01:04, 01/04/2003

Vai trò của Hà Huy Tập trong cuộc vận động thành lập Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Khánh Hòa

Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Khánh Hòa là một trong những đảng bộ tỉnh được thành lập sớm, vào ngày 24-2-1930, ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, và đồng chí Hà Huy Tập là một trong những người đóng vai trò quan trọng.

Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Khánh Hòa là một trong những đảng bộ tỉnh được thành lập sớm, vào ngày 24-2-1930, ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, và đồng chí Hà Huy Tập là một trong những người đóng vai trò quan trọng.

Sinh ngày 24-4-1906, trong một gia đình nhà nho nghèo, yêu nước ở một vùng quê giàu truyền thống cách mạng tại xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, Hà Huy Tập là con thứ ba của cụ Hà Huy Tường và bà Nguyễn Thị Lộc. Tốt nghiệp Thành chung (Quốc học Huế) hạng ưu, lẽ ra, ông có thể tiếp tục học lên đại học. Tiếc thay, hoàn cảnh gia đình quá nghèo không thể cung cấp cho ông được. Thời gian này, Hà Huy Tập đọc nhiều sách, báo viết về quá trình khai thác thuộc địa của thực dân Pháp ở Đông Dương, qua đó, thấy được nỗi khổ nhục của đồng bào sống trong xiềng xích của thực dân Pháp. Từ đây, ông bước vào con đường tranh đấu và trở thành một trong những người tham gia “Hội Phục Việt” tháng 7-1925 ở Nghệ Tĩnh sau đổi thành Tân Việt cách mạng Đảng, gọi tắt là Tân Việt (7-1928).

Trong những năm 1925 - 1926, cùng với thầy giáo Ngô Đức Diễn (người Nghệ An), Hà Huy Tập được cử vào dạy học tại Khánh Hòa. Lúc đầu tư tưởng yêu nước của hai ông còn chịu ảnh hưởng các quan điểm tiểu tư sản. Nhưng từ khi có sự liên hệ với tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội do đồng chí Nguyễn Ái Quốc sáng lập thì tư tưởng của hai ông đã chuyển qua xu hướng mác-xít, vận động yêu nước trên lập trường giai cấp công nhân. Thầy Diễn dạy học tại trường Pháp - Việt Ninh Hòa. Thầy Tập dạy tại trường Pháp - Việt Nha Trang (nay là trường PTTH Nguyễn Văn Trỗi). Dựa vào việc dạy học, hai ông đã tuyên truyền, giác ngộ được nhiều giáo viên, học sinh và thanh niên về công cuộc cứu nước theo tư tưởng cộng sản. Hai ông còn giúp cho họ tiếp xúc với sách báo tiến bộ và những sách báo nói về học thuyết Mác - Lênin, về chủ nghĩa cộng sản.

Trong hai năm 1925 - 1926, giáo giới, học sinh, thanh niên Khánh Hòa đã có những hoạt động đấu tranh sôi nổi. Trong đó đáng chú ý là cuộc đấu tranh đòi thả cụ Phan Bội Châu và để tang cụ Phan Chu Trinh. Bên cạnh đó, Ngô Đức Diễn và Hà Huy Tập còn vận động tổ chức các lớp học buổi tối cho anh em thợ thuyền và dân nghèo. Từ những hoạt động tích cực đó, các cơ sở của Đảng Tân Việt bắt đầu được nhen nhóm, gây dựng tại hai địa phương trong tỉnh Khánh Hòa. Ở Nha Trang, cơ sở đầu tiên của Đảng Tân Việt có các anh Bùi Giao, nhân viên Sở Lục lộ; Nguyễn Khắc Tài nhân viên Sở Hỏa xa kiều lộ. Ở huyện Tân Định có anh Dương Chước, Lê Dung… đây là những hạt giống cộng sản đầu tiên được gieo mầm trên đất Khánh Hòa.

Trước những hoạt động sôi nổi của thanh niên, giáo viên, học sinh, chính quyền thực dân Pháp ở Khánh Hòa tìm cách đối phó. Năm 1926, chúng trục xuất Hà Huy Tập ra khỏi tỉnh. Bốn giáo viên khác ở trường Pháp - Việt Nha Trang bị cách chức, một số học sinh cũng bị đuổi học. Tháng 8-1926, Hà Huy Tập chuyển ra Vinh hoạt động. Tháng 3-1927, ông nhận nhiệm vụ của Tổng bộ Hội Hưng Nam vào hoạt động ở Nam kỳ.

Tuy không còn hoạt động ở Khánh Hòa, nhưng những tư tưởng cách mạng của hai ông đã thức tỉnh lòng yêu nước trong tầng lớp thanh niên, học sinh theo khuynh hướng cộng sản. Đầu năm 1928, đồng chí Lê Dung được cơ sở của Đảng Tân Việt Khánh Hòa cử đi học lớp huấn luyện chính trị do Kỳ bộ Tân Việt Nam kỳ tổ chức tại Sài Gòn. Khóa học này do đồng chí Hà Huy Tập làm giảng viên chính. Học xong, đồng chí Lê Dung trở về cuối năm 1928, làm nhiệm vụ truyền đạt lại cho một số đảng viên ở địa phương.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Tân Việt, các cơ sở và phong trào cách mạng đã không ngừng phát triển, mở rộng ở nhiều vùng trong tỉnh và một số tỉnh kề cận với Khánh Hòa. Năm 1929, Kỳ bộ Tân Việt Nam kỳ quyết định lành lập cơ quan liên tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắc Lắc, Lâm Viên, lấy bí danh là Ngũ Trang. Cuộc họp liên tỉnh Ngũ Trang được tiến hành tại Tháp Chàm (Ninh Thuận). Đồng chí Trần Hữu Duyệt được bầu làm Bí thư liên tỉnh.

Năm 1929, phong trào cách mạng trong cả nước phát triển mạnh mẽ. Tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội không còn đáp ứng được yêu cầu lãnh đạo cách mạng. Ngày 17-6-1929, Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời ở Bắc kỳ. Và chỉ mấy tháng sau, bộ phận tiên tiến trong Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội ở Nam Kỳ đã giải tán để thành lập An Nam Cộng sản Đảng (10-1929).

Ảnh hưởng các sự kiện trên, nội bộ Đảng Tân Việt cũng có sự phân hóa sâu sắc. Tháng 12-1929, các đảng viên tiên tiến trong Đảng Tân Việt ở các tỉnh Bắc và Trung kỳ đã vào Sài Gòn, bàn với các đồng chí lãnh đạo Đảng Tân Việt ở Nam kỳ thành lập Đông Dương Cộng sản liên đoàn và quyết định triệu tập đại hội vào ngày 1-1-1930.

Tại Khánh Hòa, sau khi có chủ trương thành lập Đông Dương Cộng sản liên đoàn, đồng chí Trần Hữu Duyệt thay mặt cho Xứ ủy triệu tập một hội nghị quan trọng gồm những người lãnh đạo Đảng Tân Việt ở tỉnh và các phủ, huyện. Hội nghị thống nhất chuyển những cơ sở của Đảng Tân Việt sang Đông Dương Cộng sản liên đoàn, củng cố các chi bộ và thành lập Tỉnh ủy lâm thời Đông Dương Cộng sản liên đoàn do đồng chí Trần Hữu Duyệt làm Bí thư, đồng thời lập cấp ủy các huyện.

Trước tình hình trong nước có 3 tổ chức cộng sản, được sự ủy nhiệm của Quốc tế Cộng sản, ngày 3-2-1930, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã chủ trì hội nghị, thống nhất thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Tại hội nghị này, Đông Dương Cộng sản liên đoàn gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam. Vì vậy, ngày 24-2-1930, đồng chí Ngô Gia Tự, đại diện cho Ban chấp hành lâm thời Đảng Cộng sản Việt Nam ký quyết định công nhận Đông Dương Cộng sản liên đoàn gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam. Do đó, ngày 24-2-1930 được xem là ngày Đảng bộ Đảng Cộng sản tỉnh Khánh Hòa chính thức được thành lập.

72 mùa xuân trôi qua kể từ ngày ra đời, Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Khánh Hòa đã lãnh đạo nhân dân toàn tỉnh vượt qua biết bao khó khăn thử thách, góp phần cùng cả nước đấu tranh giành chính quyền, đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, hoàn thành cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội và đã giành được những thành tựu đáng tự hào trong sự  nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Những thành tựu to lớn mà Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo nhân dân làm nên mãi mãi là thiên anh hùng ca vang vọng trong tiến trình lịch sử hình thành và phát triển của Khánh Hòa 350 năm qua (1653 - 2003). Ôn lại những đóng góp của đồng chí Hà Huy Tập đối với sự ra đời của Đảng bộ tỉnh là việc làm cần thiết nhằm tỏ lòng biết ơn đối với các thế hệ tiền bối, đồng thời để từ đó mỗi người chúng ta càng ra sức phấn đấu xây dựng quê hương Khánh Hòa giàu đẹp.

NGUYỄN THỊ SÂM