07:04, 23/04/2008

Phôi pha nhà cổ Khánh Hòa!

Khánh Hòa vốn có nhiều ngôi nhà cổ và ưu thế này đã trở thành niềm tự hào đồng thời là sản phẩm du lịch đặc sắc của xứ trầm hương...

Khánh Hòa vốn có nhiều ngôi nhà cổ và ưu thế này đã trở thành niềm tự hào đồng thời là sản phẩm du lịch đặc sắc của xứ trầm hương. Tuy nhiên, mỗi năm trôi qua thì số nhà cổ bị “hóa kiếp” lại càng tăng thêm.

“Sống chết mặc bay”

Một nhà cổ khoảng 200 năm ở xã Diên An, huyện Diên Khánh đang xuống cấp vì gia chủ quá khó khăn.

Nép dưới rặng cau, giữa khu vườn cây trái xanh mướt, mới nhìn thì ngôi nhà của cô Hai Thôn (tổ 2, thôn Phú Vinh, xã Vĩnh Thạnh, TP Nha Trang) không có gì đặc biệt. Thế nhưng, bên dưới mái ngói thông thường lại là một căn nhà cổ đầy giá trị.

Những cây cột đen bóng, chiếc bàn, bộ ván ngựa cũ kỹ như thách đố với thời gian. Nội thất của ngôi nhà gần như nguyên vẹn, đúng kiểu nhà “căn bát dần” truyền thống, đầy đủ ba gian hai chái với 36 cây cột.

Cô Hai tâm sự: “Căn nhà này có từ đời ông cố, cuối thế kỷ 19. Nhà được làm từ đó đến giờ chỉ sửa một lần, cách đây gần 30 năm. Do bị thấm dột nên cô đã cho thay mái ngói, xây lại tường và nền nhà bằng xi măng.” Dù đời sống khó khăn, tuổi đã cao, cô đã 70 tuổi, chỉ sống bằng đồng lương hưu giáo viên nhưng mới đây cô đã lắc đầu khi có người đến nài nỉ đưa 100 triệu để “bứng” ngôi nhà đi. Cô ứa nước mắt: “Cô đang tính bán bớt đất để mua ngói âm dương lợp lại mái nhà cho đúng ý ông bà. Cô cũng đã làm sẵn di chúc, ai chịu gìn giữ căn nhà này thì được ở…”.

Cách nhà cô Hai Thôn không xa, kề bên mộ Bình Tây đại nguyên soái Trịnh Phong, người anh hùng của phong trào Cần Vương, là ngôi nhà cổ của gia tộc họ Nguyễn. Đây là căn nhà được xem là cổ nhất ở “xã nhà cổ” Vĩnh Thạnh - TP. Nha Trang. Hầu hết bộ khung cột chèo, vật dụng trong nhà đều được gia chủ cố công gìn giữ nhưng vì khó khăn nên cũng bắt đầu có dấu hiệu rệu rã, mối mọt nhiều chỗ.

Dù vậy, ông Nguyễn Văn Kính, đại diện gia tộc than thở: “Nhà này được dòng họ chúng tôi dựng lên và sử dụng đã 7 đời, đã từng nuôi giấu cán bộ nhưng lâu nay chẳng thấy ai bên ngành văn hóa đoái hoài, hỏi thăm gì hết”. Ở huyện Diên Khánh, một địa bàn tập trung nhiều nhà cổ nhất của Khánh Hòa, tình trạng còn bi đát hơn. Do đời sống ở nông thôn còn khó khăn nên phần lớn người dân, hoặc bán nhà cổ hoặc bỏ mặc nhà xập xệ.

Bảo tồn, bao giờ?

Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở VHTT Khánh Hòa, số nhà cổ của tỉnh hiện còn khoảng 55 căn. Do phân bố rải rác trên nhiều khu vực xa trung tâm, khả năng tài chính eo hẹp nên phần lớn chủ nhà đều bất lực nhìn ngôi nhà của mình tàn lụi dần theo thời gian. Trong con số 55 căn nhà trên thì phân nửa đã sắp “theo ông bà”, số còn lại lại đối mặt với nguy cơ bị gia chủ bán tháo cho lái buôn.

Thực tế, ở huyện Diên Khánh đã có “lò chế tác” và bán nhà cổ công khai, còn ở Nha Trang đã bắt đầu mọc lên một số cụm nhà cổ! Những nhà cổ “tái sinh” này đều bị “biến dạng” về hình thức lẫn mục đích sử dụng, xi măng đã thay thế hỗn hợp vôi-đường mía - nhựa cây bời lời, bóng điện rực rỡ, du khách dập dìu vào ra thay cho cảnh thanh bình chốn làng quê.

Bảo tồn nhà cổ, vấn đề không mới ở Khánh Hòa. Năm 2003, ngành văn hóa cũng đã phát động ì xèo, ra quân rầm rộ, tiến hành khảo sát, thống kê... Thời điểm đó, số nhà cổ toàn tỉnh khoảng 83 căn. Nhưng rồi mọi việc lại chìm vào quên lãng cho đến nay mới được “hâm nóng” trở lại.

Ông Nguyễn Văn Thích, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý di tích - danh lam thắng cảnh (Sở VHTT) cho biết, ngành văn hóa đã đề nghị UBND tỉnh mua lại 23 ngôi nhà cổ mà gia chủ đồng ý bán để “phục chế” một ngôi làng Việt cổ ở xã Diên Điền (huyện Diên Khánh). Ngôi làng này sẽ có các hộ gia đình sinh sống với những nếp sinh hoạt xưa như trồng lúa, trồng rau, làm bánh, dệt chiếu, rèn, đúc… Ngoài ra, có một phương án nữa là tái dựng một ngôi làng Việt cổ ở ngoại thành Nha Trang.

Theo ông Thích, hiện hai phương án đang được UBND tỉnh xem xét và… chưa hẹn ngày trả lời! Còn theo cán bộ phụ trách của Phòng VHTT huyện Diên Khánh thì UBND huyện Diên Khánh không đồng ý với phương án của sở mà muốn làm tại thị trấn Diên Khánh.

Nếu “trên” và “dưới” vẫn cứ tiếp tục tranh cãi thì bao giờ mới đến “hồi phân giải” có hậu trong khi vốn nhà cổ đang lụi tàn?.

Theo SGGP