02:05, 16/05/2008

Những người "đếm mưa" ở Trường Sa

Trên quần đảo Trường Sa có những người ngày đêm chịu đựng những thiếu thốn, vất vả trong cuộc sống giữa biển khơi để đo và cung cấp số liệu khí tượng hải văn về đất liền...

Ảnh minh họa.

Trên quần đảo Trường Sa có những người ngày đêm chịu đựng những thiếu thốn, vất vả trong cuộc sống giữa biển khơi để đo và cung cấp số liệu khí tượng hải văn về đất liền. Họ là những cán bộ, nhân viên làm việc tại Trạm khí tượng Hải vănTrường Sa, Song Tử Tây, thuộc Ðài Khí tượng Thủy văn Nam Trung Bộ.

Chiều xuống. Thị trấn huyện đảo Trường Sa hôm nay như vui hơn, vì có đoàn công tác của tỉnh Khánh Hòa và Quân chủng Hải quân ra thăm đảo.
Từng tốp chiến sĩ trẻ tất bật sắp xếp bàn ghế, trang trí sân khấu để chuẩn bị đêm giao lưu nghệ thuật giữa những người giữ đảo, đoàn công tác và Ðoàn ca múa nhạc Hải Ðăng (Khánh Hòa).

Vậy mà chỉ cách đó hơn 30 m, trong căn nhà đang được sửa chữa, những cán bộ, nhân viên Trạm KTHV Trường Sa vẫn miệt mài tổng hợp số liệu quan trắc thời tiết báo về đất liền qua hệ thống icom.

Anh Trần Văn Long, 29 tuổi, Trạm trưởng KTHV Trường Sa cho biết: Trạm được xây dựng từ năm 1977, là một trong 26 trạm phát báo quốc tế, cách đất liền xa nhất và được coi là "mắt báo bão" sớm nhất trong hệ thống khí tượng thủy văn của nước ta.

Trạm có nhiệm vụ đo và truyền các số liệu về khí tượng hải văn như nắng, mưa, bão, nhiệt độ, gió, áp suất không khí, trạng thái mặt biển... về đất liền, cung cấp thông tin kịp thời cho các bản tin dự báo thời tiết trên các đài, báo Trung ương và địa phương.

Mỗi ngày, trạm báo số liệu về Ðài Khí tượng Thủy văn Nam Trung Bộ 8 lần, định kỳ 3 tiếng/lần, liên tục từ 1 giờ sáng đến 22 giờ đêm.

Theo anh Long, khó khăn lớn nhất của trạm là phần lớn cán bộ đều trẻ tuổi, chưa có kinh nghiệm thực tế, nhất là kinh nghiệm làm nhiệm vụ ở tuyến đảo xa. Song, đổi lại họ đều được đào tạo chuyên môn cơ bản, mang trong mình nhiều nhiệt huyết của tuổi trẻ cho nên nhiều năm qua trạm đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Trong hơn 30 năm qua, Trạm KTHV Trường Sa đã liên tục cung cấp kịp thời cho Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia những thông tin sớm nhất về các cơn bão trước khi đi vào Biển Ðông, nhất là những cơn bão hình thành trên Biển Ðông.

Chính vì trạm có vai trò quan trọng như thế, nên nhiều năm trở lại đây, Trạm KTHV Trường Sa đã được đầu tư các máy móc, thiết bị hiện đại. Bên cạnh đó, các chế độ chính sách ưu đãi cho đội ngũ cán bộ, nhân viên làm nhiệm vụ ở tuyến đảo Trường Sa cũng được cấp trên thường xuyên quan tâm.

Ước chừng mỗi năm có 10 cơn bão đi vào Biển Ðông, trong đó có khoảng ba đến năm cơn đi qua quần đảo Trường Sa nước ta. Có những cơn bão rất dữ dội, càn qua rồi lại quét lại trên quần đảo, gây hư hỏng và thiệt hại cho đảo hàng chục tỷ đồng, ví như cơn bão số 7 năm 2007.

Ngoài ra, mỗi năm quần đảo Trường Sa còn phải chịu ít nhất bốn đợt áp thấp nhiệt đới. Nói là áp thấp nhiệt đới thôi, nhưng ở giữa biển khơi trống trải thì Trường Sa cũng phải hứng chịu gió giật trên cấp 7, cấp 8. Những lúc như vậy, chỉ có lòng yêu ngành, yêu nghề mới giúp họ vượt qua tất cả, trụ vững nơi tuyến đầu Tổ quốc để đo và truyền những thông tin phục vụ cho công tác dự báo thời tiết của quốc gia trên biển.

Cũng làm nhiệm vụ như Trạm Trường Sa là Trạm KTHV đảo Song Tử Tây. Trạm trưởng là anh Võ Tống, quê ở Hoài Nhơn, Bình Ðịnh, năm nay 54 tuổi, hơn 30 năm công tác liên tục trong ngành khí tượng thủy văn.

Anh cũng là người có nhiều năm công tác trên tuyến đảo Trường Sa. Cùng với thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, anh cùng các nhân viên của trạm tăng gia sản xuất, trồng rau xanh các loại. Theo đồng chí Tống, vào mùa mưa thì Trạm đảo bảo đảm 100% lượng rau xanh ăn hằng ngày, còn mùa khô thì vẫn phải nhờ các đơn vị trên đảo và các tàu từ đất liền chuyển ra.

Mỗi một thông tin về thời tiết đều thấm đẫm mồ hôi của những người làm công tác khí tượng hải văn Trường Sa. Với họ, niềm vui lớn nhất là dự báo được những thông tin thời tiết chính xác để nhân dân yên tâm làm ăn, xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc.

Theo Nhân Dân