03:04, 01/04/2003

Phong trào chống Pháp của nhân dân Khánh Hòa cuối thế kỷ XIX (1885 - 1886)

Trên đường 23-10 từ TP. Nha Trang lên thị trấn Diên Khánh, ngay sát địa điểm Cây Dầu đôi thuộc thôn Phú Ân Nam, xã Diên An, huyện Diên Khánh có một ngôi miếu nhỏ đơn sơ, nằm sát đường, mặt quay về phía Nam, được nhân dân gọi là Miếu thờ Trịnh Phong. Miếu được tạo dựng từ khoảng giữa thế kỷ XIX, lúc đầu chỉ là một am nhỏ, sau nhiều lần trùng tu, tôn tạo đến nay đã trở nên khang trang hơn.

    Trên đường 23-10 từ TP. Nha Trang lên thị trấn Diên Khánh, ngay sát địa điểm Cây Dầu đôi thuộc thôn Phú Ân Nam, xã Diên An, huyện Diên Khánh có một ngôi miếu nhỏ đơn sơ, nằm sát đường, mặt quay về phía Nam, được nhân dân gọi là Miếu thờ Trịnh Phong. Miếu được tạo dựng từ khoảng giữa thế kỷ XIX, lúc đầu chỉ là một am nhỏ, sau nhiều lần trùng tu, tôn tạo đến nay đã trở nên khang trang hơn. Trước đây, mái của miếu được lợp ngói âm dương, sau nhiều lần nâng cấp đến nay miếu có kiểu dáng như phần nhiều những ngôi đền miếu truyền thống ở Khánh Hòa (KH). Dẫu có quy mô nhỏ bé song ngôi miếu này lại có vị trí thật đặc biệt trong lòng người dân KH bởi đây là nơi thờ Bình Tây đại tướng Trịnh Phong, người con ưu tú của quê hương đã anh dũng hy sinh trong phong trào yêu nước chống Pháp cuối thế kỷ XIX. Đến nay, Miếu Trịnh Phong đã được Nhà nước quyết định công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.

    Trịnh Phong sinh ra và lớn lên tại thôn Phú Vinh, xã Vĩnh Thạnh, TP. Nha Trang, tỉnh KH. Đến nay, chúng ta không có tư liệu chính thức về thân thế và sự nghiệp của ông một cách đầy đủ, song chắc chắn rằng khi vua Hàm Nghi xuống chiếu Cần vương (tháng 8-1885) thì ông đang là một vị quan của triều đình (tài liệu của Pháp có ghi rằng ông giữ chức Đề lại), đóng ở thành Diên Khánh. Vốn là người tài đức, lại kết giao rộng rãi với những người cùng chí hướng, bởi vậy ngay sau khi cờ nghĩa dựng lên đã được đông đảo các tầng lớp nhân dân cũng như đội ngũ trí thức KH cùng hưởng ứng, quy tụ dưới lá cờ của “Bình Tây đại tướng”.

    Tham gia phong trào trong những ngày đầu còn có các ông Nguyễn Khanh, Nguyễn Dị, Nguyễn Lương, Lê Thiện Kế, Lê Thiện Thuật, Nguyễn Trung Mưu, Lê Nghị… ở Nha Trang và Diên Khánh; Trần Đường, Phạm Chánh, Nguyễn Sum, Phạm Long ở Vạn Ninh… đều là những người tài giỏi, có uy tín lớn trong nhân dân. Sau lễ tế cờ tại Xuân Sơn, nghĩa quân KH tuyên bố không phục tùng chính quyền Đồng Khánh (tay sai của Pháp) mà vẫn ủng hộ vua Hàm Nghi, phát động phong trào Cần vương chống Pháp. Bộ chỉ huy đã khẩn trương xây dựng lực lượng, tổ chức chiêu mộ và luyện tập quân sĩ, triển khai hệ thống bố phòng tại những nơi hiểm yếu trong tỉnh, đóng đồn binh ở cửa sông Cái, Thủy Xưởng, hòn Đá Lố (Nha Trang), đèo Rọ Tượng, cửa biển Hòn Khói (Ninh Hòa)… nhằm ngăn chặn không cho Pháp đổ bộ. Sau khi chiếm thành Diên Khánh (14-12-1885), Bộ chỉ huy đã thành lập phân khu Nam (Nha Trang, Diên Khánh) do Trịnh Phong trực tiếp chỉ huy và phân khu Bắc (Vạn Ninh, Ninh Hòa) do Tổng trấn Trần Đường lãnh đạo. Việc tổ chức bố phòng mặt Nam tỉnh (khu vực Cam Ranh) do Bình Tây phó tướng Nguyễn Trung Mưu chỉ huy. Việc điều động binh lương giao cho Tán tương quân vụ Nguyễn Khanh quản lý.

    Trước sự phát triển nhanh chóng của các lực lượng yêu nước ở Nam Trung bộ, thực dân Pháp rất lo sợ nên đã tập trung quân để chuẩn bị tấn công. Ngày 5-7-1886, đội quân viễn chinh đổ bộ lên Phan Rí và đến cuối tháng 7-1886 thì chiếm xong Bình Thuận. Đầu tháng 8-1886, quân viễn chinh Pháp do đại úy Lhermitte chỉ huy với các loại vũ khí hạng nặng như sơn pháo 80, đội quân đánh thuê hơn 300 tên, được trang bị bằng súng Grass do Trần Bá Lộc (Phủ Lộc), một tên ác ôn khét tiếng và có nhiều nợ máu với nhân dân Nam Kỳ chỉ huy, đặt dưới quyền của tên Công sứ người Pháp E.Aymonier, bằng đường bộ và đường thủy tiến ra KH.

    Nghĩa quân KH đã chiến đấu kiên cường, dựa vào hệ thống bố phòng có sẵn, đồng thời được nhân dân hết lòng giúp đỡ, nên cho dù chỉ với vũ khí thô sơ như giáo, mác, súng cò mổ, một số ít súng thần công… đã gây cho địch nhiều tổn thất tại Thủy Xưởng, hòn Đá Lố, thành Diên Khánh, Dốc Thị. Hiện nay ở Hòn Khói vẫn còn địa danh Đồng Cháy, lưu truyền là địa điểm quân ta đã tổ chức phục kích, dùng hỏa công thiêu cháy một số quân địch khi chúng đổ bộ từ biển Hòn Khói lên.

    Dựa vào vũ khí hiện đại, đồng thời sử dụng những biện pháp khủng bố dã man như đốt trụi nhà cửa, giết sạch dân làng từ già đến trẻ, phạt tiền rất nặng những làng có người tham gia kháng chiến, kết hợp với thủ đoạn mua chuộc… khiến cho phong trào kháng chiến ngày một khó khăn. Sau khi thành Diên Khánh bị thất thủ, Trịnh Phong đã chuyển hầu hết nghĩa binh rút lui về phía Bắc, một bộ phận lớn lên núi Hòn Hèo tiếp tục kháng chiến. Trải qua một số trận đánh, lực lượng nghĩa quân ngày càng bị tổn thất, nhiều tướng lĩnh sa vào tay giặc và đến cuối tháng 8-1886 Trịnh Phong cũng bị giặt bắt. Biết rằng không thể mua chuộc được người anh hùng, thực dân Pháp đã hèn hạ xử trảm ông cùng một số đồng chí của ông để uy hiếp tinh thần yêu nước của nhân dân tại Hòn Khói (11-9-1886). Cùng lúc đó, người bạn chiến đấu thân thiết của ông, Tổng trấn Trần Đường cũng đã hiên ngang đón nhận cái chết để cứu dân làng. Một số nghĩa binh đã rút ra Phú Yên tiếp tục sát cánh chiến đấu cùng nghĩa quân của Lê Thành Phương.

    Sau cái chết oanh liệt của Trịnh Phong, nhân dân vô cùng thương tiếc và nhiều câu chuyện mang tính huyền thoại đã được lưu truyền để khẳng định đức độ và sự linh thiêng của ông. Chính vì vậy, miếu Cây Dầu đôi được coi là nơi quân giặc đã treo đầu ông để thị uy dân chúng. Có thể đây là một hình thức mà nhân dân KH “hợp thức hóa” việc thờ cúng cho ông dưới thời Pháp thuộc.

    Hiện nay, phần mộ của Trịnh Phong được đặt ngay trong khuôn viên của dòng họ tại thôn Phú Vinh, xã Vĩnh Thạnh, TP. Nha Trang. Còn ở thôn Vạn Lương, huyện Vạn Ninh, trong khuôn viên một ngôi chùa nhỏ là nơi an nghỉ của Trần Đường. Nhân dịp kỷ niệm Khánh Hòa 350 năm, tỉnh đã đầu tư để xây dựng, nâng cấp khu mộ của hai ông ngày một khang trang hơn; Đồng thời tên của hai ông đã được đặt cho hai đường phố lớn ở TP. Nha Trang.

Tiến sĩ NGUYỄN CÔNG BẰNG