh thu thấp. Thời gian qua, việc triển khai thi hành Luật HTX trên địa bàn tỉnh còn gặp một số khó khăn, công tác quản lý nhà nước về HTX còn bất cập, chưa theo kịp với nhu cầu đổi mới, đa số các HTX nông nghiệp hiện nay hoạt động kém hiệu quả, thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa HTX với thành viên; vốn ít, lợi nhuận và doanh thu thấp”.


Có lẽ vì “vốn ít, lợi nhuận và doanh thu thấp”, nên ngay trong nội bộ của không ít các HTX đang có sự lung lay trong cách nghĩ, cách làm giữa các thành viên HTX. Một thành viên của HTX nông nghiệp chuyên trồng lúa ở Diên Khánh chia sẻ: “Tôi chưa thấy được lợi lộc gì, mà toàn là ràng buộc. Năng suất cũng thế, giá thành cũng vậy, chẳng khác gì so với sản xuất xưa nay vẫn làm. Vì thế, tôi đã xin ra khỏi HTX”. Ở một khía cạnh khác, một nông dân ở huyện Vạn Ninh đắn đo: “Tôi làm tự do quen rồi, vô HTX phải theo lịch trình này nọ rất bất tiện. Vì cảm thấy bị gò bó nên tôi đang đắn đo có tham gia HTX hay không”.

 

Hoạt động sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ cũng là một rào cản để phát triển hợp tác xã.

Hoạt động sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ cũng là một rào cản để phát triển hợp tác xã.

 

Chưa theo kịp cơ chế thị trường


Còn theo lãnh đạo một HTX chăn nuôi ở TP. Cam Ranh, tuy HTX đã xây dựng phương án sản xuất - kinh doanh, quy trình chăn nuôi rõ ràng, các thành viên cũng chính là những người thông qua quy trình ấy, nhưng trong quá trình thực hiện, không ít thành viên phá vỡ quy trình, tự ý phát triển theo suy nghĩ, cách làm của mình, đến khi hiệu quả thấp lại đổ do HTX hoạt động kém. Về bản chất, HTX được kỳ vọng là nơi đồng tâm hiệp lực của người nông dân để cùng nhau phát triển cũng như gánh vác, chia sẻ nhằm giảm bớt những thiệt hại khi gặp phải khó khăn. Tuy nhiên, có vẻ như thói quen lao động tự do và cách nghĩ, cách làm theo ý thích vẫn còn khá nặng nề.

 

Theo lãnh đạo Liên minh HTX tỉnh, các HTX nông nghiệp chỉ đáp ứng được 19% so với nhu cầu dịch vụ vật tư nông nghiệp của thành viên, 26,5% nhu cầu làm đất, 11% nhu cầu tiêu thụ nông sản… Khi các HTX cung ứng dịch vụ quá ít so với nhu cầu, rõ ràng lợi nhuận sẽ đạt thấp, không kích thích và thu hút được thêm thành viên. Lãnh đạo một HTX ở Vạn Ninh khẳng định: “Các dịch vụ tư nhân ở ngoài bây giờ rất mạnh. Từ vật tư nông nghiệp cho đến làm đất, thu hoạch, người nông dân chỉ cần ở nhà, gọi điện đã được phục vụ tận nơi. Trong khi đó, hầu hết các HTX nông nghiệp đang khó khăn đủ bề. Vốn liếng ít, cơ sở hạ tầng, máy móc vừa thiếu vừa lạc hậu… không đủ sức cạnh tranh với bên ngoài”.


Cần được trợ lực


Sự đồng thuận trong các HTX được xem là yếu tố then chốt giúp cho tổ chức kinh tế đặc thù này có thể trụ vững trước sự khốc liệt của cơ chế thị trường. Vì vậy, theo Liên minh HTX tỉnh, công tác tuyên truyền, phổ biến giúp cho các thành viên hiểu rõ bản chất của HTX, của kinh tế tập thể sẽ tiếp tục được đẩy mạnh. “Người xã viên có thể thấy giá cả sản phẩm không tăng, năng suất không tăng. Nhưng lại chưa thấy được chi phí sản xuất đã được kéo giảm bằng các phương án sản xuất, kinh doanh hợp lý hơn. Một khi chi phí sản xuất đã được kéo giảm, dù năng suất, giá bán không tăng nhưng hiệu quả vẫn được tăng lên”, lãnh đạo một HTX nông nghiệp ở Diên Khánh khẳng định.

 

Thành lập hợp tác xã trồng cây ăn quả đang là định hướng phát triển của ngành nông nghiệp các địa phương

Thành lập hợp tác xã trồng cây ăn quả đang là định hướng phát triển của ngành nông nghiệp các địa phương

 

Bên cạnh đó, giai đoạn 2017 - 2020, chỉ tiêu về hình thức tổ chức sản xuất trong chương trình xây dựng nông thôn mới, các HTX của một xã nông thôn mới còn phải đáp ứng được yêu cầu hoạt động theo đúng Luật HTX năm 2012, có mô hình liên kết gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực đảm bảo tính bền vững. Được biết, tháng 10-2016, UBND tỉnh đã phê duyệt “Đề án Đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức hợp tác trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2020”. Rõ ràng, hoạt động của các hình thức tổ chức hợp tác trong nông nghiệp đang được các cấp, ngành đặc biệt quan tâm, chỉ đạo.


Theo ông Trương Hữu Lan - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn: “Đề án hướng đến hỗ trợ các mô hình kinh tế hợp tác thông qua các nội dung như: tập huấn, đào tạo nâng cao trình độ, hỗ trợ vay vốn, đất đai, đầu tư kết cấu hạ tầng, công nghệ chế biến… với tổng kinh phí thực hiện hơn 45 tỷ đồng. Mục tiêu đến năm 2020, Khánh Hòa sẽ có 70% HTX làm ăn có hiệu quả. Hiện nay, các HTX có nhu cầu hỗ trợ đang tập trung xây dựng phương án của mình. Các phương án khả thi sẽ được đề xuất UBND tỉnh ra quyết định hỗ trợ”.


C.Đ
 


 

Luật HTX năm 2012 có hiệu lực từ tháng 7-2013. Đến nay, toàn tỉnh có 97 HTX và 1 liên hiệp HTX đã đổi thay, sắp xếp lại, hoạt động theo Luật HTX năm 2012. 40 HTX không đáp ứng được, phải ngừng hoạt động. Trong số 97 HTX đang hoạt động, có 73 HTX nông nghiệp, 11 HTX tiểu thủ công nghiệp, 9 HTX vận tải và 4 quỹ tín dụng nhân dân. Toàn tỉnh có 64 nghìn thành viên HTX, vốn chủ sở hữu gần 125 tỷ đồng, tăng 9,8% so với năm 2013.

___________________________________________



Lãnh đạo Liên minh HTX tỉnh cho biết, trong số 73 HTX nông nghiệp, có 5 HTX chưa có trụ sở làm việc, gần 40 HTX có trụ sở được xây dựng trước năm 1985 nay đã xuống cấp nghiêm trọng; 26 HTX chưa có cửa hàng mua bán vật tư nông nghiệp; 26 HTX có cửa hàng nhưng được xây dựng từ thời bao cấp đến nay đã hư hỏng và không còn sử dụng được; 23 HTX chưa có sân phơi. Thêm một khó khăn nữa đó là các HTX nông nghiệp hầu như chưa tiếp cận được với tổ chức tín dụng.