05:11, 24/11/2016

Thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp: Loay hoay tìm giải pháp

Ông Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết: "5 năm qua, đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp trên địa bàn tỉnh còn hạn chế.

Dậm chân tại chỗ

Ông Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết: “5 năm qua, đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp trên địa bàn tỉnh còn hạn chế. Chúng ta hầu như không kêu gọi được nhà đầu tư nào lớn, không có dự án lớn nào đi vào hoạt động. Cơ cấu kinh tế năm 2015 cho thấy du lịch - dịch vụ đã tăng lên đến 48% trong khi công nghiệp vẫn dậm chân tại chỗ với 41%. Điều này có nghĩa là công nghiệp không phát triển hoặc thụt lùi. Tôi đã giao nhiệm vụ tổ chức hội nghị thu hút đầu tư nhưng nhiều năm nay, Sở Công Thương chưa thực hiện được”.

 

Một góc Kho xăng dầu ngoại quan Vân Phong
Một góc Kho xăng dầu ngoại quan Vân Phong


Được biết, theo quy hoạch được duyệt, trên địa bàn tỉnh có 19 dự án đầu tư xây dựng hạ tầng công nghiệp với tổng diện tích khoảng 3.407ha, gồm: Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong, 4 khu công nghiệp (KCN), 3 khu chức năng phát triển công nghiệp và 11 cụm công nghiệp.


Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong rộng 750ha, hiện nay đang kêu gọi đầu tư. Trong 4 KCN chỉ có Suối Dầu có tỷ lệ lấp đầy khoảng 80%, Ninh Thủy đang đầu tư cơ sở hạ tầng và mới có một vài nhà đầu tư thứ cấp đang xây dựng nhà máy. Các KCN và khu chức năng phát triển công nghiệp như: Nam Cam Ranh, Ninh Tịnh, Dốc Đá Trắng, Vạn Thắng, Ninh Hải vẫn đang kêu gọi đầu tư hạ tầng. Trong khi đó, chỉ có cụm công nghiệp Đắc Lộc và cụm công nghiệp Diên Phú hoạt động tốt, tỷ lệ lấp đầy 100%. Hai cụm công nghiệp Trảng É và Sông Cầu đang đầu tư hạ tầng. Các cụm công nghiệp còn lại vẫn trong quá trình kêu gọi đầu tư.


9 tháng năm 2016, Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong đã cấp chứng nhận đăng ký mới cho 11 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng, trong đó có 1 dự án nước ngoài với vốn đầu tư khoảng 100.000 USD. Đến nay, Khu kinh tế Vân Phong đã thu hút được 145 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng 1,58 tỷ USD, trong đó vốn thực hiện 630 triệu USD. Hiện nay, Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong đang hoàn thiện thủ tục để cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 2 dự án lớn là Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1 (2 tỷ USD) và Tổ hợp lọc hóa dầu Nam Vân Phong (4,5 tỷ USD). Tuy nhiên, theo đánh giá của lãnh đạo tỉnh, nhiều năm nay, Khu kinh tế Nam Vân Phong vẫn chưa phát triển như kỳ vọng. Nhiều dự án đăng ký nhưng chưa thực hiện, hoặc thủ tục đầu tư kéo dài. Các dự án lớn mang tính động lực chưa đi vào hoạt động nên chưa kéo theo sự phát triển trong khu kinh tế. Cụ thể, Dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1 đã kéo dài hơn 10 năm vẫn chưa thể khởi công xây dựng.


Loay hoay tìm giải pháp


Ông Trần Hòa Nam - Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư cho biết, quỹ đất được quy hoạch để phát triển công nghiệp trong tỉnh rất lớn trong khi cơ sở hạ tầng KCN và cụm công nghiệp sẵn sàng để kêu gọi nhà đầu tư thứ cấp còn hạn chế. Bên cạnh đó, tỉnh đang áp dụng chính sách thu hút đầu tư của Trung ương ban hành chứ chưa có chính sách ưu đãi riêng, trong khi nhà đầu tư rất quan tâm đến chính sách riêng. Theo ông Nam, hiện nay, chỉ có KCN Suối Dầu có cơ chế, chính sách riêng để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp như: hoa hồng môi giới, giảm giá cho thuê đất, giãn thời gian thanh toán tiền thuê đất… Tuy nhiên, chính sách đó chỉ áp dụng trong KCN Suối Dầu và hiện nay khu này chỉ còn trống khoảng 20%. Từ thực tế trên, ông Nam đề xuất cần tổ chức hội nghị xúc tiến thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp ở Khánh Hòa nhưng chỉ nên tổ chức kêu gọi đầu tư vào KCN Ninh Thủy vì ở đây đang có điều kiện thuận lợi nhất.


Ông Nguyễn Trọng Hoàng - Phó Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong cho biết, ban đang xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào khu kinh tế, hỗ trợ phát triển các KCN. Hiện nay, ban đang lấy ý kiến các sở, ngành và một số doanh nghiệp đầu tư hạ tầng để hoàn thiện và trình UBND tỉnh thông qua. Theo ông Hoàng, khi tổ chức hội nghị thu hút đầu tư cần xếp thứ tự ưu tiên đầu tư đối với một số khu, cụm công nghiệp. Ví dụ, KCN Ninh Thủy rộng 270ha hiện nay đã giải phóng mặt bằng được khoảng 100ha, tuy hạ tầng chưa đầy đủ nhưng vẫn ưu tiên thu hút đầu tư vào đây. Hai KCN Nam Cam Ranh và Vạn Thắng hiện nay khá thuận lợi về giải phóng mặt bằng nên cũng ưu tiên kêu gọi đầu tư.


Tại cuộc họp mới đây, ông Trần Sơn Hải khẳng định phải tổ chức hội nghị thu hút đầu tư quy mô lớn trong năm 2017 nhằm mời gọi các doanh nghiệp lớn ở từng lĩnh vực cụ thể vào Khánh Hòa đầu tư phát triển công nghiệp. Vì vậy, Sở Kế hoạch - Đầu tư chủ trì phối hợp với một số sở, ngành trình UBND tỉnh danh sách các lĩnh vực cần kêu gọi đầu tư; Sở Công Thương dự thảo chính sách ưu tiên đầu tư vào cụm công nghiệp. “Hội nghị chỉ tập trung mời gọi đầu tư vào khu kinh tế, KCN và cụm công nghiệp chứ không mời chung chung. Để chuẩn bị cho hội nghị vào năm sau, đề nghị chủ đầu tư KCN Ninh Thủy, cụm công nghiệp Trảng É, Sông Cầu khẩn trương hoàn thiện cơ sở hạ tầng, xây dựng chính sách thu hút đầu tư thứ cấp”, ông Trần Sơn Hải chỉ đạo.


VĂN KỲ