11:07, 17/07/2017

Tập trung vào cây trồng chủ lực

Những con số thống kê của ngành Nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2017 cho thấy, giá trị sản xuất nông nghiệp đã có bước tăng trưởng đáng ghi nhận: 3,35%. Điều đáng lưu ý là diện tích, năng suất của hầu hết các lĩnh vực nông, lâm, thủy sản đều giảm, nhưng giá trị lại tăng.

Những con số thống kê của ngành Nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2017 cho thấy, giá trị sản xuất nông nghiệp đã có bước tăng trưởng đáng ghi nhận: 3,35%. Điều đáng lưu ý là diện tích, năng suất của hầu hết các lĩnh vực nông, lâm, thủy sản đều giảm, nhưng giá trị lại tăng.


Nhiều chỉ tiêu giảm


Trong nhiều năm liền, nông nghiệp Khánh Hòa chỉ dừng lại ở mức tăng trưởng dưới 3%; ngoại trừ năm 2016, mỗi năm thu về chưa đầy 10.000 tỷ đồng giá trị sản xuất nông nghiệp.

 

Những con số dường như chưa thể hiện hết được mức độ tăng trưởng của một ngành khi đặt ngành đó vào điều kiện phát triển. Với ngành Nông nghiệp, yếu tố thời tiết vẫn đóng vai trò quyết định đến năng suất, giá trị. Năm 2015 nhiều đợt nắng hạn khiến cho ruộng đồng phải bỏ hoang đến hàng nghìn héc-ta, cây cối sống được cũng chỉ ở mức độ cầm chừng, năng suất, chất lượng cũng vì thế bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Năm 2016, một năm hà khắc với cả cây lâu năm lẫn cây hàng năm khi nắng hạn cả nửa đầu năm, rồi những đợt mưa lũ xảy ra liên tiếp vào nửa cuối năm. Thế nhưng, đây lại là năm giá trị sản xuất nông lâm thủy sản của Khánh Hòa tăng đến 2,89%, hơn 10.000 tỷ đồng đã được thu về từ hoạt động sản xuất nông nghiệp, cao hơn khá nhiều so với những năm trước đó.


Bước sang nửa đầu năm 2017, cây lúa cả khi trổ bông lẫn thời điểm thu hoạch vụ đông xuân đều “dính” mưa, năng suất lúa vụ này chỉ chưa đầy 59 tạ/ha, giảm hơn 3,2 tạ so với năm trước. Đây cũng là năm trái xoài ở huyện Cam Lâm điêu đứng vì giá thành hạ, sản lượng không như kỳ vọng và tình hình sâu hại diễn biến phức tạp. Cây bưởi da xanh trên đất Khánh Vĩnh bước đầu hiệu quả nhưng diện tích thu hoạch được lại chưa nhiều, đã vậy những đợt mưa lũ cuối năm 2016 đã tác động không nhỏ đến cây trồng này, bước sang 2017 là giai đoạn phục hồi nên năng suất có phần giảm sút. Người trồng mía ở TP. Cam Ranh, thị xã Ninh Hòa vụ mùa qua cũng phải đối diện với không ít gian khó, cả về điều kiện thời tiết lẫn những sự cố xung quanh hoạt động thu mua. Tình hình mưa nhiều từ đầu năm đến nay cũng ảnh hưởng đến sự phát triển cây tỏi ở Ninh Hòa, huyện Vạn Ninh.


Về chăn nuôi, những người chăn nuôi heo ở Khánh Hòa cũng không nằm ngoài cơn bão rớt giá mà cả nước phải hứng chịu. Đã có những thời điểm, giá bán heo đến độ xuất chuồng chỉ ngang với chi phí đủ để… tiêm phòng. 6 tháng qua, toàn tỉnh cũng đã giảm diện tích nuôi trồng thủy sản xuống còn 3.560ha, giảm 4,1% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 7.439 tấn, giảm 3,06% do ô nhiễm vùng nuôi nên người dân thu hẹp quy mô nuôi trồng.

 

Chăm sóc bưởi da xanh

Chăm sóc bưởi da xanh

 

Chuyển đổi hiệu quả

 

Trong cuộc họp giữa ngành Nông nghiệp và Thường trực UBND tỉnh mới đây, đồng chí Lê Đức Vinh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Ngành Nông nghiệp cần chú trọng vào việc đánh giá một cách cụ thể, chi tiết những việc đã làm được, những cây, con chủ lực hoặc xu thế phát triển nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay; giảm bớt việc thống kê năng suất, diện tích các loại cây trồng như: lúa, bắp… Đây không còn là những cây trồng định hướng chủ lực của tỉnh.

Câu hỏi đặt ra là vì sao trước những khó khăn và sản lượng, giá trị của nhiều lĩnh vực nông nghiệp bị tác động theo chiều hướng giảm, nhưng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản lại tăng? Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có nhiều yếu tố giúp cán cân giá trị sản xuất nông nghiệp được giữ vững và có bước phát triển đáng ghi nhận. Trước hết đó là ngành nghề chiếm tỷ trọng lớn tăng so với năm trước. Chẳng hạn như đánh bắt thủy sản tăng cả về sản lượng lẫn giá trị. Từ đầu năm đến nay, sản lượng thủy sản khai thác đã đạt đến con số gần 54.000 tấn, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị của thủy sản thường ở mức cao, góp phần không nhỏ gánh đỡ cho những sụt giảm của một số chỉ số khác. Tuy nhiên, điều cốt lõi đó là giá trị của các loại nông sản trên cùng một diện tích sản xuất đã có bước chuyển mình, tăng cao. Từ đầu năm đến nay, hoạt động chuyển đổi sang trồng các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn đang được đẩy mạnh và trở thành lời giải cho bài toán kinh tế nông nghiệp.


Cuối năm 2016, tỉnh đã thông qua Đề án chuyển đổi cây trồng giai đoạn 2016 - 2020. Đến nay, đã có 270ha đất lúa kém hiệu quả được chuyển sang cây trồng hàng năm, cây ăn quả. Trong đó, huyện Cam Lâm đã kịp chuyển 140ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng khoai sáp; huyện Khánh Vĩnh chuyển đổi đất trồng cây lâu năm kém hiệu quả sang trồng bưởi da xanh (80ha) và sầu riêng (15ha). Rồi đây, những diện tích lúa 1 vụ, đất rẫy tạp kém hiệu quả, diện tích trồng bắp, mì có giá trị kinh tế thấp sẽ dần được chuyển sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn, nhường chỗ cho bưởi da xanh, các loại xoài, ớt, tỏi, dừa xiêm, sầu riêng, cam, quýt, măng cụt… Nói khác đi, sự đổi thay về chất trong quá trình chuyển đổi sang những cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao hơn đang giúp cho ngành Nông nghiệp bước đầu có bước tăng trưởng đáng ghi nhận. Cho nên, tuy còn không ít khó khăn, giá trị sản xuất của ngành Nông nghiệp vẫn tăng.


Hy vọng, kết quả đạt được trong nửa đầu năm 2017 sẽ là nền tảng mới, giúp ngành Nông nghiệp ngày một phát triển, đóng góp quan trọng vào cơ cấu kinh tế - xã hội của tỉnh.


H.Đ