10:09, 20/09/2021

Phương pháp sinh học phân tử: Giúp định loại, xây dựng mã vạch cho tôm hùm

Tôm hùm là một trong những hải sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, để con tôm được thị trường thế giới chấp nhận phải đáp ứng nhiều yêu cầu về nguồn gốc, kiểm định... Vì thế, mới đây, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III có đề tài "Nghiên cứu định loại và phát triển mã vạch ADN trên tôm hùm" đáp ứng bài toán khó khăn này.

Tôm hùm là một trong những hải sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, để con tôm được thị trường thế giới chấp nhận phải đáp ứng nhiều yêu cầu về nguồn gốc, kiểm định... Vì thế, mới đây, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III có đề tài “Nghiên cứu định loại và phát triển mã vạch ADN trên tôm hùm” đáp ứng bài toán khó khăn này.


Đề tài do Tiến sĩ Nguyễn Nguyễn Thành Nhơn làm chủ nhiệm, cùng cộng sự đã mở ra chương mới cho việc ứng dụng công nghệ sinh học vào kiểm định và truy xuất nguồn gốc trên nhiều đối tượng sinh vật. Theo Tiến sĩ Nhơn, từ năm 1965, khi khóa phân loại tôm hùm bằng hình thái được công bố đến nay, việc phân loại tôm hùm ở Việt Nam dựa vào hình thái đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, phương pháp này đòi hỏi mẫu vật phải còn nguyên hình dạng (nguyên con, đầy đủ các phần phụ). Ngoài ra, một số loài tôm hùm có đặc điểm hình thái rất giống nhau, khó xác định được bằng hình thái.

 

Nghiên cứu xây dựng bộ chỉ thị sinh học phân tử phục vụ định loại tôm hùm.

Nghiên cứu xây dựng bộ chỉ thị sinh học phân tử phục vụ định loại tôm hùm.


Để khắc phục những nhược điểm của phương pháp phân loại dựa vào hình thái truyền thống, việc tạo ra ADN mã vạch cho mỗi loài cần được thực hiện. Những thành công trong việc ứng dụng sinh học phân tử nghiên cứu phân loại, cấu trúc quần thể, nghiên cứu mã vạch ADN của tôm hùm trên thế giới sẽ giúp ích nhiều trong nghiên cứu định loại và xây dựng mã vạch ADN cho tôm hùm Việt Nam. Trên cơ sở phương pháp sinh học phân tử, sử dụng chỉ thị phân tử để xây dựng mã vạch ADN cho tôm hùm Việt Nam, cụ thể là chỉ thị SNP (Single nucleotide polymorphism) thể hiện nhiều ưu điểm, cho kết quả nhanh và chính xác, nhóm nghiên cứu có căn cứ khoa học để bước đầu truy xuất tôm hùm gai và sản phẩm tôm hùm Việt Nam, hỗ trợ việc xuất khẩu và giảm thiểu cạnh tranh thương mại, giúp người tiêu dùng có thể truy xuất thông tin về nguồn gốc các đối tượng quan tâm.


Qua 3 năm triển khai, đề tài đã phân loại và tóm tắt được khóa phân loại của 4 loài tôm hùm thuộc giống Panulirus gồm: tôm hùm bông; tôm hùm xanh; tôm hùm đỏ và tôm hùm tre. Phương pháp phân loại bằng sinh học phân tử đã khẳng định kết quả trùng khớp với phương pháp phân loại bằng hình thái học. Trong quá trình thực hiện, nhóm tác giả đã xây dựng được dự thảo quy trình truy xuất nguồn gốc tôm hùm bông và tôm hùm xanh Việt Nam bằng chỉ thị SNP đặc hiệu với độ chính xác đối với tôm hùm bông là 94-100%; tôm hùm xanh 100%.


Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo - Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu cấp quốc gia, đề tài đã xây dựng thành công quy trình truy xuất nguồn gốc tôm hùm bông và tôm hùm xanh Việt Nam với độ chính xác hơn 95%. Quy trình này có thể ứng dụng vào sản xuất kinh doanh, giúp các viện nghiên cứu và doanh nghiệp thực hiện chương trình bảo hộ mang tính độc quyền các sản phẩm tôm hùm xuất khẩu. Đề tài là cơ sở khoa học mở ra quy trình bảo hộ sản phẩm tôm hùm Việt Nam phục vụ xuất khẩu, tăng giá trị sản phẩm, hàng hóa và thu nhập cho nông dân. Bên cạnh đó, đề tài còn đóng góp vào lĩnh vực ứng dụng công nghệ sinh học hiện đại nhằm tìm hiểu đặc điểm của các cá thể, quần thể tôm hùm thu thập từ nhiều vùng, quốc gia. Từ đó, giúp hình thành bộ chỉ thị phân tử có độ chính xác cao phục vụ kiểm định và truy xuất nguồn gốc. Đây là nghiên cứu đầu tiên về lĩnh vực này trên tôm hùm tại Việt Nam, trong tương lai sẽ có ảnh hưởng lớn đến các nghiên cứu tương tự trên những đối tượng khác.


Q.V