10:12, 30/12/2016

Cam Lâm: Nhân rộng mô hình trồng chuối mốc cấy mô

Từ kết quả triển khai tại xã Suối Cát, năm nay, Trạm Khuyến công - nông - lâm - ngư huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) tiếp tục nhân rộng mô hình trồng chuối mốc bằng cây giống nuôi cấy mô (gọi tắt là chuối mốc cấy mô).

Từ kết quả triển khai tại xã Suối Cát, năm nay, Trạm Khuyến công - nông - lâm - ngư huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) tiếp tục nhân rộng mô hình trồng chuối mốc bằng cây giống nuôi cấy mô (gọi tắt là chuối mốc cấy mô).


Có hiệu quả


Tham quan vườn chuối mốc cấy mô của ông Nguyễn Hữu Định và ông Phạm Thu Boy ở thôn Khánh Thành Nam (xã Suối Cát), hầu hết nông dân đều trầm trồ vì cây trổ buồng đồng đều, các buồng khá đều nhau về kích thước, số nải. Ông Boy cho biết: “Trước đây, tôi chưa từng trồng chuối, cũng không tham gia mô hình của trạm. Năm ngoái, thấy vườn chuối cấy mô mà anh Định tham gia theo mô hình tôi mê liền, nên quyết định tham gia đề tài của trạm, trồng chung với anh Định 3.000 cây trên diện tích 2ha”. Do thiếu kinh nghiệm, thấy lô 1.000 cây đầu tiên phát triển rất nhanh, e ngại cây sẽ cho buồng trước Tết, ông Boy đã giảm chăm sóc 2 lô sau. Nhưng hiện nay, lô 1.000 cây đầu tiên đã cho buồng 60% và sẽ cho thu hoạch dịp cận Tết.

 

Vườn chuối cấy mô ở xã Suối Cát cho buồng đều, đẹp
Vườn chuối cấy mô ở xã Suối Cát cho buồng đều, đẹp


Cuối tháng Chạp năm ngoái, 500 cây chuối cấy mô của ông Nguyễn Văn Minh (thôn Suối Lau 2, xã Suối Cát) đã được bán đứt với giá trung bình 250.000 đồng/buồng, riêng những buồng chuối loại 1 (8 - 10 nải to, đẹp) giá 900.000 đồng/buồng. Ông Minh cho biết: “Trồng chuối cấy mô đầu tư cao gấp rưỡi so với trồng chuối thông thường nhưng cây kháng sâu bệnh rất tốt. Buồng chuối cũng đẹp, nhiều nải hơn”. Ông Minh là một trong 3 hộ đầu tiên của xã Suối Cát tham gia mô hình trồng chuối cấy mô năm 2015 của Trạm Khuyến công - nông - lâm - ngư huyện.


Sau khi tham quan vườn chuối cấy mô của ông Định, ông Boy, bà Trần Thị Nuôi (thôn Đồng Cau, xã Suối Tân) thừa nhận, 600 cây chuối mốc mà nhà bà trồng theo kiểu thông thường chỉ cho khoảng 400 buồng, số lượng nải không nhiều, ra buồng cũng không đồng loạt, khó cho thu hoạch đúng dịp Tết nên hiệu quả không cao. Bà dự định sẽ mua giống chuối cấy mô về trồng thay thế.


Theo kỹ sư Lê Quốc Huy (Trạm Khuyến công - nông - lâm - ngư huyện), cây chuối mốc thường bị ảnh hưởng bởi một số loại sâu bệnh, đặc biệt là bệnh héo rũ Panama (bệnh “sâu lửa”), lây lan chủ yếu qua cây con hoặc dụng cụ làm vườn, đất và chỉ biểu hiện ra ngoài khi cây sắp ra buồng hoặc đang cho buồng, rất khó phòng trừ. Khi cây mẹ nhiễm bệnh, các cây con đều nhiễm theo. Khảo sát cho thấy, hầu hết vườn chuối mốc của huyện đều bị nhiễm bệnh “sâu lửa”, có vườn nhiễm 90%. Bệnh này hiện nay chưa có thuốc đặc trị nên việc lựa chọn cây con sạch bệnh là yếu tố hàng đầu khống chế lây lan.


Trồng chuối cấy mô có nhiều ưu điểm: chất lượng cây giống được bảo đảm, cây con phát triển tốt, thu hoạch đồng loạt, năng suất cao, chất lượng và số lượng trái đảm bảo, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. So với trồng chuối theo cách truyền thống, trồng chuối cấy mô có thể đạt năng suất 35 tấn/ha, cao hơn 20 - 21 tấn/ha. Mật độ trồng cũng cao hơn 900 cây/ha. Với giá bán 5.000 đồng/kg, trồng chuối cấy mô cho lợi nhuận khoảng 100 - 120 triệu đồng/ha, gấp đôi so với trồng chuối truyền thống. Nếu thu hoạch vào dịp Tết, lợi nhuận có thể tới 500 triệu đồng/ha. Ngoài ra, nông dân có thể tiếp tục chăm sóc để thu hoạch đến năm thứ ba, giảm bớt tiền mua giống. Với số chồi con tái sinh khoảng 8 chồi/bụi và giá bán 4.000 đồng/cây con, nông dân còn có thêm khoảng 16 - 20 triệu đồng/ha tiền bán cây con.


Tiếp tục nhân rộng


Theo bà Nguyễn Thị Nhặn - Phó Trưởng Trạm Khuyến công - nông - lâm - ngư huyện, năm 2015, trạm triển khai mô hình trồng chuối cấy mô tại xã Suối Cát với 3 hộ tham gia, số lượng 6.000 cây. Các hộ được hỗ trợ 70% giống và 30% vật tư phân bón.


Từ hiệu quả của mô hình, năm 2016, trạm đã triển khai đề tài Ứng dụng mô hình trồng chuối mốc bằng cây giống nuôi cấy mô trên địa bàn huyện. Đề tài do kỹ sư Lê Quốc Huy làm chủ nhiệm, kinh phí 100 triệu đồng, dùng hỗ trợ các hộ 70% giống và 30% vật tư, phân bón và tổ chức hội thảo, tập huấn kỹ thuật. Tham gia đề tài có 2 hộ, được hỗ trợ tổng cộng 4.000 cây giống, trồng trên diện tích 2ha. Hiện nay, vườn chuối của 2 hộ này đã chuẩn bị cho thu hoạch. Bên cạnh đó, trạm cũng tiếp tục nhân rộng mô hình ở một số xã như: Suối Tân, Suối Cát, Cam Hiệp Bắc, Cam An Nam… Nhiều hộ khác ở huyện cũng tự liên hệ với trạm hoặc các hộ tham gia mô hình để mua cây giống.


T.M