02:04, 01/04/2003

Tổ chức, phương tiện thông tin liên lạc ở Khánh Hòa thời nhà Nguyễn và thời thuộc Pháp

    Để đáp ứng những nhu cầu về quản lý nhà nước, bảo vệ trị an, trấn áp nông dân nổi dậy khởi nghĩa và chống sự xâm lăng của kẻ thù bên ngoài, triều đình nhà Nguyễn hình thành hệ thống thông tin liên lạc khá chặt chẽ.

    Để đáp ứng những nhu cầu về quản lý nhà nước, bảo vệ trị an, trấn áp nông dân nổi dậy khởi nghĩa và chống sự xâm lăng của kẻ thù bên ngoài, triều đình nhà Nguyễn hình thành hệ thống thông tin liên lạc khá chặt chẽ.

    Từ thời Minh Mạng trở đi, triều đình thực hiện nhiều biện pháp tổ chức để quân sự hóa ngành Bưu chính. Năm 1821, Bưu chính chuyển từ Bộ Lại sang Bộ Binh. Cơ quan quản lý cao nhất về Bưu chính là Ty, gồm một số quan lại trực thuộc Bộ Binh điều hành. Dưới Ty là các Nhà Trạm. Nhiệm vụ của Nhà Trạm là chuyển đưa công văn của chính quyền; Vận chuyển các cống vật, tô thuế của các địa phương về triều đình; Cung cấp ngựa, thuyền cho các quan chức đi công vụ; Đảm bảo việc tạm nghỉ chân của các quan chức phẩm hàm cao, các sứ giả của triều đình trên đường công tác. Nhà Trạm và Phu Trạm được trang bị vũ khí thông thường là giáo, vừa để bảo vệ Trạm, bảo vệ công văn, vật phẩm và phòng thân cho Phu Trạm trên đường công vụ; Được triều đình cấp ngựa làm phương tiện vận chuyển, đài đệ công văn. Từ triều đình Huế vào các tỉnh phía Nam theo dọc đường thiên lý, mỗi chặng khoảng từ 20 đến 35 dặm được bố trí một Nhà Trạm. Trên đất Khánh Hòa có 11 Nhà Trạm với tổng số Phu Trạm 100 người, gồm các Trạm: Phú Hòa nằm trên núi Đại Lãnh; Trạm Hòa Mã ở xã Phước Tân, huyện Quảng Đức (nay là huyện Vạn Ninh); Trạm Hòa Huỳnh ở thôn Tân Ngọc, huyện Quảng Phước (nay là xã Ninh Thọ, huyện Ninh Hòa); Trạm Hòa Mỹ ở xã Mỹ Hiệp, huyện Tân Định sau dời về xã Vĩnh Phú (nay là thị trấn Ninh Hòa); Trạm Hòa Cát ở thôn Cát Lợi, huyện Tân định (nay là xã Vĩnh Lương, TP. Nha Trang); Trạm Nha Trang ở thôn Xương Huân, huyện Vĩnh Xương (nay thuộc TP. Nha Trang); Trạm Hòa Thạnh ở xã Phú Ân, huyện Phước Điền (nay là xã Diên An, huyện Diên Khánh); Trạm Hòa Tân ở xã Lập Định, huyện Vĩnh Xương (nay thuộc thị xã Cam Ranh); Trạm Hòa Do ở thôn Thủy Triều, huyện Vĩnh Xương (nay thuộc thị xã Cam Ranh); Trạm Hòa Quân ở thôn Khánh Cam, huyện Vĩnh Xương (nay là xã Cam Lộc, thị xã Cam Ranh). Từ Trạm này đi tiếp 43 dặm về phía Nam đến Trạm Thuận Lai thuộc tỉnh Ninh Thuận.

    Từ Trạm này đến Trạm khác, người Phu Trạm mang theo một chiếc lục lạc bằng đồng. Tiếng lục lạc biểu hiện quyền ưu tiên, được nhà nước bảo hộ, bảo đảm cho người Phu Trạm chuyển đạt văn thư, vật phẩm an toàn và kịp thời. Cạnh lục lạc, người Phu Trạm còn cầm ở tay một lá cờ đuôi nheo nhỏ để báo hiệu cho người đi đường biết. Khi nghe tiếng lục lạc, nhìn thấy cờ, mọi người đi trên đường phải tránh ra nhường lối, đò ngang dù đã rời bến cũng phải quay lại đón. Những khi chuyển đệ văn thư, vật phẩm bằng ngựa, tùy mức độ “thứ khẩn” hay “thượng khẩn” (hỏa tốc) của văn thư, người lính trạm được cấp thêm một lá cờ “Mã trì phi đệ” hoặc “Mã thượng phi đệ” (ruổi ngựa mà chuyển văn thư hoặc phi ngựa nhanh như bay mà chuyển văn thư). Khi người lính trạm vừa phi ngựa vừa phất cờ, quyền ưu tiên trên đường rất cao, ai đi trên đường không tránh kịp, bị ngựa dẫm chết, người lính không bị tội. Khi chuyển đệ những văn thư về quân sự, người lính trạm còn được cấp lá cờ có kết thêm lông cánh gà, biểu hiện việc quân sự khẩn cấp. Khi có cờ lông gà, người Cai đội Trạm phải lập tức chuẩn bị ngựa tốt và Phu Trạm để tiếp nhận ống Trạm và chuyển đi ngay không một phút chậm trễ. Ống Trạm là ống đựng văn thư làm bằng tre hoặc gỗ, trên ống khắc chữ và số hiệu, nơi nắp đậy có dán niêm phong bảo mật. Kèm theo ống Trạm là trát phát ống Trạm. Khi đến mỗi Trạm, người Cai Trạm phải ghi số hiệu của ống Trạm, tên người chạy Trạm, thời gian đến nhanh chậm ra sao, nguyên do chậm trễ… ký tên đóng dấu vào tờ giấy đính theo tờ trát. Thời gian được xác định bằng “đồng hồ cát”, loại đồng hồ thô sơ được dùng phổ biến dưới thời nhà Nguyễn, tại các cơ quan nhà nước.

    Lính Trạm, Phu Trạm được tuyển ngay tại địa phương xung quanh nơi đặt Trạm. Họ làm việc theo nghĩa vụ, không được cấp gạo, lương và quần áo riêng. Nguồn sống chủ yếu là sản xuất nông nghiệp hoặc thủ công nghiệp của gia đình, ngoài thời gian chạy Trạm. Thường ngày, tại Trạm chỉ có một số lính Trạm thường trực để lo việc hỏa tốc, những người khác trực ở nhà sản xuất. Khi có hiệu lệnh mà lính trạm đến chậm, tùy theo thời gian chậm trễ mà bị phạt nặng hay nhẹ.

    Do đặc điểm địa lý từ Khánh Hòa (Bình Hòa) vào các tỉnh miền trong, nhà Nguyễn còn dùng thuyền Trạm để đài đệ văn thư công hóa theo đường biển. Thuyền Trạm là thuyền công, chỉ dùng vào công việc thông tin, quan quân địa phương không được dùng thuyền Trạm vào bất cứ một công việc nào khác.

    Do quản lý chặt chẽ và thưởng phạt nghiêm minh nên lính Trạm thời Nguyễn rất giỏi chạy bộ. Thông thường người lính chạy Trạm chạy tiếp sức đạt trên 100km một ngày. Quan viên có công vụ đi qua Trạm nào thì lấy phu của Trạm đó để dẫn đường và phục vụ dọc đường. Tùy chức quan to, nhỏ mà định ra số phu Trạm để cáng võng và mang vác hành lý, tư trang cho các quan viên. Nhìn chung, dưới triều Nguyễn không có thông tin liên lạc phục vụ dân chúng, phục vụ thương nhân và thị dân mà chỉ phục vụ độc quyền cho nhà nước phong kiến.

    Năm 1859, Bưu điện đầu tiên của Pháp được thành lập ở Sài Gòn, để tập trung thư của người Pháp gửi về nước. Mục đích chính là phục vụ cho Bộ chỉ huy đội quân xâm lược. Năm 1885, sau khi đánh chiếm toàn bộ Nam Kỳ và tỉnh Khánh Hòa, thực dân Pháp cho lập Bưu cục Nha Trang. Từ Bưu cục Nha Trang hình thành tuyến đường thư Bưu chính vào Sài Gòn và ra Quy Nhơn, nối liền với Đà Nẵng, Huế. Năm 1913, cùng với việc hoàn thành tuyến đường sắt Sài Gòn - Nha Trang, hệ thống thông tin hữu tuyến Nha Trang - Sài Gòn cũng được khai thông.

    Sau Bưu cục Nha Trang, thực dân Pháp lập một số Bưu cục chi nhánh như Ba Ngòi, Thành (Diên Khánh), Ninh Hòa, Hòn Khói, Giã (Vạn Ninh). Bưu cục Nha Trang là Bưu cục cấp tỉnh lỵ. Các Bưu cục ở Khánh Hòa đều trực thuộc Nha Bưu điện Trung Kỳ, dưới quyền điều khiển của Tổng Giám đốc Bưu điện Đông Dương. Cùng với chức năng thông tin liên lạc, Bưu điện hồi đó còn vận chuyển hàng hóa loại nhẹ. Ngoài công văn, thư, báo, bưu phẩm, bưu kiện thông thường, Bưu điện thời Pháp còn có các dịch vụ chuyển tiền, nhận gửi những hàng quý đắt tiền, kể cả tư trang, vàng bạc, đá quý. Ngân hàng công thương chuyển tiền đến các chủ đồn điền qua Bưu điện.

    Phương tiện vận chuyển của Bưu điện thời Pháp kết hợp cả đi bộ, đi ngựa và đi thuyền. Từ khi có đường ô tô và đường sắt, việc vận chuyển của Bưu điện nhanh hơn và khối lượng nhiều hơn. Xe đạp cũng được đưa vào vận chuyển đường thư của các bưu cục nội hạt. Năm 1929, Pháp lập đường hàng không bưu chính giữa Pháp và Đông Dương. Sau đó, một công ty hàng không đã mở đường bay Nha Trang - Đà Nẵng - Vinh - Hà Nội, việc vận chuyển của Bưu điện qua đường hàng không đã nhanh hơn nhiều lần.

    Về viễn thông, người Pháp đã xây dựng một mạng lưới điện báo, điện thoại hoạt động tương đối ổn định, dù số lượng máy không nhiều, chủ yếu phục vụ việc quản lý nhà nước, khai thác thuộc địa và đàn áp phong trào cách mạng. Mạng điện thoại, điện báo lúc đó chủ yếu truyền dẫn bằng dây kim loại trần, máy nhân công từ thạch. Điện báo dùng máy moorse. Những bức công điện được chuyển đi miễn phí, không hạn chế số chữ và được ưu tiên chuyển phát trước, nhất là những bức điện của Toàn quyền, Khâm sứ, Đốc lý. Nhưng ở nông thôn, trong điều kiện nền kinh tế xã hội nông thôn chưa phát triển và với chính sách “ngu dân”, người Pháp vẫn duy trì hình thức hoạt động của bưu vận từ thời Nguyễn. Đây là hình thức có lợi cho họ.

    Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, anh em công nhân Bưu điện Nha Trang và các bưu cục trong tỉnh phấn khởi cống hiến sức lực và trí tuệ phục vụ chính quyền cách mạng. Khi cuộc kháng chiến chống Pháp nổ ra ở Nha Trang, ngành Bưu điện đã được huy động trực tiếp phục vụ chiến đấu. Mạng lưới thông tin hữu tuyến vừa giữ vững liên lạc Bắc - Nam với các tỉnh bạn vừa phục vụ cho sự chỉ huy của mặt trận. Mạng lưới điện thoại dã chiến gồm 1 tổng đài và 40 máy lẻ với tổng chiều dài đường dây gần 300km và 1 tổ thông tin vận động (chạy bộ) chuyển đạt mệnh lệnh tác chiến, đưa công văn, tài liệu cho các trận địa đã góp phần vào chiến công trên mặt trận Nha Trang suốt 101 ngày đêm bao vây giam chân quân giặc.

VÕ CHÍ TRƯỜNG