02:04, 01/04/2003

Vịnh Cam Ranh trong mắt một ký giả người Pháp (*)

… “Chúng tôi may mắn tham dự cuộc hành trình trên tuyến mậu dịch hàng hải quốc tế từ Viễn Đông đi châu Âu. Ở một điểm tiếp giáp với ven biển Đông Dương hình vòng cung, chúng tôi ngạc nhiên đến sửng sốt khi hiện ra trước mắt một trong những bến cảng đẹp nhất thế giới, có thể sánh với Sydney, Rio-de-Janeiro, Diego – Suarez. Tôi muốn nói đến Cam Ranh.

… “Chúng tôi may mắn tham dự cuộc hành trình trên tuyến mậu dịch hàng hải quốc tế từ Viễn Đông đi châu Âu. Ở một điểm tiếp giáp với ven biển Đông Dương hình vòng cung, chúng tôi ngạc nhiên đến sửng sốt khi hiện ra trước mắt một trong những bến cảng đẹp nhất thế giới, có thể sánh với Sydney, Rio-de-Janeiro, Diego – Suarez. Tôi muốn nói đến Cam Ranh.

Cam Ranh bao quát cả một vùng Biển Đông; cách Hồng Kông 690 dặm, Manila 690 dặm, Singapore 698 dặm và Indes Neerlandaises 700 dặm; tàu bè rất dễ cập bến cảng. Vịnh Cam Ranh dài 12km, rộng 6km, chỗ cạn nhất là 10m, chỗ sâu nhất 85m. Hai dải núi nhô ra biển như hai bán đảo che chở Cam Ranh khi có bão tố.
Cửa cảng rộng 1.300m, sâu 20 - 35m, có hòn đảo Tagne (?) án ngự phía trước, cách bờ biển 208m. Nền đất và đồi núi bao quanh vịnh Cam Ranh đều là đá hoa cương.

Cam Ranh là một pháo đài tự nhiên lý tưởng, hoặc như cách nói của Đô đốc Courbet: “Là một đồn phòng vệ (corps de garde) của Thái Bình Dương”.

Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer đã có ý định chấn chỉnh việc đưa vào sử dụng vịnh Cam Ranh, nhưng rất tiếc, ông ta ở Đông Dương không được lâu.

Năm 1905, 140 tàu chiến và tàu vận tải của Đô đốc Nga Rojestvensky đã vào trú và tiếp nhận binh lương trong vịnh này. Chẳng hiểu sao mãi đến nay hình như người ta vẫn coi thường việc tận dụng ưu thế của vịnh Cam Ranh.
Từ năm 1901, đã có một người Pháp đến đây; ông ta tiên đoán triển vọng rực rỡ của vùng vịnh này và xin cấp nhượng mấy ngàn hecta đất ở những địa điểm thuận lợi nhất. Chẳng hiểu sao người ta đã ngần ngại trước một yêu cầu như vậy! Phải chăng người ta lo sợ Cam Ranh sẽ phương hại đến lợi ích của Sài Gòn?

Thực ra, Sài Gòn chẳng có gì phải ngán ngại Cam Ranh. Sài Gòn hiện đang là và mãi mãi vẫn là một cảng xuất khẩu gạo. Nằm sâu trong nội địa 80km, Sài Gòn cần có một tiền cảng (Avantport) như ở những thành phố tương tự (Rouen, Bordeaux v.v…). Ngược lại, những ưu thế của Cam Ranh thì đã được điều kiện tự nhiên quy định. Các tàu lớn và chiến hạm trên 180m khó tránh bất trắc khi ngược dòng sông Sài Gòn quanh co, khuất khúc. Gặp thời chiến, không may có một thuyền buồm cũ kỹ bị đắm giữa dòng thì coi như sông Sài Gòn tắc nghẽn hoàn toàn.

Về mặt thương mại, những chuyến thư tín quan trọng gửi đi Sài Gòn thường bị thất lạc, gây tổn phí nặng nề, và chẳng công ty ngoại quốc nào lại chấp nhận những thiệt thòi như vậy. Thế thì tất cả các tàu ngoại quốc cỡ lớn đi Trung Hoa, Nhật Bản hoặc từ những nước đó quay trở về đều có thể dừng lại ở Đông Dương, vì đều phải đi qua trước vịnh Cam Ranh để nhìn rõ hải đăng ở mũi Padaran. Khi có bão tố, các tàu này đã vào trú ẩn trong vịnh. Giá như Cam Ranh được bố trí thành tiền cảng của Sài Gòn đồng thời là một căn cứ tiếp tế, thì tàu bè sẽ có thể dừng lại Cam Ranh một cách hợp thức.

Một căn cứ tiếp tế như vậy sẽ mang lại nguồn lợi càng lớn một khi bến cảng đã được nối kết, và còn lớn hơn nữa nhờ dựa vào một hậu phương đầy hứa hẹn; con đường sắt 336km chạy thẳng vào Sài Gòn; con đường sắt Đà Lạt liên thông Cam Ranh với cao nguyên Lang - Biang ở phía Tây và con đường xuyên Đông Dương ở phía Bắc sẽ hoàn thành trong năm 1936. Nhờ các con đường sắt này, những đợt khách hối hả đến vùng Viễn Đông kinh doanh hoặc tham quan sẽ ngày càng đông.

Mỗi tuần có 8 chuyến thư tín vào cảng thay vì 1 chuyến như hiện nay sẽ tác động rất lớn đến nền thương mại đang trì trệ của thuộc địa này và sẽ kết thúc nhanh chóng cuộc khủng hoảng mà Đông Dương đang phải chịu đựng thật thảm hại.

“Thời gian là tiền bạc” nguồn lợi thật lớn lao nếu biết khẩn trương. Khách du lịch hiếu kỳ muốn được nhìn những gì mới mẻ hơn chứ không chỉ ngắm trời và nước, cũng như những doanh nhân tìm kiếm khách hàng đều có thể đến miền Bắc Ấn Độ, Miến Điện, Xiêm, Đông Dương rồi về Cam Ranh lên tàu đi Hồng Kông chỉ 4.000km, so với tuyến ngoài biển khơi thì rút ngắn được một nửa đường. Hành khách lên tàu ở Cam Ranh sẽ lợi được 2 ngày đường so với ở Đà Nẵng, mà ngày nào ở Cam Ranh cũng có một chuyến tàu.

Tàu bè của các hãng Pháp chạy tuyến Pháp - Nhật Bản hiện đang vào Cảng Sài Gòn sẽ rút ngắn được 5 ngày (cả đi lẫn về) nếu bỏ Cảng Sài Gòn mà đến Cảng Cam Ranh và sẽ tiết kiệm được hàng chục vạn francs. Mọi hàng hóa, sản vật từ châu Mỹ, châu Úc có thể chở thẳng đến Đông Dương, thay vì hiện nay vẫn buộc phải đổi tàu ở Singapore hay Hồng kông.

Cuối cùng, vùng cao nguyên Lang - Biang có thành phố Đà Lạt cách Cam Ranh 140km. Những người Âu đau yếu hoặc mệt mỏi trú ngụ ở Mã Lai hay ở Hồng Kông có thể về đây nghỉ ngơi qua mùa hè. Đà Lạt còn là trung tâm của một vùng săn bắn tuyệt vời. Hơn nữa, Đà Lạt sẽ là thủ đô hành chính tương lai của Đông Dương. Tại đây, người Âu tìm lại được không khí trong lành ở quê hương mình. Binh lính có thể đóng trại ở đây mà không lo sức khỏe suy nhược. Có thể nói Lang - Biang là một pháo đài bất khả xâm phạm; và nếu có thêm một căn cứ hải quân vững chắc ở Cam Ranh thì quân lực của Liên hiệp Pháp ở Thái Bình Dương sẽ được tăng cường biết chừng nào!

Chính quyền Đông Dương từng lo nghĩ nhiều về tương lai của thuộc địa, vừa có hai quyết định quan trọng nhằm đưa Cam Ranh ra khỏi tình trạng hiện nay.

Quyết định thứ nhất: Cam Ranh phải được sắp xếp, chỉnh đốn để phục vụ khách du lịch và tàu bè ngoại quốc. Một bến tàu vừa được xây dựng thông ra tuyến xe lửa Nha Trang - Sài Gòn bằng một con đường sắt. Hành khách sẽ dễ dàng rời tàu lên bờ ở Cam Ranh để đi tham quan Sài Gòn, Angkor, Phnôm-Pênh, Bangkok rồi quay lại Sài Gòn và trở về tàu ở Cam Ranh. Chỉ cần hành khách trên các tàu chạy ngoài khơi báo trước 48 tiếng đồng hồ bằng vô tuyến điện cho Sở xe lửa Sài Gòn để đăng ký một toa tàu đặc biệt ở Cam Ranh.
Quyết định thứ hai: chuyển căn cứ tàu ngầm từ Sài gòn ra Cam Ranh”.

NGUYỄN PHAN QUANG (dịch)

(*) Tác giả: Robert Réallon. Bài viết đăng báo Le Petit Parisien và được trích đăng trên L’Ami du Peuple Indochinois (số ra ngày 16-1-1934).