04:11, 25/11/2016

Các tổ hợp tác ở Cam Lâm: Hỗ trợ để phát triển

Với sự hỗ trợ của tỉnh Khánh Hòa và huyện cũng như nỗ lực của cơ sở, thời gian qua, một số tổ hợp tác sản xuất kinh doanh ở Cam Lâm cơ bản hoạt động hiệu quả. 

Với sự hỗ trợ của tỉnh Khánh Hòa và huyện cũng như nỗ lực của cơ sở, thời gian qua, một số tổ hợp tác sản xuất kinh doanh ở Cam Lâm cơ bản hoạt động hiệu quả.  


Tổ hợp tác trồng hoa cúc thị trấn Cam Đức thành lập tháng 1-2016, có 12 thành viên. Tham gia tổ, các thành viên thường xuyên trao đổi kinh nghiệm chăm sóc, đồng thời được vay vốn của Quỹ hỗ trợ nông dân… để có điều kiện đầu tư sản xuất. Theo ông Nguyễn Nghĩa - Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng hoa cúc, đa số các thành viên trong tổ đều có thâm niên trồng cúc lâu năm. Thông qua tổ hợp tác, các thành viên có điều kiện hỗ trợ nhau về vốn, tiêu thụ cúc, kỹ thuật trồng trọt... hạn chế được rủi ro, dịch bệnh, tạo điều kiện phát triển kinh tế hộ gia đình. Chẳng hạn, đầu vụ, 2.000 chậu cúc nhà ông có tới hơn nửa bị vàng lá. Tuy nhiên, nhờ anh em trong tổ hỗ trợ kinh nghiệm chữa trị nên đến nay, hầu hết chậu cúc đã phát triển bình thường.

 

Thành viên Tổ hợp tác trồng hoa cúc thị trấn Cam Đức đang chăm sóc cúc
Thành viên Tổ hợp tác trồng hoa cúc thị trấn Cam Đức đang chăm sóc cúc


Thành lập cách đây khoảng 5 năm, tổ hợp tác gà lạnh xã Cam An Bắc có 14 thành viên hoạt động khá hiệu quả. Thời gian qua, tổ được tạo điều kiện hỗ trợ vay vốn lãi suất thấp để mở rộng chăn nuôi. Hoạt động của tổ đã tạo sự đoàn kết, tương trợ lẫn nhau cùng phát triển trong các hộ dân. Ông Diệp Đức Quyền (thành viên tổ hợp tác gà lạnh) cho biết: “Tham gia tổ, các thành viên thường xuyên gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm chăm sóc gà, đầu ra cũng ổn định… Bình quân mỗi năm, trừ chi phí, tôi thu được khoảng 60 triệu đồng từ nuôi gà”.


Tương tự, tổ hợp tác máy cày Gia Long (xã Cam Tân) cũng hoạt động hiệu quả. Ra đời năm 2013, đến nay, tổ có 8 thành viên, sau khi trừ chi phí, mỗi người lãi hơn 78 triệu đồng/năm. Vào vụ sản xuất, tổ tiến hành làm đất đồng loạt, tạo thuận lợi cho người dân xuống giống cùng lúc. Từ khi có tổ hợp tác, người dân không còn phải chạy ngược chạy xuôi tìm máy cày mỗi khi vào vụ sản xuất như trước… Ngoài việc nhận làm đất tại xã Cam Tân, tổ còn nhận hợp đồng làm đất cho một số vùng lân cận.


Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình hoạt động cho thấy, một số tổ cũng gặp khó khăn về đầu ra, thiếu vốn. Mặt khác, thời tiết thất thường cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất của một số tổ… Theo ông Lâm Ngọc Xuyên - Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Thành Bắc, xã có 2 tổ hợp tác. Trong đó, tổ hợp tác sản xuất lúa giống thôn Tân Sinh Đông có 9 thành viên, hoạt động chủ yếu cung cấp lúa giống cho vùng dồn điền đổi thửa và các vùng lân cận khác tại xã, thu nhập bình quân 15 triệu đồng/người/năm. Mấy năm gần đây, do nắng hạn kéo dài nên không sạ giống được. Tổ ít vốn, chưa xây được kho chứa lúa giống. Tổ hợp tác chăn nuôi gà thả vườn thôn Tân Lập có 5 thành viên cũng hoạt động cầm chừng do giá gà hạ, thực phẩm lên giá, thị trường tiêu thụ không ổn định…


Ông Nguyễn Lai - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cam Lâm cho biết, đến thời điểm này, toàn huyện có 21 tổ hợp tác sản xuất kinh doanh. Trong đó, có 9 tổ hoạt động khá, 6 tổ trung bình, 4 tổ yếu, 2 tổ mới thành lập nên chưa đánh giá. Nhìn chung, các tổ giải quyết được tình trạng mạnh ai nấy làm, thiếu vốn, thiếu nhân công, yếu kỹ thuật, hỗ trợ đầu ra, phát huy tinh thần đoàn kết phát triển kinh tế… Dự kiến, thời gian tới, sẽ nâng 1 tổ thành hợp tác xã, thành lập thêm 2 tổ hợp tác.


K.NGUYỄN - TIỂU MAI