11:07, 05/07/2017

Đóng tàu theo Nghị định 67: Gỡ vướng từ bảo hiểm và ngân hàng

Sáng 5-7, UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức cuộc họp với các sở, ngành, địa phương và các ngân hàng nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản.

Sáng 5-7, UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức cuộc họp với các sở, ngành, địa phương và các ngân hàng (NH) nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện Nghị định (NĐ) 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản. Ông Đào Công Thiên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi làm việc.


Tại cuộc họp, ông Lê Tấn Bản - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã nêu ra những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai NĐ 67 tại Khánh Hòa. Khó khăn lớn nhất là chính sách bảo hiểm đã ngừng cung cấp từ đầu năm 2017. Trong khi đó, các NH lại yêu cầu phải có bảo hiểm (thân tàu, thuyền viên) để bảo đảm khoản vay. Ngoài ra, một số trường hợp còn bị các NH từ chối cho vay với các lý do chưa phù hợp với NĐ 67.

 

Về vấn đề này, theo lãnh đạo Sở Tài chính, trong phiên họp Chính phủ thường kỳ cuối năm 2016, Chính phủ đã thống nhất kéo dài thời hạn thực hiện các chính sách quy định tại NĐ 67 đến hết ngày 31-12-2017. Trên cơ sở đó, vào ngày 31-3, Bộ Tài chính đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đồng gửi các tổng công ty bảo hiểm về việc tiếp tục thực hiện chính sách bảo hiểm theo NĐ 67. Tuy nhiên, các chủ tàu cá vẫn không tiếp cận được chính sách bảo hiểm này, đồng nghĩa với việc không thể hoàn tất các thủ tục vay vốn đóng tàu. Trước tình hình đó, tháng 6-2017, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có ý kiến yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương hướng dẫn cụ thể, đồng thời giám sát chặt chẽ việc tiếp tục thực hiện chính sách bảo hiểm quy định tại NĐ 67 đảm bảo không để xảy ra tình trạng các doanh nghiệp bảo hiểm không bán bảo hiểm cho ngư dân, gây khó khăn khi ra khơi. Ngày 3-7, Bộ Tài chính đã có văn bản đến các Tổng Công ty Bảo hiểm gồm: Bảo Minh, Bảo Việt, Petrolimex và PVI, trong đó nêu rõ: “Đề nghị các Tổng Công ty tiếp tục triển khai thực hiện chính sách bảo hiểm quy định tại NĐ 67 đến hết ngày 31-12-2017 theo chỉ đạo của Chính phủ”.


Cuộc họp cũng dành nhiều thời gian phân tích vì sao số lượng tàu cá được tiếp cận vốn vay hiện nay còn thấp và không đồng đều giữa các NH? Được biết, UBND tỉnh đã quyết định danh sách 45 tàu, nhưng đến nay mới chỉ triển khai được 28 tàu, 17 tàu còn lại đang vướng điều gì, tại sao chưa triển khai?

 

Một con tàu của ngư dân Khánh Hòa đóng mới từ nguồn vốn vay theo Nghị định 67

Một con tàu của ngư dân Khánh Hòa đóng mới từ nguồn vốn vay theo Nghị định 67

 

Theo đại diện Agribank chi nhánh Khánh Hòa, từ khi triển khai NĐ 67, NH đã triển khai cho vay đối với 17 chủ tàu. Trong đó, đã có 10 tàu hạ thủy, ra khơi, 7 tàu đang triển khai đóng mới. Trong quá trình triển khai, NH cũng gặp không ít khó khăn. Chẳng hạn như NH yêu cầu chủ tàu phải mua bảo hiểm theo từng năm, cam kết mua trong 16 năm, nhưng ngư dân lại hiểu là NH đòi hỏi chủ tàu phải mua bảo hiểm toàn bộ 16 năm. Tại cuộc họp, đại diện Agribank chi nhánh Khánh Hòa cam kết sẽ tiếp tục thẩm định các hồ sơ, phấn đấu có thêm ít nhất 3 chủ tàu tiếp cận được vốn vay.


Còn theo BIDV Khánh Hòa, NH đã tiếp cận 12 hồ sơ vay vốn đóng tàu theo NĐ 67. Hiện nay, có 10 chiếc hoàn tất việc vay vốn (6 tàu đã hạ thủy, 4 tàu đang triển khai đóng mới). 1 chủ tàu đề nghị chuyển sang vay thương mại thay vì vay ưu đãi theo NĐ 67. 1 tàu có số vốn rất lớn, NH đang xem xét, thẩm định hồ sơ. Tất cả các trường hợp, NH đều trả lời cho khách hàng bằng văn bản cụ thể.


Thông qua cuộc họp này, NH mong muốn có thêm các NH khác tham gia. Từ nay đến cuối năm, NH tiếp tục xem xét cho vay đối với một số trường hợp còn lại.


Theo đại diện NH Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Khánh Hòa, trong số 28 tàu đã tiếp cận vốn vay từ các NH, Agribank Khánh Hòa đang dẫn đầu với 17 trường hợp, BIDV Khánh Hòa 10 trường hợp, Vietcombank Nha Trang 1 trường hợp, Vietcombank Khánh Hòa và VietinBank chi nhánh Khánh Hòa chưa triển khai cho vay đối với bất cứ hồ sơ nào.


Ông Đào Công Thiên cho biết, hiện nay, trong số 17 trường hợp đã có quyết định của UBND tỉnh nhưng chưa triển khai, có tới 16 hồ sơ đang thực hiện tại Agribank Khánh Hòa. Đề nghị Vietcombank Khánh Hòa, Vietcombank Nha Trang và VietinBank Khánh Hòa làm việc với Agribank Khánh Hòa để đưa ra các giải pháp, chia sẻ hồ sơ, đảm bảo tất cả các NH từ nay đến hết năm 2017 phải tham gia cho vay đóng mới tàu cá theo NĐ 67.


Cũng tại buổi làm việc, các sở, ngành, địa phương và NH xác nhận hoạt động đóng tàu theo NĐ 67 tại Khánh Hòa tuy triển khai chậm, nhưng chắc chắn, cẩn trọng, không xảy ra dư luận không tốt như một số địa phương khác đang mắc phải.


H.Đ

 

* Ông Đào Công Thiên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Chậm nhất đến ngày 10-7, các NH phải đăng ký với UBND tỉnh những hồ sơ được đưa vào xem xét, thẩm định trong số 17 chủ tàu đã có quyết định của UBND tỉnh nhưng chưa triển khai.

 

______________________________________________
 



Tính đến hết tháng 6-2017, UBND tỉnh đã phê duyệt danh sách 54/131 chủ tàu cá đủ điều kiện đóng mới, nâng cấp, cải hoán tàu cá theo NĐ 67; tổng nhu cầu vốn của 54 trường hợp này là 478 tỷ đồng. Tuy nhiên, có 9 chủ tàu (1 đóng mới, 8 nâng cấp) xin thôi không tham gia nên chỉ còn 45 trường hợp. Trong đó, có 42 tàu đóng mới và 3 tàu nâng cấp.


Đến nay, đã có 17 tàu hoàn thiện, đi vào hoạt động gồm 14 tàu đóng mới (13 tàu composite, 1 tàu gỗ) và 3 tàu nâng cấp. Các chủ tàu cũng đang triển khai đóng mới đối với 11 tàu. Như vậy, trong số 45 tàu đã được UBND tỉnh phê duyệt, có 28 tàu đã triển khai; được các NH cam kết cho vay với số tiền gần 250 tỷ đồng, đã giải ngân khoảng 164 tỷ đồng.