04:04, 12/04/2008

Sóng gió Trường Sa

Đời phóng viên ai cũng mong được một lần ra Trường Sa để được tận mắt thấy vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, để được sống cuộc sống của những người lính...

Đời phóng viên ai cũng mong được một lần ra Trường Sa để được tận mắt thấy vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, để được sống cuộc sống của những người lính ở nơi xa đất liền nhất, giữa muôn trùng sóng gió. Và, không ít phóng viên, qua chuyến đi này muốn được thử sức mình với những con sóng bạc đầu của vùng biển được mệnh danh là vùng biển bão tố.

Chuẩn bị đón sóng

Điểm quân trước giờ lên tàu.

5 giờ chiều tàu bắt đầu khởi hành thì 4h30 nhà tàu mời chúng tôi bữa ăn đầu tiên trong chuyến hải hành dài ngày. Trả lời thắc mắc sao ăn cơm sớm thế, nhà tàu đùa rằng: ăn sớm để còn có cái mà nôn. Đã nghe nhiều về sóng gió Trường Sa, giờ nghe thêm lời giải thích trên không khỏi lăn tăn. Cơm nước xong, chẳng ai bảo ai nhưng đều lấy thuốc chống say, thuốc ngủ ra uống và lên giường ngay. Theo lời khuyên của những người có kinh nghiệm: đi ngủ sẽ quên được say sóng và nếu ngày đầu không say thì những ngày sau có thể qua được. Đêm đầu tiên trên biển dài dằng dặc. Không ai nói chuyện với ai, nằm im thin thít để hạn chế say sóng.

Nghiêng ngả cùng sóng

Nhưng rồi ngày đầu tiên và những ngày tiếp theo không phóng viên nào say sóng, dù rằng có lúc sóng lên tới cấp 6, cấp 7. So với những năm trước, sóng năm nay không dữ dội bằng. Đại tá Mai Tuyến Tuyên, Phó chính uỷ Vùng D Hải quân bảo có lẽ đây là lần đầu tiên trong chuyến ra đảo vào dịp Tết có phóng viên nữ, nên ông trời thương. Tuy vậy, con tàu HQ 936 liên tục lắc lư, nghiêng ngả theo từng đợt sóng nối đuôi nhau đánh dồn dập vào thân tàu. Sóng ở đâu mà nhiều thế: từ tít tắp xa xăm nhằm thẳng vào con tàu lao tới. Boong tàu tầng một lúc nào cũng trắng xoá bọt nước khi những con sóng cả từ hai phía vượt qua mạn tàu lao vào nhau.

Nằm trong phòng mà người lúc thì như đứng nghiêng, lúc đầu như cắm xuống đất. Những phòng có giường đặt dọc theo thân tàu, khi tàu chạy song song với sóng, không thể ngủ được bởi người lúc nào cũng lăn tới lăn lui. Thuyền trưởng HQ 936 Nguyễn Văn Sửu có sáng kiến đem hết chăn chiếu ra chèn hai bên mình mới ngủ được. Sóng lớn, lúc ăn cơm nhiều khi tay cầm bát đũa còn chân thì chặn xoong nồi. Tiện nhất là lúc chan canh, lợi dụng lúc sóng làm nghiêng nồi canh, đưa muôi vào chỗ nồi nghiêng nhất là được một muôi canh đầy. Ly cà phê vừa đặt xuống sàn liền cắm đầu chạy thẳng vào góc phòng rồi lại nhanh chóng chạy ngược trở lại. Ngồi giữa boong tầng hai cao hơn mặt nước biển khoảng 3m, khi tàu nghiêng xuống có thể nhìn thấy nước biển cách đó vài mét, nhưng khi tàu nghiêng lên, cũng ở hướng đó, chỉ có thể nhìn thấy trời và mây. Nhưng thật lạ, cứ mỗi khi lên boong ngắm sóng là thấy người hết nôn nao. Vậy là cứ khi nào thấy người khó chịu, chúng tôi lại ra boong tàu để nghiêng ngả cùng con sóng.

Gian nan đường hành quân

Là một trong những con tàu lớn của Vùng D hải quân, nhưng tàu HQ 936 cũng không đủ chỗ nằm cho các chiến sĩ. Vì thế, các chiến sĩ phải nằm nghỉ dọc hành lang, trong khoang, trên boong tàu…, nơi trải chiếu, nơi mắc võng. Nhiều chiến sĩ lần đầu ra biển say lử đử. Cơm chê, cháo cũng chẳng thèm ăn. Chợt nhớ câu thơ các chiến sĩ đọc trong buổi giao lưu trước khi ra Trường Sa: "Biển động nhiều. Ở nơi em gió vẫn lùa rất nhẹ. Em thầm ước một điều nhỏ bé. Là được xuống tàu nôn đỡ cho anh...".

Ngoài boong tàu, võng trùng trùng lớp lớp. Đêm đắp chăn, cuộn tròn trong chiếc võng nhưng chẳng thể ngủ ngon được bởi gió biển quá mạnh. Lạnh tê người. Một số nhà báo cũng đem võng ra ngoài nằm, nhưng chỉ đến nửa đêm đã phải cuốn gói vào phòng nằm. Thỉnh thoảng những đợt sóng lớn đánh vọt quá boong tàu. Người và võng ướt nhèm.

Những ngày cuối của cuộc hải hành, áp thấp nhiệt đới rượt đuổi con tàu. Sóng biển dữ dội. Bầu trời xám xịt, mưa liên miên. Boong tầu tầng một sóng đánh lên liên tục. Tất cả phải chuyển lên boong tầng hai. Chẳng chịu tha, những con sóng bạc đầu vẫn cứ chồm lên như muốn nuốt lấy con tàu nhỏ bé, mong manh như chiếc lá giữa đại dương rộng lớn.

Vất vả như vậy, nhưng trên boong tàu hiếm khi thiếu lời ca tiếng hát của các chiến sĩ. Người dùng can nhựa làm trống, người gõ chậu, rồi cùng nhau hát vang những lời ca về biển, về đời lính, về quê hương đất nước. Thỉnh thoảng có những đợt sóng lớn vượt qua mạn tàu tầng hai, bê cả khối nước trút xuống sàn. Cả nhóm rú vì bị ướt như chuột rồi lại hát tiếp cùng tiếng gào thét của biển cả.

Vất vả nhất có lẽ là lúc chuyển quân và hàng hoá lên đảo. Chỉ có Trường Sa lớn tàu mới cập cảng được, còn lại tất cả các đảo khác, muốn lên phải dùng xuồng “tăng bo” vào đảo. Càng vào gần đảo sóng càng lớn. Hàng triệu triệu đợt sóng từ đâu xô tới bỗng bị chặn bởi thềm san hô quanh đảo càng trở nên hung tợn, càng gào thét dữ dội. Quanh đảo như bị vây kín bởi những cột sóng trắng xoá. Chiếc xuống máy chòng chành, nổ cành cành, nhả những vệt khói đen ngòm, khét lẹt, kéo theo chiếc xuồng chở người và hàng ì ạch tiến vào đảo. Thỉnh thoảng sóng từ bãi san hô dội ra nâng bổng chiếc xuồng lên cao vài mét rồi lại hạ xuống. Nếu không cứng tay lái, không bị lật xuồng thì cũng bị sóng đánh bật lên bãi san hô. Vì thế, vào những đợt thời tiết xấu, nhiều khi tàu đến gần đảo rồi mà phải đợi vài ngày mới đưa quân và hàng lên được.

Những đầu bếp siêu hạng

Câu cá trên tàu.

Đội ngũ đầu bếp có lẽ là vất vả nhất. Đi cũng như về, trên tàu lúc nào cũng có vài trăm người trong khi đó đội nhà bếp chỉ có khoảng 15 người, trong đó hơn nửa bị say sóng vì lần đầu ra biển. Vì thế, không có ca cũng chẳng có kíp, tất cả những ai chưa say đều phải vào bếp từ 2 giờ sáng cho đến 7-8 giờ tối. Nhà bếp là một gian nhỏ đặt ở gần cuối tàu, một trong những nơi lắc nhất mỗi khi có sóng to gió lớn.

Bên trong là một cái bếp điện, có 6 khay, nếu nồi nhỏ thì đủ 6 nồi, nhưng nồi của chiến sĩ thì chỉ được 3-4 cái. Ngoài hành lang trời mát dịu, nhưng vừa bước vào cửa bếp đã thấy hơi nóng phả ra hầm hập. Đi sâu vào bên trong hơi nóng như phòng xông hơi, không đầy nửa tiếng sau mồ hôi vã ra như tắm. Hơi nóng quyện với mùi của dầu mỡ, thức ăn… khiến cho không khí trong nhà bếp càng ngột ngạt. Với người chưa quen, không trụ nổi 5 phút. Trong số những đầu bếp ở tàu HQ 936 chỉ có anh Mạc, anh Trung là trụ nổi suốt từ sáng đến tối bởi các anh là hai trong số ít chiến sĩ chưa bao giờ say ở mọi cấp độ sóng. Có lẽ không ở đâu nấu ăn như ở đây: trước khi đun nấu, nồi, niêu, xoong, chảo được buộc chặt vào thành bếp để tránh bị sóng hất ra ngoài. Nồi, xoong, chảo nào cũng chỉ lưng lửng thôi, vì nấu đầy khi tàu nghiêng, gạo, nước, thức ăn, mắm muối sẽ tràn xuống bếp, nếu không gây cháy nổ thì cũng làm hỏng bếp. Mỗi bữa, chỉ tính riêng cơm cũng phải tới 15-16 nồi quân dụng. Bữa sáng chưa xong đã phải lo bữa trưa, bữa tối. Ngày hôm nay vừa xong đã phải chuẩn bị cho ngày hôm sau. 20 ngày liên tục như thế thật đáng khâm phục.

Theo VOV