06:05, 23/05/2017

Cam Lâm: Vụ khoai sáp thất bát

Hiện nay, người trồng khoai sáp ở huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đang thấp thỏm lo vì năng suất giảm, giá thành hạ, sức tiêu thụ chậm. Đã vậy, nhiều ruộng khoai còn bị bệnh lá héo rũ, rễ thối đen, củ bị úng…

 

Hiện nay, người trồng khoai sáp ở huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đang thấp thỏm lo vì năng suất giảm, giá thành hạ, sức tiêu thụ chậm. Đã vậy, nhiều ruộng khoai còn bị bệnh lá héo rũ, rễ thối đen, củ bị úng…


Ông Bùi Sương - Tổ trưởng Tổ liên kết khoai sáp (xã Cam Hòa) cho biết: “Hiện nay, tổ có 12 hộ trồng khoai sáp với tổng diện tích khoảng 12ha. Trong đó, hơn 50% diện tích đã thu hoạch với năng suất 1,6 - 1,8 tấn/sào. Mấy vụ trước, người dân có thể thu hoạch được 2 tấn khoai/sào, bán cho thương lái với giá 12.000 đồng/kg. Năm nay, giá khoai chỉ 10.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, nhiều hộ lãi ít hoặc huề vốn. Trong tổ liên kết còn khoảng 2,5ha khoai sáp đã già nhưng chưa bán được. Nếu tình trạng này kéo dài, khoai sáp càng giảm năng suất, nông dân sẽ bị lỗ…”. Được biết, nhà ông Sương có 5 sào khoai sáp. Ông đã thu hoạch 2 sào với năng suất 1,7 tấn/sào, sau khi trừ chi phí, ông lãi 3,5 triệu đồng/sào (thấp hơn 50% so với năm ngoái).

 

Nhà ông Bùi Viễn (thôn Lập Định 2, xã Cam Hòa) cũng lo lắng khi ruộng khoai 1ha sắp đến kỳ thu hoạch nhưng có khoảng nửa diện tích bị bệnh thối rễ, củ bị úng… “Chúng tôi đã thử xịt nhiều loại thuốc nhưng chưa trị được. Cùng diện tích này năm trước, sau khi trừ chi phí, nhà tôi lãi khoảng 100 triệu đồng. Riêng năm nay ước tính không lời, thậm chí sẽ lỗ”, vợ ông Viễn nói.

 
Theo ông Trần Vy Long - Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Hòa, hiện nay, toàn xã có 122ha khoai sáp, tăng vài chục héc-ta so với cùng kỳ năm trước. Hiện tại, khoảng 40% diện tích khoai sáp đã thu hoạch, năng suất đạt 1,6 - 1,8 tấn/sào (giảm khoảng 0,2 tấn/sào so với năm ngoái). Trong số đó, còn khoảng 15 - 20ha khoai sáp đã đến kỳ thu hoạch nhưng chưa bán được. Nhìn chung năm nay, vụ khoai sáp ở xã không đạt hiệu quả; các ruộng khoai còn bị bệnh lá héo rũ, rễ thối đen, củ bị úng… Hội Nông dân và xã đã nhiều lần tuyên truyền người dân không nên mở rộng diện tích trồng khoai nhưng không có tác dụng.  

 

Trồng khoai sáp ở xã Cam Hòa

Trồng khoai sáp ở xã Cam Hòa

 

Ở xã Cam Tân, tình hình cũng không khá hơn. Ông Nguyễn Kiên - Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết, toàn xã trồng hơn 28ha khoai sáp, tăng 20ha so với cùng kỳ năm trước. Hiện tại, nông dân đã thu hoạch khoảng 8ha, năng suất khoảng 1,8 - 2 tấn/sào. Đáng lo ngại, khoảng 15ha khoai trên địa bàn đã già nhưng chưa có người mua… Do khoai sáp dễ trồng, lãi cao hơn trồng lúa nên người dân liên tục mở rộng diện tích, dần dần, khi cung vượt cầu, dẫn đến khoai giảm giá và lượng tiêu thụ chậm hơn là điều tất yếu. Mặt khác, một số ruộng khoai cũng xuất hiện bệnh thối rễ, củ bị úng…

 
Được biết, hiện nay huyện Cam Lâm có khoảng 148ha khoai sáp, tăng 40ha so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chủ yếu tập trung ở xã Cam Hòa và một phần ở xã Cam Tân. Theo lý giải của nhiều nông dân, do mưa nhiều, cây bị ngập úng, kém phát triển, lại thêm bệnh… nên năng suất khoai sáp giảm hơn mọi năm.


Mới đây, qua kết quả kiểm tra thực tế trên đồng ruộng, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phát hiện một số diện tích trồng khoai sáp ở Cam Hòa có triệu chứng bệnh: lá héo rũ, rễ thối đen, củ bị úng và có mùi hôi. Đoàn công tác tiến hành điều tra, lấy mẫu bệnh gửi đi phân tích tại Viện Bảo vệ thực vật và bước đầu nhận định: cây bị bệnh do các loại nấm gây bệnh thối rễ, củ. Bệnh phát sinh gây hại do giống bị nhiễm bệnh, lây lan qua nguồn nước tưới từ ruộng này sang ruộng khác, tàn dư bệnh còn lại trong đất, gây hại nặng ở những ruộng chuyên canh trồng khoai sáp từ 2 đến 3 năm liên tục…


Theo ông Nguyễn Ta - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cam Lâm, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân không nên trồng các cây cùng họ khoai môn liên tiếp nhiều năm trên cùng mảnh đất; nên luân canh các cây trồng khác như: lúa, bắp, cây màu để cách ly nguồn lây lan bệnh. Trước khi canh tác vụ mới, phải tiến hành cày phơi ải đất từ 20 đến 30 ngày và khử trùng đất bằng cách bón vôi bột trước khi trồng. Bên cạnh đó, sử dụng củ giống khỏe từ các ruộng không bị bệnh; xử lý củ giống và xử lý đất bằng thuốc trừ nấm như: Eddy 72WP hay Norshield 86.2WG, Phytocide 50WP. Khi thấy bệnh xuất hiện, sử dụng thuốc như: Validacin 5SP, Mataxyl 500WP, CopperB… để tưới gốc.


K.NGUYỄN