09:05, 03/05/2017

Khánh Sơn: Chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Giai đoạn 2016-2020, huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) có kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích 1.055ha. Địa phương đang hướng đến việc nâng cao hiệu quả sản xuất, ổn định thu nhập cho người dân…

 

Giai đoạn 2016-2020, huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) có kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích 1.055ha. Địa phương đang hướng đến việc nâng cao hiệu quả sản xuất, ổn định thu nhập cho người dân…


Hộ bà Mấu Thị Nhi (thôn Dốc Trầu, xã Ba Cụm Bắc) có 2,2 sào đất canh tác xung quanh nhà. Trước đây, gia đình bà trồng lúa nước nhưng hiệu quả rất thấp. Năm 2016, gia đình bà chuyển một nửa diện tích sang trồng mía tím. Trong quá trình chuyển đổi, gia đình bà được cán bộ xã hướng dẫn, giúp đỡ về kỹ thuật trồng, chăm sóc. Sau khi thu hoạch vụ đầu tiên, thấy hiệu quả hơn nhiều so với trồng lúa nên gia đình bà tiếp tục mở rộng thêm diện tích trồng mía tím ra cả 2,2 sào.

 

Hộ bà Cao Thị An (thôn Dốc Trầu) trước đây cũng có 5 sào rẫy trồng bắp nhưng vì gia súc phá và khô hạn nên năng suất không cao. Năm 2015, gia đình bà chuyển sang trồng chuối mốc cấy mô. Theo bà An, trồng chuối cấy mô không tốn nhiều công chăm sóc và đã bắt đầu phát huy hiệu quả kinh tế. So với cây bắp thì trồng chuối hiệu quả hơn nhiều.


Thời gian qua, thời tiết nắng hạn kéo dài đã khiến nhiều diện tích cây trồng trên địa bàn xã Ba Cụm Bắc không đảm bảo nước tưới, thậm chí một số khu vực cao và xa nguồn nước phải bỏ vụ. Theo bà Nguyễn Thị Ngọc, cán bộ phụ trách địa chính - nông nghiệp xã, địa phương đã rà soát và định hướng cho người dân từ nay đến năm 2020 chuyển đổi khoảng 115ha lúa nước, bắp, mì kém hiệu quả, thường xuyên thiếu nước sang trồng các loại cây chịu hạn, có giá trị kinh tế cao. “Riêng trong năm 2017, chúng tôi đã đi khảo sát và định hướng cho người dân chuyển đổi những diện tích lúa nước, cây hàng năm, cây lâu năm kém hiệu quả sang 13ha bưởi da xanh; 5,3ha sầu riêng và khoảng 2,7ha mía tím. Đây là những vùng đảm bảo diện tích chuyển đổi theo quy định của UBND tỉnh cũng như điều kiện nước tưới. Các gia đình đăng ký chuyển đổi cơ cấu cây trồng cũng đảm bảo về nhân lực, vật lực để có thể chuyển đổi cây trồng một cách có hiệu quả”, bà Ngọc nói.

 

Chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng bưởi da xanh, chuối cấy mô

Chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng bưởi da xanh, chuối cấy mô

 

Hiện nay, các xã, thị trấn đã tiến hành rà soát, đánh giá hiệu quả kinh tế từng loại cây trồng và xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với từng khu vực canh tác của địa phương. Đồng thời, vận động, hướng dẫn người dân cải tạo một số diện tích cây ăn quả, cây công nghiệp đã già cỗi, sâu bệnh nhằm nâng cao năng suất cây trồng. Ông Nguyễn Doãn Đạt - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Hiệp cho biết, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu, năm 2017, xã đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi 2ha lúa nước tại cánh đồng Gu Đơn sang trồng bưởi da xanh. Đây là khu vực thường xuyên bị thiếu nước vào mùa khô nên sản xuất lúa nước hiệu quả không cao. Bên cạnh đó, một số hộ cũng đã chủ động chuyển đổi hơn 1ha cây hàng năm kém hiệu quả sang trồng bưởi da xanh. Đối với diện tích chuyển đổi theo kế hoạch của UBND xã, địa phương đã làm tờ trình xin tỉnh hỗ trợ. Bên cạnh đó, đơn vị đỡ đầu của xã là Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy cũng đã đồng ý hỗ trợ người dân 50 triệu đồng để mua cây giống. Hiện nay, người dân đang chuẩn bị đất và phân bón để xuống giống cây trồng khi có mưa. Trong những ngày tới, xã sẽ phối hợp với cơ quan chuyên môn mở lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng và chăm sóc bưởi da xanh cho người dân.  


Theo bà Bo Bo Thị Kiên - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện, căn cứ tình hình thực tế sản xuất tại các xã, thị trấn, đơn vị đã tham mưu UBND huyện làm tờ trình cấp trên xin chuyển đổi cây trồng trên diện tích 1.055ha trong giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, chuyển đổi hơn 54,5ha sản xuất lúa nước kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, cây mía tím; 1.000ha trồng cây hàng năm, cây lâu năm kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, mía tím và cây công nghiệp khác. Để thực hiện hiệu quả việc chuyển đổi, mỗi năm, phòng đều có kế hoạch chuyển đổi đối với từng loại cây trồng, từng khu vực sản xuất, đảm bảo phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương. Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp huyện đề ra các giải pháp về nguồn vốn đầu tư, ứng dụng khoa học kỹ thuật và thị trường tiêu thụ cho sản phẩm, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nông dân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng theo đề án quy hoạch để phát triển các loại cây phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu và ổn định sản xuất, giảm nghèo bền vững.

ĐINH LUẬN