12:04, 01/04/2003

Quần đảo Trường Sa

Ngay từ khi dựng nước, Việt Nam đã là một nước có biển, nằm bên bờ biển Đông. Do nhu cầu mở rộng địa bàn sinh sống, thời nhà Nguyễn đã không chỉ tiến xuống phía Nam mà còn tiến ra biển Đông.

Ngay từ khi dựng nước, Việt Nam đã là một nước có biển, nằm bên bờ biển Đông. Do nhu cầu mở rộng địa bàn sinh sống, thời nhà Nguyễn đã không chỉ tiến xuống phía Nam mà còn tiến ra biển Đông.
Với những tài liệu hiện còn giữ được, ít nhất từ thế kỷ XVII nhà nước phong kiến Việt Nam đã phát hiện và chiếm hữu cả 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa với cái tên Nôm xa xưa là Bãi Cát Vàng, Hoàng Sa, Đại Trường Sa hay còn gọi là Vạn Lý Trường Sa, trước đó chưa thuộc chủ quyền của bất cứ nước nào. Các nhà hàng hải và truyền giáo phương Tây (Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Pháp…) đều biết đến một vùng quần đảo rộng lớn của Việt Nam nằm ở giữa biển Đông, có nhiều bãi cạn và đá ngầm nguy hiểm cho tàu thuyền. Hầu như tất cả các bản đồ của các nhà hàng hải phương Tây từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII đều vẽ chung quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa làm một dưới cái tên Pracel-Parcel hay Paracel và xác định vị trí khu vực Pracel là ở giữa biển Đông, phía Đông Việt Nam. Nhờ sự phát triển của ngành hàng hải và ngành đo đạc bản đồ biển, sau này người ta mới tách ra hai quần đảo: Pracels và Spratly chính là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Trong nhiều thế kỷ, Nhà nước phong kiến Việt Nam đã nhiều lần tiến hành điều tra khảo sát địa hình, tài nguyên và cả khai thác hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Các sách địa lý và lịch sử của Việt Nam từ thế kỷ XVII đã ghi lại kết quả các cuộc khảo sát và khai thác đó. Các vua Nguyễn không chỉ lo đến chủ quyền và quyền lợi của nước mình ở hai quần đảo mà còn lo bảo đảm an toàn cho tàu thuyền các nước qua lại vùng biển của 2 quần đảo đó. Năm 1833, vua Minh Mệnh bảo Bộ Công rằng: "Trong hải phận Quảng Nghĩa có một dải Hoàng Sa, xa trông trời nước một màu không phân biệt được nông hay sâu. Gần đây thuyền buôn thường bị nạn. Nay nên dự bị thuyền mành đến sang năm sẽ phái người tới đó… trồng nhiều cây cối. Ngày sau cây cối to lớn xanh tốt, người dễ nhận biết, có thể tránh được nạn mắc cạn. Đó cũng là việc lợi muôn đời". Như vậy qua các sách lịch sử, địa lý cổ của Việt Nam cũng như chứng cứ của nhiều nhà hàng hải, từ lâu và liên tục trong mấy trăm năm, từ triều đại này đến triều đại khác, Nhà nước Việt Nam đã làm chủ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Sự có mặt đều đặn của các đội Hoàng Sa do Nhà nước phong kiến thành lập trên hai quần đảo đó mỗi năm từ 5 đến 6 tháng để hoàn thành nhiệm vụ do Nhà nước giao, tự nó đã là một bằng chứng đanh thép về chủ quyền. Việc chiếm hữu và khai thác của Nhà nước Việt Nam không bao giờ gặp phải sự phản đối của một quốc gia nào khác, điều đó càng chứng tỏ từ lâu hai quần đảo đã thuộc lãnh thổ Việt Nam.

Từ khi ký với triều đình nhà Nguyễn Hiệp ước 6-6-1884, Pháp đã đại diện quyền lợi của Việt Nam trong quan hệ đối ngoại cũng như trong việc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, tiếp tục thực hiện chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Từ 13-4-1930 đến 12-4-1933, Chính phủ Pháp đã cử các đơn vị hải quân lần lượt ra đóng ở các đảo chính trong quần đảo Trường Sa: đảo Trường Sa, An Bang, Jtu Aba, nhóm Song Tử, Loại Ta, Thị Tứ.

Ngày 21-12-1933, Thống đốc Nam kỳ M.J.Krautheimer ký Nghị định sáp nhập các đảo Trường Sa, An Bang, Jtu Aba, nhóm Song Tử, Loại Ta và Thị Tứ vào địa phận tỉnh Bà Rịa.

Năm 1938, Pháp xây dựng trạm khí tượng, đài vô tuyến điện ở đảo Jtu Aba trong quần đảo Trường Sa. Suốt trong thời gian đại diện cho Việt Nam, về mặt đối ngoại, Pháp luôn luôn khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và phản kháng những hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam ở hai quần đảo đó, mà điển hình là ngày 24-7-1933, Pháp thông báo cho Nhật việc Pháp đưa quân ra đóng ở các đảo chính trong quần đảo Trường Sa, Nhật có phản kháng nhưng Pháp đã bác bỏ sự phản kháng đó của Nhật. Sáu năm sau đó, ngày 4-4-1939 Pháp lại phản kháng Nhật đặt một số đảo trong quần đảo Trường Sa thuộc quyền tài phán của Nhật.

Sau chiến tranh thế giới thứ II, ngày 7-9-1951, trưởng đoàn đại biểu của Chính phủ Bảo Đại Trần Văn Hữu tuyến bố tại Hội nghị San Francisco về việc ký hòa ước với Nhật Bản rằng "… chúng tôi khẳng định chủ quyền đã có từ lâu đời của chúng tôi đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa". Tuyên bố đó không gặp sự chống đối hoặc bảo lưu nào của đại diện 51 quốc gia tham dự Hội nghị. Năm 1956, sau khi Pháp rút quân về nước, lực lượng hải quân của chính quyền Sài Gòn tiếp quản các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Cũng tháng 10 năm đó, chính quyền Sài Gòn đặt quần đảo Trường Sa trực thuộc tỉnh Phước Tuy và sau đó đã lần lượt cho xây bia quần đảo Trường Sa như An Bang, Song Tử Tây, Song Tử Đông, Thị Tứ, Loại Ta. Tháng 7-1973, Viện Khảo cứu nông nghiệp thuộc Bộ Phát triển nông nghiệp và Điền địa Sài Gòn tiến hành khảo sát đảo Nam Yết thuộc quần đảo Trường Sa. Ngày 6-9-1973, chính quyền Sài Gòn sáp nhập các đảo Trường Sa, An Bang, Jtu Aba, Song Tử Đông, Song Tử Tây, Loại Ta, Thị Tứ, Nam Yết, Sinh Tồn và các đảo phụ cận trên quần đảo Trường Sa vào xã Phước Hải, quận Đất Đỏ, tỉnh Phước Tuy. Ngày 5 và 6-5-1975, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam thông báo việc giải phóng các đảo ở quần đảo Trường Sa do quân đội Sài Gòn đóng giữ.

Sau khi đất nước thống nhất, Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam luôn luôn lên tiếng khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tại các diễn đàn quốc tế bằng luận cứ đanh thép rằng: Việt Nam đã chiếm hữu thật sự hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ít ra từ thế kỷ XVII, khi nó chưa thuộc chủ quyền của bất cứ quốc gia nào và Nhà nước Việt Nam đã thực hiện chủ quyền của mình một cách liên tục và hòa bình.

Quần đảo Trường Sa là một dãy hơn 100 đảo nhỏ, bãi ngầm, bãi đá san hô nằm lập lờ hoặc nhô lên khỏi mặt nước, khi thủy triều xuống thấp, bao bọc một vùng biển rộng ước chừng 160.000 đến 180.000km2. Quần đảo Trường Sa được chia làm 8 cụm: cụm Song Tử, Loại Ta, Thị Tứ, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa, Thám Hiểm và Bình Nguyên. Trong quần đảo Trường Sa, đảo cao nhất là Song Tử Tây, ở phía Bắc quần đảo, cao khoảng 4 - 6m. Khi thủy triều thấp nhất, đảo nằm xa nhất về cực Nam là đảo Sác Lốt. Đảo lớn nhất là đảo Ba Bình (khoảng 0,6km2), sau đó đến đảo Nam Yết (0,5km2), còn lại là các đảo nhỏ hơn. Khoảng cách giữa các đảo cũng khác nhau, gần nhất từ Song Tử Đông đến Song Tử Tây khoảng 1,5 hải lý, xa nhất từ Song Tử Tây đến đảo An Bang khoảng 280 hải lý.

Xa xưa, quần đảo Trường Sa là một đơn vị hành chính thuộc tỉnh Bà Rịa. Năm 1956 thuộc tỉnh Phước Tuy. Năm 1973 được sáp nhập vào xã Phước Hải, quận Đất Đỏ, tỉnh Phước Tuy. Sau khi thống nhất đất nước, ngày 9-12-1982, Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quyết định quần đảo Trường Sa thành huyện Trường Sa thuộc tỉnh Đồng Nai. Ngày 28-12-1982, Nghị quyết của Quốc hội khóa VII sáp nhập huyện Trường Sa vào tỉnh Phú Khánh. Ngày 1-7-1989, tỉnh Phú Khánh được tách ra  thành 2 tỉnh: Phú Yên và Khánh Hòa, huyện đảo Trường Sa trực thuộc tỉnh Khánh Hòa.

Nằm trải dọc theo bờ biển Việt Nam, bảo vệ sườn phía Đông của Tổ quốc, quần đảo Trường Sa là vị trí tiền tiêu, là lá chắn rất quan trọng bao quanh vùng biển và dải bờ biển Việt Nam. Từ nhiều thế kỷ trước cho đến nay, ông cha ta đã nhận thức được tầm chiến lược quan trọng của quần đảo đối với an ninh của đất nước, đã liên tục thực hiện chủ quyền của mình trong việc quản lý, bảo vệ, khai thác quần đảo vì mục tiêu dân sự. Quần đảo Trường Sa rõ ràng là phần lãnh thổ của dân tộc Việt Nam, đã, đang và mãi mãi có ý nghĩa chiến lược to lớn và tầm quan trọng đặc biệt đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

NGUYỄN LÊ ĐÌNH THỐNG