10:04, 01/04/2003

Tìm hiểu chính sách kinh tế của triều Nguyễn ở Khánh Hòa nửa đầu thế kỷ XIX

Năm 1817, vua Gia Long cho lập khu dinh điền đầu tiên ở trấn Bình Hòa. Vua Minh Mạng quyết định mở rộng dinh điền ra các tỉnh biên giới, hải đảo như Hà Tiên (1835); Khánh Hòa (1836); đảo Côn Lôn (1840). Năm 1837, Minh Mạng ban hành cách làm ruộng ở dinh điền Khánh Hòa như sau: “Mỗi sở 2 suất đội, 100 biền binh. Vụ cày cấy họp lại cùng làm, xong việc rút về, hiện để 1 suất đội, 30 biền binh dẫn nước vào ruộng, chăn nuôi trâu bò, chốt giữ thú rừng. Đến khi lúa chín lại hợp sức lại thu hoạch, xong việc lại rút về, ruộng để lại 1 suất đội 15 lính canh giữ để làm ruộng, thóc giống và chăn nuôi trâu bò, lính được cấp 1 phương gạo, ở lại thì cấp lương, ai rút về thì thôi”.

Năm 1817, vua Gia Long cho lập khu dinh điền đầu tiên ở trấn Bình Hòa. Vua Minh Mạng quyết định mở rộng dinh điền ra các tỉnh biên giới, hải đảo như Hà Tiên (1835); Khánh Hòa (1836); đảo Côn Lôn (1840). Năm 1837, Minh Mạng ban hành cách làm ruộng ở dinh điền Khánh Hòa như sau: “Mỗi sở 2 suất đội, 100 biền binh. Vụ cày cấy họp lại cùng làm, xong việc rút về, hiện để 1 suất đội, 30 biền binh dẫn nước vào ruộng, chăn nuôi trâu bò, chốt giữ thú rừng. Đến khi lúa chín lại hợp sức lại thu hoạch, xong việc lại rút về, ruộng để lại 1 suất đội 15 lính canh giữ để làm ruộng, thóc giống và chăn nuôi trâu bò, lính được cấp 1 phương gạo, ở lại thì cấp lương, ai rút về thì thôi”.

Bên cạnh hình thức khai hoang do Nhà nước trực tiếp tổ chức, nhà Nguyễn còn cho phép tư nhân đứng ra chiêu mộ dân nghèo tổ chức đi vỡ hoang. Hình thức mộ dân này được thực hiện ở Khánh Hòa vào năm 1855. Để phát huy hết tính năng và tác dụng của các loại đồn điền, dinh điền, các vua triều Nguyễn đã có những quy định nhằm khuyến khích, phát triển sản xuất. Từ năm 1840, Nhà nước còn ban thưởng cho những đồn điền có năng suất, sản lượng cao. Năm 1840 ở Khánh Hòa khẩn được 140 mẫu, thu 2.300 hộc thóc, thưởng 100 quan. Năm 1841, vua Thiệu Trị ra lệnh đem toàn bộ đồn điền 4 tỉnh: Khánh Hòa, Định Tường, Biên Hòa và Sơn Tây cấp cho xã dân làm công điền. Đặc biệt, ở Khánh Hòa còn có một biệt lệ là ưu tiên khen thưởng cho những người có công chiêu mộ dân và tổ chức khẩn hoang ở những vùng có trạm dịch. Những ai mộ được 30 người dân ở những vùng có trạm dịch sẽ được thưởng “Tòng cửu phẩm bá hộ” và làm Lý trưởng, mộ được 30 người sẽ được thưởng “Chánh bát phẩm bá hộ” và lãnh chức Cai tổng.

Công cuộc khẩn hoang ở Khánh Hòa cũng như trong cả nước do nhà Nguyễn thi hành hoàn toàn bị bãi bỏ kể từ khi thực dân Pháp xâm lược nước ta. Tuy nhiên, những chính sách và biện pháp khẩn hoang của nhà Nguyễn trên quy mô cả nước nói chung và Khánh Hòa nói riêng đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần quan trọng vào việc giữ gìn biên giới, mở rộng diện tích canh tác và tăng sản lượng nông nghiệp, giảm bớt gánh nặng cho việc cung cấp tiền gạo khẩn lương cho binh lính, tù phạm và phần nào đã tạo công ăn việc làm cho một lực lượng nghèo khó trong xã hội. Đây là một đóng góp tích cực của nhà Nguyễn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội nước ta trong buổi đầu xây dựng quốc gia thống nhất, độc lập vào nửa đầu thế kỷ XIX.

Song song với công cuộc khẩn hoang mở rộng bờ cõi, nhà Nguyễn ra sức củng cố vương triều bằng việc thắt chặt quản lý đất đai trong cả nước thông qua việc lập sổ địa bạ. Ở Khánh Hòa, đại bạ được lập vào năm Gia Long thứ 10 (1811), đến năm Minh Mạng thứ 11 (1830) được truy dụng.

Địa bạ Khánh Hòa được triều Nguyễn lập rất chi tiết, đầy đủ. Lúc bấy giờ Khánh Hòa có 2 phủ: Bình Hòa (gồm 2 huyện Tân Định và Quảng Phước) và Diên Khánh (gồm 3 huyện: Phước Điềm, Vĩnh Xương và Hoa Châu); 18 tổng (thuộc), 290 làng (trong đó có 15 làng đã mất sổ địa bạ), còn 275 làng thì có 132 xã, 130 thôn, 3 xóm, 3 ấp, 3 lạch, 1 phường, 1 sách. Trong tổng số diện tích đất đai đo được của toàn tỉnh là 16.680 mẫu, 0 sào, 9 thước, 8 tấc thì: Diện tích sử dụng là: 10.728 mẫu, 1 thước, 4 tấc, diện tích không sử dụng là 5.952 mẫu, 0 sào, 8 thước, 9 tấc.

Xuất phát từ đời sống xã hội truyền thống của Việt Nam thời phong kiến còn ít đô thị, nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, xã thôn vừa là cơ sở xã hội vừa là cơ sở chính trị của Nhà nước phong kiến tập quyền, do đó, ngay sau khi nắm quyền, triều Nguyễn đã chú trọng việc đo đạc đất đai, lập sổ địa bạ cho từng thôn xóm để dễ quản lý đất đai trong toàn lãnh thổ, nhằm củng cố vương quyền như Gia Long đã thừa nhận: “Nhà nước là góp làng xã lại mà thành, muốn trị nước thì phải sửa sang công việc làng xã”.

Khác với kinh tế nông nghiệp, kinh tế công thương nghiệp ở Khánh Hòa thời kỳ đầu triều Nguyễn có những bước tiến nhất định. Các nghề thủ công truyền thống phục vụ sản xuất nông nghiệp, hàng tiêu dùng khá phát triển. Ở Diên Khánh có nghề đúc đồng nổi tiếng. Nha Trang có nghề dệt chiếu (Ngọc Hội, Phú Vinh, Vĩnh Điềm), nghề gốm (Lư Cấm), nghề hồ (Ngọc Hội, Vĩnh Hội), nghề vôi (Phương Sơn)… Đặc biệt, Khánh Hòa là tỉnh có nghề cá, nghề buôn bán theo đường sông, đường biển nên nghề đóng tàu thuyền ra đời sớm. Ở xóm Xưởng bên sông Kim Bồng (Nha Trang) có nghề sửa chữa và đóng tàu thuyền từ cuối thế kỷ XVIII, chủ yếu phục vụ cho thương nhân Hoa kiều và ngư dân ở Nha Trang.

Nước ta có quan hệ buôn bán với các nước bên ngoài từ rất sớm. Mặc dù có thành kiến với người phương Tây và thực hiện chính sách “đóng cửa” đối với người phương Tây, các vua đầu triều Nguyễn vẫn giữ thái độ cởi mở với các nước phương Đông.

Thương mại Khánh Hòa, cũng nằm trong bối cảnh chung của cả nước. Bấy giờ ở Khánh Hòa có 14 chợ lớn nhỏ, buôn bán sầm uất. Những chợ này dần dần trở thành các trung tâm buôn bán lớn trong tỉnh. Đặc biệt, chợ Mới Vĩnh Điềm xây dựng vào cuối thế kỷ XVIII đã trở thành một thị cảng và là trung tâm giao thương quốc tế đầu tiên của Khánh Hòa trong suốt thế kỷ XIX. Vĩnh Điềm có quan hệ buôn bán rộng rãi với thương nhân trong nước (Hội An, Đàng ngoài) và ngoài nước (Indonesia, Philippin, Xiêm, Nhật Bản và Trung Hoa). Hàng hóa từ Vĩnh Điềm xuất ra nước ngoài có trầm, kỳ, yến sào, gốm, chiếu cói, nước mắm và gỗ. Hàng nhập từ ngoài vào (chủ yếu là hàng Trung Quốc) gồm thuốc Bắc, tơ lụa, thuốc phiện, lợn ú. Thời kỳ này hệ thống đường sá, cầu cống được Nhà nước quan tâm xây dựng nên việc đi lại, chuyên chở hàng hóa giữa các vùng trong và ngoài tỉnh thuận lợi, dễ dàng hơn.

Khánh Hòa là vùng đất đa dạng về địa hình, khí hậu ôn hòa nên hội đủ mọi điều kiện cho các nghề nông, lâm, ngư nghiệp phát triển. Đặc biệt, nơi đây có những nghề đặc biệt có từ lâu đời. Trầm hương và kỳ nam có nhiều ở hai phủ Bình Khang và Diên Khánh. Triều đình nhà Nguyễn kiểm soát rất chặt chẽ việc khai thác trầm, kỳ. Những người khai thác phải được cơ quan sở tại cấp giấy phép, một nửa sản phẩm phải nộp cho Nhà nước. Hàng năm, Nhà nước còn cử các đội đi khai thác, cứ đến tháng 5 âm lịch thì đi tìm trầm, kỳ; tháng 6 trở về nộp hết sản phẩm cho Nhà nước.

Còn yến sào thì có nhiều ở các hòn đảo ngoài biển như Hòn Chà Là, Hòn Dụm, Hòn Xưởng, Hòn Nuôi, Hòn Hố, Hòn Nội, Hòn Ngoại. Từ xưa, việc khai thác yến sào đều nằm trong tay người Hoa, vì người Việt không đủ khả năng tài chính để đầu tư vốn. Tuy nhiên, Nhà nước vẫn quản lý việc khai thác yến cũng như trầm, kỳ, vì đây là những sản vật quý hiếm và là mặt hàng xuất khẩu có giá trị, đưa lại nguồn lợi rất lớn cho triều đình phong kiến nhà Nguyễn.

THÁI THỊ HOÀN