09:12, 22/12/2016

Vì sao hải sản ngày càng khó nuôi?

Thời gian qua, nuôi trồng hải sản trong tỉnh Khánh Hòa gặp nhiều khó khăn, đặc biệt tình trạng cá bớp chết hàng loạt tại huyện Vạn Ninh và TP. Cam Ranh đã đặt ra những thách thức đối với người nuôi hải sản hiện nay.

Thời gian qua, nuôi trồng hải sản trong tỉnh Khánh Hòa gặp nhiều khó khăn, đặc biệt tình trạng cá bớp chết hàng loạt tại huyện Vạn Ninh và TP. Cam Ranh đã đặt ra những thách thức đối với người nuôi hải sản hiện nay.


Thiệt hại liên tục


Theo ông Nguyễn Ngọc Ý - Trưởng phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh, năm nay, người nuôi cá ở xã Vạn Thạnh bị thiệt hại nặng nề do cá chết. Nếu như đợt mưa lũ đầu tháng 11 đã khiến cho 10.000 con cá bớp, trọng lượng khoảng 35 tấn của 260 hộ nuôi cá bớp lồng bè ở Đầm Môn (Vạn Thạnh) bị chết, thì đến cuối tháng 11, cũng tại khu vực Đầm Môn, chỉ trong 2 ngày, 240 lồng nuôi 24.000 con cá bớp kích cỡ 2 - 8kg/con, sản lượng ước tính hơn 117 tấn bị thiệt hại. Nguyên nhân cá chết lần này được xác định là do tảo gây hại. Tìm hiểu thêm được biết, tảo xuất hiện, nở hoa chủ yếu là do môi trường nước bị ô nhiễm.

 

Người nuôi cá bớp tại huyện Vạn Ninh điêu đứng vì cá chết liên tục
Người nuôi cá bớp tại huyện Vạn Ninh điêu đứng vì cá chết liên tục


Trong khi đó, tại khu vực vịnh Cam Ranh, từ tháng 7 đến tháng 10-2016, đã có khoảng 4.000 ô lồng nuôi thủy sản liên tục chết trắng. Mới đây, ngày 28 và 29-11, 20 tấn cá bớp của người dân nuôi tại phường Cam Phúc Nam cũng bị chết. Nguyên nhân được xác định là do không thực hiện kiểm dịch cá giống, sử dụng cá tạp làm thức ăn khiến nhóm vi khuẩn Streptococcus SP gây bệnh bỏng đỏ tấn công làm cá chết hàng loạt.


Năm nay, cá nuôi trên đầm Nha Phu (thị xã Ninh Hòa) cũng chết trắng lồng nhiều đợt với số lượng hàng trăm tấn, thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Nguyên nhân cũng do ô nhiễm môi trường khiến cá nhiễm khuẩn Vibrio alginolyticus với mẫu xét nghiệm có vết vi khuẩn dày đặc.


Nhiều chuyên gia cho rằng, việc nuôi trồng hải sản ở Khánh Hòa đang đối mặt với nhiều thách thức như: mang tính tự phát, thiếu quy hoạch. Trong khi đó, điều kiện hạ tầng còn hạn chế, trình độ kỹ thuật của người nuôi chưa đáp ứng được yêu cầu… Những nguyên nhân này đã khiến sản xuất kém hiệu quả; môi trường nuôi bị ô nhiễm nghiêm trọng, làm cho nghề nuôi hải sản phát triển thiếu bền vững.


Cần có quy hoạch để phát triển


Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi thực tế của mình, ông Phạm Đức Phương - Quản lý bè nuôi cá biển (Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I) tại vịnh Vân Phong cho biết: Bè nuôi của viện đầu tư 12 tỷ đồng, quy mô nuôi công nghiệp từ 200 đến 300 tấn/năm, sử dụng công nghệ lồng bè bằng nhựa của Na Uy, hệ thống này có khả năng chịu sóng gió, giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm. “Thời gian qua, hải sản nuôi tại Khánh Hòa chết hàng loạt ở rất nhiều nơi, nhưng trại nuôi của chúng tôi không bị tác động do nuôi xa bờ, không ảnh hưởng việc ô nhiễm ven bờ. Tuy nhiên, chi phí đầu tư nuôi theo công nghệ Na Uy khá cao, để áp dụng công nghệ mới này ngư dân rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước”.


Tại hội nghị phát triển nuôi trồng thủy sản biển, tổ chức tại TP. Nha Trang mới đây, ông Trần Công Khôi - Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản cho rằng, để giải quyết các thách thức trên phải có một chương trình khoa học, công nghệ riêng dành cho lĩnh vực nuôi biển nhằm giải quyết đồng bộ việc phát triển bền vững cho nghề này như: giống, thức ăn, công nghệ nuôi, quản lý môi trường, công nghệ bảo quản, thị trường sau khai thác… Ngoài ra, việc nuôi hải sản đang mâu thuẫn rất lớn với những mối nguy hại từ các khu công nghiệp, hoạt động xây dựng, du lịch… Do đó, cần có chính sách, quy hoạch riêng cho ngành này để khai thác tiềm năng nuôi biển.

 

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 10 tháng năm 2016, sản lượng nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh đạt 12.000 tấn, đạt 90,6% kế hoạch, giảm 2,3% so với cùng kỳ năm trước. Toàn tỉnh thả nuôi 24.899 lồng tôm hùm, sản lượng ước đạt 470 tấn; 4.942 lồng cá biển (cá mú, cá bớp, cá hồng, cá chim trắng), sản lượng ước đạt 1.430 tấn; 120ha rong biển, sản lượng ước đạt 530 tấn; ốc hương nuôi biển sản lượng ước đạt 130 tấn…

Trong khi đó, ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, việc đảm bảo chất lượng, sản lượng cho các sản phẩm hải sản xuất khẩu hiện nay là vấn đề rất quan trọng. Nếu một vùng biển ô nhiễm thì rất khó có thể quy hoạch, đặt các dự án, thực hiện việc nuôi trồng, cũng như áp dụng nuôi trồng các thủy sản biển. Mặt khác, giá thành sản xuất của nước ta còn cao do đó khó cạnh trạnh, sản xuất thiếu ổn định. Vì vậy, cần chọn đối tượng ưu việt, hướng đến thị trường nội địa nhiều hơn.


Theo tìm hiểu của chúng tôi, để phát triển nuôi trồng hải sản bền vững, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã chú trọng việc triển khai quy hoạch chi tiết mặt nước các vịnh, đầm trên địa bàn dành cho những đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao như: tôm hùm, các loài cá biển và một số loài hải sản khác. Cùng với đẩy mạnh việc triển khai các chính sách khuyến khích phát triển nuôi trồng hải sản; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các vùng nuôi tập trung, ứng dụng công nghệ cao vào nuôi..., theo chia sẻ của ông Lê Tấn Bản - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tiến hành hoàn thiện để trình UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch phát triển thủy sản và quy hoạch không gian ven bờ giai đoạn 2016 - 2025. Trên cơ sở quy hoạch được phê duyệt, sở sẽ phối hợp với các địa phương triển khai lập quy hoạch chi tiết nuôi trồng thủy sản vùng ven biển và các vịnh. Từ đó sẽ rà soát, đánh giá, sắp xếp lại các vùng nuôi, đảm bảo ổn định phát triển sản xuất.


HẢI LĂNG