11:04, 01/04/2003

Về Suối Tiên, Bãi Tiên, núi Cô Tiên và Hòn Chồng

Cách Nha Trang khoảng 23km về phía Tây Nam, phát nguyên từ đỉnh Hòn Bà có độ cao 800m, du khách có thể viếng suối Tiên bằng hai ngả: từ Suối Dầu lên hay từ xã Diên Phước tại ngã ba Bót Bà Lá rẽ vào, và ngày nay xã mới thành lập cũng mang tên dòng suối này - xã Suối Tiên.

 I. Suối Tiên

Cách Nha Trang khoảng 23km về phía Tây Nam, phát nguyên từ đỉnh Hòn Bà có độ cao 800m, du khách có thể viếng suối Tiên bằng hai ngả: từ Suối Dầu lên hay từ xã Diên Phước tại ngã ba Bót Bà Lá rẽ vào, và ngày nay xã mới thành lập cũng mang tên dòng suối này - xã Suối Tiên.

Là một trong những thắng cảnh của huyện Diên Khánh, nơi bây giờ còn lại một thành cổ, lưu dấu không biết bao nhiêu chứng tích đấu tranh dựng nước và giữ nước của nhân dân Khánh Hòa. Suối Tiên với nhiều cảnh lạ huyền bí mà từ rất lâu đời, người dân địa phương đã đặt cho nó cái tên này chứ không như các nơi khác vì nhu cầu lợi nhuận du lịch rồi cũng đặt tên suối Tiên này, ao Tiên nọ… Độ dốc của suối chảy qua các tảng đá tự nhiên, tác động với nhau thành một dòng suối tuyệt đẹp được chia làm thành hai nhánh nhỏ: Một chảy về hướng Bắc làm nguồn nước chủ lực cho cánh đồng lúa của các thôn Xuân Phú, Gò Cam, Phú Trường và một nhánh khác hướng về phía Đông, cũng là nguồn nước tưới cho những cánh đồng nhỏ lân cận rồi cuối cùng hòa nhập vào sông Suối Dầu chảy ra sông Cái, đổ về biển Nha Trang.

Đặt chân đến đây, ta bắt gặp một hồ Tiên ngay dưới chân suối, đá bao quanh tạo thành một khoảng rộng như chiếc ao lớn, nước trong vắt, có thể nhìn thấy lớp cát trắng tận đáy, nước mát lạnh, chỉ cần ngồi trên tảng đá rợp bóng cây, bỏ chân xuống hay dùng tay tát nước rửa mặt, du khách sẽ cảm thấy tươi tỉnh ngay sau một chặng đường dài của chuyến đi. Càng leo lên cao, chắc chắn ta sẽ cảm thấy thú vị hơn với vẻ đẹp nguyên sơ, quyến rũ của suối Tiên. Đá tảng nằm ngổn ngang khắp suối, các hồ nước nhỏ nối nhau bằng một dòng chảy trong ngần, hai bên bờ là các tán cây cổ thụ tỏa rợp bóng râm, có đoạn hầu như ánh nắng khó mà len qua được, mang vẻ thâm u như một đoạn đường hầm. Cứ cách khoảng 15 - 20m lại có một thác nhỏ, dưới thác là một hồ nước nhỏ, đặc biệt hình tượng của đá rất muôn hình vạn trạng. Có tảng đá trũng xuống trông giống như một bàn chân, có nơi tạo thành các hốc sâu giống như một cái hang nhỏ gọi là động Tiên, đặc biệt có tảng, các vết nứt của đá hơi vuông vức mà các đường nét giống như một bàn cờ tướng, đồng thời, những thẹo lỗi của nó lại giống như các ly rượu. Vì có hồ Tiên, động Tiên, bàn cờ, ly rượu, bàn chân ông Tiên nên người đời mới đặt tên nơi đây là suối Tiên.

Từng có câu đối:

“Đến suối Tiên, nhìn Tiên tắm, tắm suối Tiên

Leo Hòn Bà, xem Bà Ngự, ngự Hòn Bà”

Quanh năm, vào các dịp lễ, chủ nhật, nhất là mùa nghỉ hè và ngay cả ngày thường, lượng du khách kể cả Tây lẫn Ta đổ về đây thưởng ngoạn rất đông, trừ những ngày mưa lũ.

II. Bãi Tiên

Cách trung tâm TP. Nha Trang khoảng 6 - 7km về hướng Bắc, một dãy đồi thấp tục gọi là đồi La San, cùng với đỉnh núi Hòn Khô - tức núi Cô Tiên. Núi và biển như đôi tình nhân ôm lấy nhau tạo thành bãi cát trắng, ngắt khoảng, có nơi nhô ra hoặc lõm vào và cứ như thế chạy mãi ra tận Bãi Tiên (Mũi Kê Gà) nơi mà ngày nay đang hình thành một làng du lịch mang tầm cỡ quốc tế tại Nha Trang. Biển màu xanh ngọc bích, cát trắng, nước trong. Làng chài Đường Đệ nho nhỏ, nép mình dưới bóng dừa xanh và rặng phi lao reo gió quanh năm, đẹp như một bức tranh thủy mặc mà khách đa tình đã tốn không biết bao nhiêu thời gian và công sức để thưởng thức và thi vị hóa nơi này.

“Một Tiên, hai cũng là Tiên

Cớ sao lại bỏ xuống miền dương gian

Trùng dương biển bạc ngút ngàn,

Bãi Tiên trăng tỏ, bẽ bàng chuyện xưa”

III. Núi Cô Tiên

Ở phía Tây, là núi Cô Tiên sừng sững, làm bức bình phong chắn gió bão mặt phía Bắc TP. Nha Trang. Ba đỉnh núi liên kết lại nhau trông giống như một người đàn bà nằm xõa tóc, ngửa mặt lên trời. Nếu tính từ phía biển, thì đỉnh một là mặt, đầu và tóc cô Tiên xõa dài tận biển, đỉnh giữa là bộ ngực và đỉnh cao nhất là tư thế của một người nằm ngửa tréo chân. Ta có thể nhìn thấy núi Cô Tiên rất rõ từ bốn phía tại TP. Nha Trang.

“Ai về Đồng Đế, Bãi Tiên

 Cho ta nhắn gửi cô Tiên một lời

Sao không về ở trên trời?

Nằm chi hoài đó nghìn đời héo khô!”

IV. Hòn Chồng

Phía Đông Nam núi Cô Tiên là Bãi Dương và Hòn Chồng - một cụm đá nhô ra ngoài biển thuộc chân đồi La San. Hình tượng của những tảng đá có cái giống như một người đàn ông nằm ngửa, có đủ mặt, mũi, trán, cằm, bụng ườn lên, hai chân thọc sâu xuống nước, dáng to như một ông khổng lồ. Ở mặt Bắc của hòn đá lớn nhất, có dấu bàn tay sáu ngón và quả bầu nằm kẹt giữa hai phiến đá lớn tạo thành một cái cổng trời. Du khách muốn ra tận nơi thì thường phải chui qua cái cổng này. Nếu đứng ở vị trí tại các kiôt bán hàng lưu niệm thì hình tượng này có thể nhận thấy một cách dễ dàng.

“Khổng lồ vừa mập vừa cao

Chân bước trên đá, đầu vào Suối Tiên

Trong ngần nước tẩm dòng quyên

Năm ba pho tượng thiên nhiên nõn nà

Thân ông run

Hồn ông động

Tim ông rụng

Mắt ông lòa

Năm nghiêng bảy ngã

Đá mấy tòa rung rinh”

LÊ NGỌC HÒA