03:05, 21/05/2009

Cơ hội đầu tư trên đất Lào

Gần 2 năm qua, trên cơ sở các đoàn công tác của lãnh đạo tỉnh, các doanh nghiệp ở Khánh Hòa đã từng bước nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư vào nước bạn Lào.

Khai thác, chế biến gỗ là lĩnh vực mà các doanh nghiệp Khánh Hòa đang hướng đến ở nước bạn Lào. (ảnh minh họa)

Gần 2 năm qua, trên cơ sở các đoàn công tác của lãnh đạo tỉnh, các doanh nghiệp (DN) ở Khánh Hòa đã từng bước nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư vào nước bạn Lào. Trong đó, một số lĩnh vực như: công nghiệp, dịch vụ… được các nhà đầu tư Khánh Hòa quan tâm.

Nước bạn Lào có cùng đường biên giới với Việt Nam, diện tích khoảng 250.000km2, dân số khoảng 6,5 triệu người. Đây là quốc gia có khí hậu nhiệt đới gió mùa, tài nguyên thiên nhiên phong phú đang cần sự liên kết để khai thác, sản xuất.

Những năm gần đây, dựa trên tình hữu nghị truyền thống, nhiều địa phương của Việt Nam đã có mối liên kết, gắn bó chặt chẽ với các tỉnh của Lào. Thời gian qua, Khánh Hòa cũng đã kết nghĩa với tỉnh Chămpasắc, đồng thời có mối liên kết với nhiều tỉnh khác trên đất nước Lào. Sau nhiều chuyến công tác sang Lào của đoàn cán bộ Khánh Hòa, các DN địa phương cũng đã tháp tùng sang nghiên cứu tiềm năng thị trường Lào nhằm từng bước có chiến lược hợp tác đầu tư.

Năm 2008, tham gia công tác tại Lào với đoàn cán bộ tỉnh, Hội DN trẻ Khánh Hòa đã ký bản ghi nhớ để thực hiện một số dự án đầu tư. Với những ký kết ghi nhớ này, Tập đoàn Mai Linh Nam Trung bộ và Tây Nguyên đang từng bước đầu tư tại Lào một số lĩnh vực như: vận tải, du lịch, giao thông… Ngoài ra, Tập đoàn cũng đang xin chủ trương khảo sát lợi thế địa hình của Lào để lập dự án đầu tư xây dựng nhà máy thủy điện tại tỉnh Attapư. Mới đây, trong buổi làm việc giữa tỉnh Khánh Hòa với đoàn công tác tỉnh Attapư, ông Hồ Minh Châu - Tổng Giám đốc Tập đoàn Mai Linh Nam Trung bộ và Tây Nguyên đã đề xuất với phía Attapư sớm giải quyết cho DN được thực hiện khảo sát thủy điện, thuê đất đầu tư trạm dừng xe, đầu tư nâng cấp Khách sạn Attapư lên tiêu chuẩn 3 sao. Ông Châu cũng đề nghị việc khảo sát thủy điện được triển khai trong năm 2009, với thời gian khảo sát kéo dài khoảng 1 năm (trước đây, tỉnh Attapư cho phép khảo sát trong vòng 6 tháng).

Hiện nay, ngành công nghiệp của Lào chỉ chiếm 33% GDP quốc gia thông qua các lĩnh vực như: xây dựng, thủy điện, khai khoáng, chế biến nông - lâm nghiệp. Vì vậy, tiềm năng và cơ hội để các DN Khánh Hòa đầu tư, khai thác còn khá lớn. Với tiềm năng vốn có của nước bạn Lào, cộng đồng DN Khánh Hòa có thể thực hiện đầu tư, hợp tác kinh tế trong các lĩnh vực như: công nghiệp, lâm nghiệp, dịch vụ… Đây cũng là những lĩnh vực ở Lào chưa phát triển. Trong đó, các tỉnh như: Chămpasắc, Attapư, Sêkông là những địa phương mà nhiều DN Khánh Hòa đang nghiên cứu để định hướng đầu tư. Tuy nhiên, để thực hiện các dự án đầu tư có hiệu quả trên nước bạn Lào đòi hỏi phải có thời gian và định hướng lâu dài, nhất là trong lúc cả thế giới đang bị khủng hoảng kinh tế. Ông Trương Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch Thường trực Hội DN trẻ Khánh Hòa cho biết: Năm 2008, Hội đã vận động hơn 10 DN tham gia đoàn công tác đến Attapư và Chămpasắc. Các DN đã có ký kết ghi nhớ để tìm cơ hội đầu tư và xúc tiến thương mại. Tuy nhiên, khi đoàn đang tiến hành chuẩn bị các điều kiện xúc tiến đầu tư lại xảy ra suy thoái kinh tế; vì vậy, các DN Khánh Hòa phải lo ổn định sản xuất, giữ chân người lao động tại đơn vị mình nên chưa thể triển khai đầu tư sang Lào. Lào là quốc gia có tiềm năng về đất đai, lâm nghiệp. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng phối hợp tốt. Vì vậy, sắp tới, Hội DN trẻ sẽ tổ chức họp các DN để có hướng đầu tư. Hiện nay, 2 lĩnh vực công nghiệp mà các DN Khánh Hòa có thể đầu tư được là: khai thác chế biến gỗ, khai thác khoáng sản.

Lào có nguồn tài nguyên phong phú. Nếu 2 bên liên kết hợp lý sẽ tạo được sự phát triển mạnh về kinh tế cho mỗi bên. Chỉ trong thời gian ngắn, các DN Khánh Hòa đã có những bước nghiên cứu đầu tư hợp lý trên đất nước Lào. Vì vậy, các cơ quan chức năng địa phương, Hội DN trẻ tỉnh cần làm đầu mối, tiếp tục xâu chuỗi để các DN đặt nền móng hợp tác đi vào chiều sâu và bền vững.

Hoàng Triều