10:11, 30/11/2016

Chú trọng phát triển rừng sản xuất

Với diện tích đất lớn nên huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) khuyến khích người dân phát triển kinh tế lâm nghiệp, nhất là trồng keo.

Với diện tích đất lớn nên huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) khuyến khích người dân phát triển kinh tế lâm nghiệp, nhất là trồng keo. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng chủ động làm việc với doanh nghiệp (DN) để tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm, giúp người dân nâng cao thu nhập từ trồng rừng.


Diện tích rừng trồng tăng nhanh


Theo ông Bo Bo Biên (thôn Liên Hòa, xã Sơn Bình), hiện nay, giá keo khá cao, hơn 1 triệu đồng/tấn, nếu chăm sóc tốt có thể đạt 70 - 80 tấn/ha. Sau khi trừ chi phí đầu tư, người dân thu trung bình 40 - 50 triệu đồng/ha. Vì lợi nhuận cao nên nhiều hộ trong thôn đã tập trung chăm sóc để keo đạt sản lượng cao nhất. Không chỉ vậy, những diện tích đất ở khu vực sườn đồi, độ dốc cao, người dân cũng chuyển từ trồng bắp, mì sang trồng keo. “Gia đình tôi có hơn 2,6ha keo đã 3 năm tuổi. Trước đây, do khó khăn nên chúng tôi thường bán keo non cho đầu nậu. Tuy nhiên, giá keo thời gian gần đây khá ổn định, nhờ có DN đứng ra bao tiêu sản phẩm nên người dân phấn khởi, yên tâm chăm sóc, phát triển rừng sản xuất để phát triển kinh tế gia đình”, ông Biên nói.

 

Cây keo đang là lựa chọn số 1 của nhiều hộ ở Khánh Sơn  trong phát triển kinh tế lâm nghiệp
Cây keo đang là lựa chọn số 1 của nhiều hộ ở Khánh Sơn trong phát triển kinh tế lâm nghiệp


Theo ông Lê Anh Quang, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Sơn Bình, những năm trước, nhiều hộ không muốn trồng cây keo, mặc dù địa phương đã tập trung tuyên truyền, vận động. Nguyên nhân chủ yếu là do thời gian trồng khá dài nhưng thu nhập không cao. Mặt khác, một số hộ có trồng nhưng khi gặp khó khăn lại đem bán keo non với giá rẻ, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số... Thời gian gần đây, diện tích keo trên địa bàn xã đã tăng nhanh, năm 2010 khoảng 250ha, đến nay khoảng 500ha. Ngoài một phần diện tích keo trồng theo Chương trình 147 được Nhà nước hỗ trợ giống, người dân còn tự mua giống về trồng.


Tại xã Sơn Hiệp, việc phát triển cây keo trên đất lâm nghiệp cũng được người dân địa phương chú trọng. Ông Trần Tấn Chóng - Chủ tịch UBND xã Sơn Hiệp cho biết: “Năm 2010, diện tích keo trên địa bàn xã chưa đến 130ha, đến nay xã có khoảng 280ha. Chính quyền địa phương khuyến khích người dân trồng keo trên những diện tích không thể canh tác các loại cây ăn quả, cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao”.


Khánh Sơn hiện có diện tích rừng và đất lâm nghiệp chưa có rừng chiếm đến 77,6% trong số hơn 33.850ha diện tích tự nhiên của huyện. Trong đó, diện tích đất lâm nghiệp được quy hoạch để trồng rừng sản xuất hơn 8.825ha. Những năm qua, công tác phát triển rừng sản xuất để khai thác tiềm năng kinh tế lâm nghiệp đã được địa phương chú trọng. Ông Nguyễn Ngọc Hiếu - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: “Những năm gần đây, nhu cầu trồng rừng sản xuất (chủ yếu là trồng keo) của người dân rất cao. Năm 2010, toàn huyện chỉ có 440ha keo; giai đoạn 2011 - 2014, tăng thêm hơn 1.400ha; đến cuối năm 2015, lên đến 2.500ha keo. Năm 2016, ngoài 250ha keo trồng theo Chương trình 147, người dân còn tự mua keo giống về trồng thêm 323ha”.


Liên kết nhà nông - doanh nghiệp


Để đảm bảo đầu ra ổn định cho cây keo, qua đó khuyến khích người dân duy trì phát triển rừng sản xuất, UBND huyện Khánh Sơn đã mời các DN chế biến dăm gỗ đến Khánh Sơn hợp đồng ứng vốn đầu tư, bao tiêu sản phẩm rừng trồng cho người dân. Việc hợp tác này đã được thực hiện thí điểm tại xã Sơn Bình và Sơn Hiệp. Theo ông Trần Tấn Chóng, năm 2016, UBND xã Sơn Hiệp đã làm việc với Công ty TNHH Chế biến dăm gỗ Đại Thắng (TP. Cam Ranh) để tiến hành ứng vốn và bao tiêu sản phẩm keo cho hơn 20 hộ ở địa phương. Việc làm này đã giúp các hộ giữ lại được rừng keo, không bán non cho đầu nậu. Bà Lê Thị Nhung (thôn Liên Hòa, xã Sơn Bình) cho hay: “Gia đình tôi có hơn 5ha keo đã trồng được hơn 4 năm. Tôi đã ký kết hợp đồng với công ty để nhận vốn đầu tư và cam kết khi thu hoạch sẽ bán 100% keo cho công ty. Đồng thời, công ty cam kết sẽ mua theo giá thị trường vào thời điểm thu hoạch keo. Việc DN ký kết hợp đồng ứng vốn, bao tiêu sản phẩm cho người dân là cách làm hay, tạo đầu ra ổn định, người trồng keo yên tâm hơn”.


Theo ông Nguyễn Ngọc Hiếu, cây keo được địa phương xác định là cây lâm nghiệp mũi nhọn, vì phù hợp với đặc điểm địa hình đồi dốc. Thời gian gần đây, nhờ hiệu quả kinh tế cao, đầu ra ổn định nên rất hiếm hộ bán keo non. Hiện nay, trên địa bàn huyện vẫn còn một số diện tích có thể phát triển cây keo. Địa phương đang khuyến khích người dân đầu tư trồng keo; chú trọng chất lượng cây giống, hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật để nâng cao sản lượng keo khi thu hoạch. Bên cạnh kêu gọi DN thu mua keo nguyên liệu, liên kết trực tiếp với người trồng theo hướng ứng vốn đầu tư những năm đầu, hướng dẫn kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm cho người dân, huyện còn kêu gọi DN đặt nhà máy chế biến tại địa bàn.


Hiện nay, diện tích rừng trồng ở Khánh Sơn khá lớn nhưng chủ yếu ở nơi có độ dốc cao, xa khu dân cư, đường đi không thuận tiện nên việc vận chuyển cây giống, khai thác gặp khó khăn. Thời gian qua, địa phương đã tăng cường tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các mặt hàng nông - lâm sản của địa phương đến các DN. Tuy nhiên, mới chỉ có Công ty TNHH Chế biến dăm gỗ Đại Thắng ký kết hợp đồng tiêu thụ keo cho người dân, nhưng số hộ tham gia ký kết hợp đồng cũng chưa nhiều. Đây chính là những hạn chế lớn trong phát triển rừng sản xuất của địa phương.


HẢI LĂNG