09:07, 12/07/2017

Nan giải tìm nhân lực có trình độ

Theo lãnh đạo các doanh nghiệp (DN), phần lớn lao động sau khi tuyển dụng đều phải tổ chức đào tạo lại tay nghề và những kỹ năng cần thiết. Điều này đòi hỏi các ngành chức năng, cơ sở đào tạo cần nghiên cứu đề ra giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn lao động, đáp ứng nhu cầu của DN và thị trường…

Theo lãnh đạo các doanh nghiệp (DN), phần lớn lao động sau khi tuyển dụng đều phải tổ chức đào tạo lại tay nghề và những kỹ năng cần thiết. Điều này đòi hỏi các ngành chức năng, cơ sở đào tạo cần nghiên cứu đề ra giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn lao động, đáp ứng nhu cầu của DN và thị trường…


Doanh nghiệp phải đào tạo lại tay nghề


Ông Nguyễn Trương Kiến Quốc - Giám đốc Nhân sự hành chính Công ty TNHH KN Cam Ranh cho biết, để chuẩn bị cho khu du lịch nghỉ dưỡng của đơn vị tại Bãi Dài đi vào hoạt động, thời gian qua, đơn vị phải gấp rút tuyển dụng gần 1.000 lao động. Tuy nhiên, khi phỏng vấn, đơn vị nhận thấy kỹ năng nghề nghiệp của người lao động còn yếu, tác phong thiếu chuyên nghiệp, trình độ hiểu biết về pháp luật còn hạn chế... “Trước thực trạng đó, chúng tôi phải chấp nhận tuyển chọn những lao động đáp ứng được từ 30% trở lên những yêu cầu của công ty. Sau khi tuyển dụng, công ty phải hợp đồng với các giảng viên, chuyên gia tổ chức đào tạo lại kỹ năng nghề và những điểm mà người lao động còn yếu, thiếu”, ông Quốc chia sẻ.

 

Doanh nghiệp tuyển dụng, tư vấn việc làm cho người lao động thông qua các phiên giao dịch việc làm

Doanh nghiệp tuyển dụng, tư vấn việc làm cho người lao động thông qua các phiên giao dịch việc làm

 
Tham gia các phiên giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức, chúng tôi đều nhận thấy sự thất vọng nhiều hơn là hài lòng của các DN. Phần lớn nhà tuyển dụng đến với các phiên giao dịch việc làm đều kỳ vọng sẽ tuyển được những lao động đáp ứng yêu cầu của mình. Tuy nhiên, các nhà tuyển dụng đều thất vọng vì chất lượng, kỹ năng nghề của người lao động còn thấp. Do đó, các phiên giao dịch việc làm tổ chức lần sau đã không thu hút được DN tham gia. Ông Võ Đình Hùng - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang cho biết, để đáp ứng nhu cầu, giảm bớt thời gian và chi phí, công ty phải mở cơ sở dạy nghề riêng.


Cần giải pháp nâng cao chất lượng lao động


Từ công tác tuyển dụng lao động của đơn vị trong thời gian qua, bà Lê Thị Mỹ Linh - Trưởng phòng Nhân sự Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Vina Real cho rằng, chất lượng lao động hiện nay trên địa bàn tỉnh còn khá thấp. Theo bà, các ngành chức năng cần đưa ra giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn lao động. Các cơ sở đào tạo nên chú trọng đào tạo lao động chất lượng, tập trung vào những ngành nghề mà các DN đang cần. Đặc biệt, khi đào tạo cần liên kết với các DN để tạo môi trường thực hành chuyên nghiệp cho người học. Có như vậy, khi ra trường, người lao động mới đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng, đồng thời giảm bớt chi phí, thời gian đào tạo lại của DN.


Theo lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, hiện nay, các DN có nhu cầu về nguồn nhân lực có trình độ khá lớn. Điều này đặt ra yêu cầu cho các cơ quan chức năng phải có những giải pháp căn cơ để giải quyết, nâng cao chất lượng nguồn lao động.


Ông Mai Xuân Trí - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, hiện nay, ngành đang tập trung nâng cao chất lượng đào tạo nghề ở các cơ sở dạy nghề. Trước mắt, ngành tiến hành rà soát, bổ sung đào tạo thêm những ngành, nghề phù hợp với nhu cầu DN và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; điều chỉnh, cải tiến nội dung đào tạo, gắn với tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ và thực tế sản xuất trong các DN. Về cách thức đào tạo thì chú trọng tăng thời lượng thực hành. Đặc biệt, các cơ sở dạy nghề gắn kết chặt chẽ với DN để đào tạo nguồn nhân lực cho DN; đào tạo theo địa chỉ việc làm. Tất cả hướng đến mục tiêu đến năm 2020 hơn 60% lao động được đào tạo nghề có chất lượng, nâng cao giá trị sức lao động, có việc làm bền vững, tham gia cạnh tranh tốt trên thị trường lao động…


PHÚ VINH