06:06, 16/06/2017

Làm giàu từ kinh tế trang trại

Sau nhiều năm cần mẫn làm kinh tế trang trại, đến nay, bà Trần Thoại Phương (63 tuổi, thôn Phước Sơn, xã Phước Đồng, TP. Nha Trang) đã trở thành một trong những gương điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi của phụ nữ xã Phước Đồng.

Sau nhiều năm cần mẫn làm kinh tế trang trại, đến nay, bà Trần Thoại Phương (63 tuổi, thôn Phước Sơn, xã Phước Đồng, TP. Nha Trang) đã trở thành một trong những gương điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi của phụ nữ xã Phước Đồng.


Bà Phương quê ở tỉnh Lâm Đồng. Năm 1999, bà đến Khánh Hòa lập nghiệp, quyết tâm làm giàu với nghề chăn nuôi. Sau 13 năm ở nhà thuê, đến nay, bà Phương đã có căn nhà khang trang với đầy đủ tiện nghi, trang trại rộng 8.000m2, với thu nhập khá cao. Để có được kết quả ngày hôm nay, bà đã trải qua thời gian dài lao động vất vả đủ nghề.

 

Ban đầu, bà Phương thử nghiệm chăn nuôi những con giống mới như rắn mối, thỏ. Do thiếu kinh nghiệm, chưa biết cách chăm sóc nên đàn vật nuôi dễ mắc bệnh, thiệt hại không nhỏ nhưng bà không nản lòng, tiếp tục nuôi lứa khác. Nhờ chịu khó học hỏi cùng phương châm lấy ngắn nuôi dài, bà nuôi vài cặp thỏ sinh sản rồi xuất thỏ thương phẩm. Từ nuôi thỏ hiệu quả, bà tiếp tục học hỏi, đầu tư nuôi bán con giống rắn mối. Từ nguồn tích lũy bán thỏ, rắn mối, bà đầu tư mua đất xây trang trại nuôi bò, gà thịt, heo giống, heo thịt, trồng chuối mốc, khoai mì. Những đợt cao điểm, trong khu chuồng nuôi nhà bà có hơn 1.000 con thỏ, 15.000 con gà, 50 con heo nái, gần 200 con heo thịt cho thu nhập từ 45-55 triệu đồng/tháng. Trang trại của bà còn tạo việc làm cho 10 lao động với thu nhập 3,5 triệu đồng/người/tháng.

 

Bà Phương chăm đàn heo nái trong trang trại

Bà Phương chăm đàn heo nái trong trang trại

 

Dẫn chúng tôi đi tham quan 7 trại nuôi gà, 1 trại nuôi heo của mình, bà Phương cho biết, kinh nghiệm mà bà rút ra trong quá trình phát triển mô hình trang trại là chăn nuôi tập trung mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn chăn nuôi truyền thống. Trong đó, phải chọn những loại con giống đã được khảo nghiệm và được khuyến cáo nhân rộng, tốt nhất là nguồn con giống được sản xuất tại địa phương. Đồng thời, nên kết hợp chăn nuôi đa canh, tổng hợp để hạn chế rủi ro. Hiện nay, khi heo rớt giá, bà giảm số lượng heo và đẩy mạnh nuôi gà. “Chúng tôi rất mong được Nhà nước quan tâm, hỗ trợ phụ nữ những nguồn vốn ưu đãi để phát triển kinh tế bền vững”, bà Phương nói.


Không chỉ mạnh dạn trong phát triển kinh tế gia đình, bà Phương còn là hội viên phụ nữ gương mẫu, nhiệt tình. Những năm qua, bà thường xuyên giúp đỡ về giống, vốn, kinh nghiệm giúp phụ nữ cùng vươn lên làm kinh tế gia đình. Theo bà Phạm Thị Yên - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phước Đồng, thôn Phước Sơn là vùng đồi núi, cuộc sống của hội viên, phụ nữ còn nhiều khó khăn. Vì thế, tấm gương làm kinh tế giỏi của bà Phương ảnh hưởng rất tích cực đến hội viên, phụ nữ trong thôn, xã, đặc biệt là đối với các hộ đang cố gắng thoát nghèo. Có thể nói, đây là mô hình chăn nuôi trang trại của phụ nữ có trình độ kỹ thuật khá, quy mô lớn trên địa bàn.


ĐỖ PHAN