10:12, 07/12/2016

Cần thêm nhiều hồ chứa nước

Là tỉnh được xếp vào diện thiếu nước, vì thế, quy hoạch phát triển thủy lợi Khánh Hòa giai đoạn 2015 - 2025 và định hướng đến 2035 đang tập trung giải quyết vấn đề này.

Là tỉnh được xếp vào diện thiếu nước, vì thế, quy hoạch phát triển thủy lợi Khánh Hòa giai đoạn 2015 - 2025 và định hướng đến 2035 đang tập trung giải quyết vấn đề này.

Thủy lợi chưa đáp ứng được yêu cầu


Theo “Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển thủy lợi tỉnh Khánh Hòa đến năm 2015” được UBND tỉnh phê duyệt năm 2008, tính đến năm 2015, toàn tỉnh sẽ xây mới 43 hồ chứa nước, kênh sau thủy điện. Tuy nhiên, thực tế mới chỉ xây dựng được 4 công trình. 2 trong số 4 công trình đó (hồ Tà Rục và kênh sau thủy điện Ea Krông Rou) vẫn chưa phát huy được hiệu quả tưới do chưa xây dựng kênh nhánh, kênh nội đồng. Một số hồ chứa quan trọng đã đề xuất nhưng chưa được xây dựng là các hồ: Đồng Điền, Sông Chò 1, Sông Cạn, Đất Lành, hồ Sông Búng, Đắc Lộc. Còn trong số các công trình được đưa vào kế hoạch nâng cấp, sửa chữa giai đoạn này, chỉ mới thực hiện được 40% khối lượng.

 

Đập ngăn mặn “dã chiến” trên sông Cái Nha Trang
Đập ngăn mặn “dã chiến” trên sông Cái Nha Trang


Đây cũng là thời điểm mà Viện Quy hoạch thủy lợi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang được “đặt hàng” để xây dựng Đề án “Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển thủy lợi tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2015 - 2025 và định hướng đến 2035”. Theo kết quả điều tra hiện trạng của đơn vị này, đến năm 2015, Khánh Hòa có 211 công trình cấp nước, trong đó có 30 hồ chứa, 119 đập dâng, 62 trạm bơm đảm bảo cho tưới 18.021ha cây trồng. So với diện tích đất sản xuất nông nghiệp gần 100.000ha, các công trình thủy lợi này mới đáp ứng tưới được chưa đầy 19% diện tích.


Ông Nguyễn Thái Như Trị - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh cho biết: “Hiện nay, hệ thống công trình thủy lợi chỉ đảm bảo tưới chưa đầy 50% so với năng lực thiết kế. Khoảng 60 công trình thủy lợi bị hư hỏng xuống cấp, không đảm bảo khả năng cấp nước, gây mất an toàn công trình”. Theo Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường tỉnh, toàn tỉnh hiện có 63 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn theo thiết kế cấp cho hơn 217.000 người, nhưng thực tế mới cấp cho 72.608 người. Số người được sử dụng nước máy là 240.596, chiếm khoảng 40% số người được sử dụng nước hợp vệ sinh. TP. Nha Trang và huyện Khánh Vĩnh là hai địa phương có tỷ lệ sử dụng nước máy cao nhất, huyện Vạn Ninh có tỷ lệ cấp nước máy thấp nhất, chỉ đạt 18,8%.


Nguyên nhân cơ bản khiến cho mục tiêu của ngành thủy lợi trong giai đoạn 2008 - 2015 không đạt được là do nguồn vốn đầu tư xây dựng công trình không đảm bảo theo kỳ vọng. Một nguyên nhân khác là giai đoạn này rơi đúng vào thời kỳ khủng hoảng kinh tế nên đầu tư công bị cắt giảm trên mọi lĩnh vực.


Sẽ xây mới 38 hồ chứa


Theo nghiên cứu về cân bằng nước tại Khánh Hòa, tổng lượng nước toàn năm thì đủ nhưng lại thiếu trầm trọng vào mùa khô. Giải pháp xây hồ chứa tích nước mùa mưa để sử dụng mùa khô được coi là căn cơ nhất. Bên cạnh rất nhiều giải pháp đi cùng, theo Đề án “Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển thủy lợi tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2015 - 2025 và định hướng đến 2035”, tổng vốn đầu tư từ nay đến năm 2035 là 19.162 tỷ đồng. Số tiền này sẽ dùng vào việc thực hiện nâng cấp, sửa chữa, kiên cố 56 công trình, cụm công trình thủy lợi, trong đó có 18 hồ chứa nước; xây dựng mới 56 công trình bao gồm: 38 hồ chứa, 6 đập dâng, 5 trạm bơm và 7 công trình khác. Ngoài các công trình nhằm giữ nước, cấp nước, quy hoạch phòng, chống lũ lụt cũng được đầu tư đáng kể. Trong đó bao gồm việc mở rộng, nạo vét tuyến thoát lũ, kè bảo vệ bờ sông suối 107 tuyến công trình với tổng chiều dài 129,2km và các giải pháp phi công trình phòng, chống lũ với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 3.000 tỷ đồng.


Sau khi được đầu tư, nước tưới cho cây trồng, cấp nước cho nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi và đặc biệt là cấp nước cho sinh hoạt, du lịch, công nghiệp sẽ được đảm bảo với tiêu chí cao hơn. Theo tính toán, riêng về cấp nước cho sinh hoạt hiện nay là 57,19 triệu m3, đến năm 2035 tăng lên thành 135,586 triệu m3. Nhu cầu cấp nước cho du lịch hiện nay là 11,2 triệu m3, đến năm 2025 tăng lên thành 47,9 triệu m3. Còn nhu cầu cấp nước cho công nghiệp hiện nay là 11,6 triệu m3, đến năm 2035 tăng lên 93,9 triệu m3.


Tại cuộc họp Hội đồng thẩm định rà soát Quy hoạch thủy lợi tỉnh Khánh Hòa mới đây, ông Đào Công Thiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã nhấn mạnh: “Đối với các công trình hồ chứa xây dựng mới, thứ tự ưu tiên phải là nước sinh hoạt, công nghiệp, du lịch rồi mới đến sản xuất nông nghiệp. Đơn vị xây dựng tư vấn cần nghiên cứu thực hiện kênh đào từ sông Cái kết nối với sông Tắc nhằm giảm lũ cho khu vực TP. Nha Trang, huyện Diên Khánh. Các công trình chứa nước nhỏ tại huyện Khánh Sơn ưu tiên đề xuất đầu tư sớm do địa phương này đang hoàn toàn bị động về nguồn nước”.


Được biết, hiện nay, đơn vị tư vấn đang hoàn tất những chỉnh sửa cuối cùng trước khi trình UBND tỉnh thông qua Đề án “Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển thủy lợi tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2015 - 2025 và định hướng đến 2035” trong thời gian tới.


H.Đ