07:10, 09/10/2017

Tạo ra điện từ lòng trắng trứng

Các nhà khoa học thuộc Đại học Limerick, Ireland đã tìm ra cách tạo điện rất độc đáo, từ lòng trắng trứng.

Các nhà khoa học thuộc Đại học Limerick, Ireland đã tìm ra cách tạo điện rất độc đáo, từ lòng trắng trứng.


Nghiên cứu trên vừa được công bố trên Tạp chí Applied Physical Letters, trong đó các nhà khoa học đã tìm ra nguồn năng lượng mới từ một protein có tên là lysozyme. Lysozyme có trong nước mắt, nước bọt, sữa, lòng trắng trứng, giúp phá vỡ các tường tế bào của vi khuẩn và khi ở dạng tinh thể, nó có khả năng tạo ra điện nếu bị đặt dưới áp lực.

Bằng việc chèn ép các tinh thể lysozyme dưới 2 tấm kính, nhóm nghiên cứu cho biết họ đo được một dạng năng lượng có tên là áp điện.

“Áp điện đã được sử dụng rộng rãi trong đời sống, tuy nhiên, khả năng tạo ra điện từ một protein cụ thể nào đó thì lại chưa được nghiên cứu. Đây là một loại vật liệu sinh học, nó không độc nên có thể ứng dụng vào nhiều lĩnh vực mới như làm lớp phủ chống vi khuẩn có khả năng dẫn điện cho các thiết bị cấy ghép trong y tế”, nhà vật lý Aimee Stapleton, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết.

 



Dòng điện được sinh ra không phải là quá lớn nhưng nó đủ để vận hành nhiều thiết bị y tế, ví dụ như những chiếc máy tạo nhịp tim được cấy vào cơ thể con người.

Từ trước đến nay, các thiết bị y học được cấy vào cơ thể thường sử dụng pin truyền thống, điều này khiến người bệnh có thể gặp nguy cơ bị nhiễm trùng. Còn năng lượng sinh học được tạo ra từ protein lysozyme thì an toàn hơn rất nhiều.

Ngoài ra, loại protein này còn có thể được ứng dụng để tạo ra một lớp phủ kháng khuẩn cho các thiết bị y tế bởi đặc tính kháng khuẩn rất tốt của nó.

Tuy nhiên, do số lượng nước mắt con người thu được là không nhiều nên các nhà khoa học chiết xuất lysozyme chủ yếu từ lòng trắng trứng.

Theo chinhphu