10:12, 29/12/2016

Cam Lâm: Tập trung khôi phục sản xuất

Cùng với chính quyền, nông dân trên địa bàn huyện Cam Lâm đang nỗ lực khắc phục thiệt hại sau mưa lụt, khôi phục sản xuất.

Cùng với chính quyền, nông dân trên địa bàn huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đang nỗ lực khắc phục thiệt hại sau mưa lụt, khôi phục sản xuất.


Nông dân cố gắng khắc phục


Những ngày này, tại xã Cam Hòa, nhiều ruộng khoai sáp lá tơi tả. Trên những cánh đồng lúa, nước vẫn còn ngập. Anh Nguyễn Chí Thành, cán bộ theo dõi nông nghiệp của xã chia sẻ, mưa lớn liên tiếp đã khiến hơn 550ha lúa của xã đều bị ngập, thiệt hại 100%; phần lớn diện tích lúa bị phủ cát, rất khó khôi phục. Ở xã Cam Hải Đông, hơn 30 hộ nuôi tôm thẻ chân trắng, cá dìa, cua với diện tích khoảng 10ha đìa bị thiệt hại do vỡ bờ, ngập nước…

 

Người dân xã Cam Hải Tây khẩn trương lặt nụ cúc
Người dân xã Cam Hải Tây khẩn trương lặt nụ cúc


Tuy vậy, mưa vừa tạnh, nhiều nông dân đã xuống đồng tìm cách khôi phục sản xuất. Chị Phan Thị Thắm (xã Suối Tân) cho biết, đợt mưa lụt vừa ngưng, người quen ở xã Cam Hải Tây nhắn chị đi lặt nụ cúc gấp vì không đủ người. “Hơn 2.000 chậu cúc này nhờ kê cao mà thoát lụt, nhưng mưa nhiều, cây lớn rất chậm. Chỉ còn chưa đầy tháng là đến Tết mà giờ cây cúc chưa cao bằng cây cắm, còn nhiều nụ hoa con. Người chủ đã thuê hơn chục chị em chúng tôi để lặt nụ cho kịp, nhưng mỗi người cũng chỉ lặt được 5 - 6 chậu cúc/ngày. Tôi phải đi sớm, về muộn hơn chút xíu để lặt cho kịp vụ”, chị Thắm nói.


Bị mất trắng 1,9ha lúa, giờ đây, vợ chồng bà Nguyễn Thị Chi (thôn Cửu Lợi 3, xã Cam Hòa) đang tập trung lo khôi phục 4 sào dưa leo, rau màu, hy vọng bù đắp phần nào thiệt hại. Tại một số ruộng lúa ở xã Cam Hòa chưa bị cát phủ, nhiều nông dân đã đắp lại bờ. Ở xã Cam Hải Đông, các hộ nuôi trồng thủy sản cũng đang nỗ lực đắp lại bờ bao, khôi phục đáy đìa nuôi để chờ vụ sang năm.


Chính quyền nỗ lực

 

Từ ngày 1 đến 19-12, trên địa bàn huyện có 3 đợt mưa lớn, làm thiệt hại 62 nhà và vật kiến trúc của 2 trường học; xói lở 40km đường giao thông; nhiều cầu qua kênh thủy lợi, cống qua đường, kênh bê tông, đập dâng bị xói, gãy, sạt lở; 30m kênh chính nam hồ chứa nước Cam Ranh bị bể, cuốn trôi; hơn 2.530ha diện tích cây nông, lâm nghiệp bị thiệt hại, khoảng 350 con trâu, bò, heo, gà, vịt bị nước cuốn trôi chết; gần 3.300 bờ đìa bị bể, hơn 200ha đìa nuôi bị trôi hơn 70% tôm, cá. Ước tính tổng thiệt hại hơn 298 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Hữu Hảo - Chủ tịch UBND huyện, ngay sau các đợt mưa lớn liên tiếp gây ngập lụt trên diện rộng, UBND huyện đã đồng loạt triển khai nhiều biện pháp khắc phục thiệt hại. Đối với gia đình 1 người dân ở thôn Đồng Cau (xã Suối Tân) bị nước cuốn trôi khi đi qua cầu Vĩnh Phương (TP. Nha Trang), UBND huyện đã tổ chức đến viếng, thăm hỏi và trước mắt hỗ trợ 4,5 triệu đồng. Huyện cũng hỗ trợ 111,5 triệu đồng cho 8 gia đình bị thiệt hại nặng và cùng người dân sửa chữa những căn nhà sập một phần. Đối với hệ thống giao thông, huyện chỉ đạo các xã lập rào chắn, đặt biển cảnh báo nguy hiểm tại các vị trí bị hỏng nặng, chưa thể khắc phục để tránh thiệt hại về tính mạng khi người dân đi qua; đồng thời cho đổ đất, khắc phục, sửa chữa các tuyến đường, cầu cống bị hư hỏng nhẹ, khi có kinh phí sẽ kiên cố hóa.


UBND huyện cũng đã đề nghị UBND tỉnh xem xét, hỗ trợ 109 tấn gạo cứu đói cho hơn 7.000 nhân khẩu bị ngập lụt, các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo gặp khó khăn trong thời gian mưa lũ kéo dài. Đồng thời hỗ trợ gần 247.000kg lúa giống để người dân khôi phục sản xuất vụ đông xuân 2016 - 2017 cho kịp thời vụ; gần 22 tỷ đồng khắc phục 5 công trình thủy lợi bị hỏng nặng để đảm bảo nước sản xuất vụ đông xuân; gần 56 tỷ đồng khắc phục 42 công trình giao thông bị hỏng nặng. UBND huyện cũng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Nam Khánh Hòa khẩn trương sửa chữa, khắc phục tuyến kênh chính nam tại thôn Tân Lập, xã Cam Thành Bắc - hồ Cam Ranh bị sạt lở để bảo đảm an toàn tính mạng người dân, nhà cửa, hoa màu của nhân dân nơi tuyến kênh bị sạt lở.


“Riêng đối với sản xuất nông nghiệp, UBND huyện chỉ đạo các xã trước mắt vận động người dân cày ải, nỗ lực trồng lại rau màu và một số loại cây ngắn ngày, gia cố các bờ đìa bị vỡ và khôi phục đáy đìa khi trời không mưa”, ông Nguyễn Hữu Hảo nói.


TIỂU MAI