09:04, 07/04/2003

Lưới đăng - Nghề biển truyền thống của Khánh Hòa

Khánh Hòa có khoảng 385km đường bờ biển (chưa kể các đảo quần đảo Trường Sa). Do núi lấn ra biển và tác động xâm thực của sóng biển, nên đây là đoạn bờ biển rất khúc khuỷu, lồi lõm với nhiều bán đảo, nhiều mũi đá, nhiều bãi triều, bãi cát, đầm, vũng, vịnh, đảo nhỏ ven bờ. Chính những vùng nước đầm, vũng, vịnh, gành đảo ấy là địa điểm lý tưởng cho nghề lưới đăng hoạt động. Biển Khánh Hòa còn là nơi giao thoa của hai dòng hải lưu nóng, lạnh thích hợp cho sự phát triển của các loài thực vật, sinh vật phù du, trở thành nguồn thức ăn dồi dào quyến rũ...

Hàng năm, từ tháng Chạp đến tháng 5 âm lịch, các loài cá khơi có giá trị kinh tế cao như cá thu, cá ngừ, cá bò từ vùng biển phía Nam di cư lên phía Bắc thường đi dọc theo chân các gành đảo trong lộng. Nắm bắt được đặc điểm này, cách đây trên 200 năm, ngư dân thuộc hải phận Khánh Hòa đã phát kiến ra một phương pháp đánh bắt vô cùng độc đáo: nghề lưới đăng. Nghề này có quy mô lớn, lao động nhiều, sản lượng cao - lại chủ yếu là cá ngon nhưng không phải di chuyển giàn lưới mà chỉ cắm, đón lõng ở những nơi cố định chờ cá đến.

Niềm vui được mùa.

Khánh Hòa có khoảng 385km đường bờ biển (chưa kể các đảo quần đảo Trường Sa). Do núi lấn ra biển và tác động xâm thực của sóng biển, nên đây là đoạn bờ biển rất khúc khuỷu, lồi lõm với nhiều bán đảo, nhiều mũi đá, nhiều bãi triều, bãi cát, đầm, vũng, vịnh, đảo nhỏ ven bờ. Chính những vùng nước đầm, vũng, vịnh, gành đảo ấy là địa điểm lý tưởng cho nghề lưới đăng hoạt động. Biển Khánh Hòa còn là nơi giao thoa của hai dòng hải lưu nóng, lạnh thích hợp cho sự phát triển của các loài thực vật, sinh vật phù du, trở thành nguồn thức ăn dồi dào quyến rũ các đàn cá di cư đại dương áp sát vào ngư trường. Cuối tháng 11 âm lịch, từng đàn cá thu, cá ngừ, cá ồ, cá chù, cá bò, cá cờ… từ vùng biển phía Nam theo dòng nước bắt đầu di chuyển ra Bắc, ngư dân gọi là mùa cá lên. Đến cuối tháng 4, cá từ miền Bắc trở vô Nam, ngư dân gọi là mùa cá lại. Trong lúc di chuyển, đàn cá gặp vách núi của đảo hay bán đảo nhô ra biển thì chạy dọc theo gành. Chính từ đặc điểm này mà hàng trăm năm trước ở Khánh Hòa đã phát sinh nghề lưới đăng, một phương pháp đánh bắt cá độc đáo, riêng biệt, có thể nói là đặc trưng của vùng duyên hải Nam Trung bộ.

TÌM VỀ NGUỒN CỘI

Cách đất liền chừng 15 hải lý về phía Đông, Bích Đầm là làng đảo nằm xa bờ nhất trong số gần chục làng đảo của TP. Nha Trang. Làng nằm trên một doi đất phía Tây núi Hồng thuộc đảo Hòn Tre. Doi đất này bọc lấy một đầm nước quanh năm trong xanh như ngọc bích. Làng Bích Đầm có trên 200 hộ, hơn một ngàn dân, là làng biển chuyên nghề lưới đăng lâu đời nhất ở Khánh Hòa. Gia phả, địa bạ còn lưu giữ được tại làng ghi rằng, vào năm Gia Long thứ 7 (1809), cụ tổ Trương Văn Cõi (quê quán ở Bình Định) đã đến khai phá vùng đảo này - lúc bấy giờ còn tên tục là đầm Môn bãi Tre xứ - và sinh sống chủ yếu bằng nghề khai thác đầm đăng. Đến đời Tự Đức, làng mới có tên trong sổ bộ là Bích Đàm, (thuộc tổng Xương Hà, huyện Vĩnh Xương, phủ Diên Khánh), sau dân gọi chệch thành Bích Đầm. Từ đó những đầm đăng quanh hòn Lớn, hòn Tre được đem ra khoán lãnh, mỗi sở đầm lớn nhỏ đóng thuế từ hai, ba chục đến trên cả trăm quan. Cụ Cõi không có tiền nộp mới tìm ra đầm mới là Hòn Xưởng. Luật lệ thời đó cho phép người có công khai phá đầm được quyền khai thác và hưởng trọn lợi tức trong ba năm đầu, sau đó đầm được sung công. Đến đời con cụ Cõi là cụ Trương Cai có công khai phá đầm Hòn Mun, ba năm sau lại tìm thêm được đầm Thạch Dự - Bút Chữ. Sau đó cũng chính cụ Cai đã khai phá các sở đầm Mai Thọ, Lỗ Trại, Chính Đầm và Phụ Đầm.

Ngoài Bích Đầm, làng đảo Khải Lương thuộc huyện Vạn Ninh cũng là một trong những làng lưới đăng đầu tiên của Khánh Hòa. Theo truyền khẩu của các lão ngư và qua văn tế cúng đình ở Khải Lương thì cách đây trên hai thế kỷ, những bậc tiền hiền của họ từ Bình Định di cư vào Nam đến mũi Ghềnh thuộc vùng Ninh Đảo nằm trong vịnh Vân Phong thì dừng lại lập làng, lập bến. Sở đăng đầu tiên mà những cụ tổ đã tìm ra là đầm Tiểu Càng Suối Châu (tức Bãi Giếng), sau đó là các đầm Nghi Phong Diêu Chữ (tức Bãi Giầm), Vĩnh Trích Đá Dựng (tức Bãi Giáng). Hồi đó nghề đăng còn phôi thai, ngư cụ hết sức thô sơ. Lưới đăng đan bằng vỏ cây mấu lấy trên rừng đem về ngâm nước, đạp tơi ra, tước thành sợi nhỏ rồi đánh thành nhợ. Từ lưới đến dây, phao ganh, neo chằng đều làm bằng vật liệu tự tạo như thế nên không được bền chắc, mỗi mùa chỉ dùng được đôi ba tháng. Kỹ thuật đánh bắt cũng rất đơn giản. Người ta buộc dây từ gành ra khơi một quãng dài, trên dây buộc lòng thòng xuống nước các thứ cây, rong biển hay các cành khô để chắn cá. Bầy cá di chuyển tới đó, gặp chướng ngại vật phải vòng ra xa, mấy chiếc ghe câu đã thả lưới chờ sẵn, gặp bầy cá tới là họ cứ việc đứng ở mũi ghe kéo hai đầu lưới lên như kéo rớ.

Dần dần, lưới đăng phát triển thành một đại hải nghệ, có năng suất và lợi tức cao nhất trong ngành ngư nghiệp của tỉnh Khánh Hòa. Vì mỗi năm chỉ làm một mùa 5 hoặc 6 tháng, khả năng thu hoạch cao là trong hai tháng 3 và 4 âm lịch; hơn nữa, do giăng lưới cố định, không thể đang giữa mùa di chuyển đến nơi khác (vì đầm nào cũng có chủ). Ngư dân đặt hết hy vọng vào sự độ trì của các vị thần linh biển cả, nên việc thờ phụng cúng kiếng từ khi dọn nghề đến ngày mãn mùa là vấn đề sinh tử. Đó là các lễ: cúng Ráp Xương Quẹo, cúng Tổ Nghề, cúng Tết Thuyền, cúng Khai Sơn Khai Lạch, cúng Kết Gang, cúng Ra Mắt, cúng Lịch Y, cúng Dàng, cúng Cầu Ngư, cúng Mừng Rau, cúng Hạ Đăng, cúng Tạ. Đến 1975, nghề lưới đăng đã tổ chức thành tập đoàn rồi hợp tác xã với các thế hệ ngư dân mới, việc cúng kiếng theo cổ lệ tại các sở đầm chỉ còn thực hiện đơn giản.

MỘT NGHỀ TRUYỀN THỐNG

Trải qua thời gian, lưới đăng đã trở thành một nghề truyền thống ở Khánh Hòa. Ngày nay, tuy có cải tiến lên nhiều nhưng phương pháp hành nghề vẫn căn bản theo lối cổ truyền. Dụng cụ lưới đăng gồm có: a) 1 thuyền đăng, 1 thuyền neo lo việc thả lưới, kéo lưới; b) 1 xuồng sai dùng để chỉnh neo, sửa nạp và đi lại liên lạc; c) 1 hoặc 2 ghe phiên lo việc chuyên chở cá về bến; d) 1 giàn nghề gồm 5 giàn lưới khác nhau là lưới lưng, lưới rọ, lưới tráng, lưới hom, lưới bửng, đó là chưa kể tới giàn lưới rút để sẵn trên thuyền. Để giăng, người ta phải kết bè, trải nạp trên mặt, giằng chì dưới đáy và thả nhiều neo để giữ giàn lưới đứng vững. Chi phí cho toàn bộ một giàn nghề lớn có đến vài trăm lượng vàng. Tại địa điểm cố định của sở đầm, giàn lưới lưng được giăng từ chỗ kết gang (hòn đá nơi gành) ra đến thuyền đăng chừng 300m, nhằm chặn đường cá đi, kế đó dùng lưới rọ, lưới tráng kéo từ thuyền đăng vòng đến bè cái, bè dọc, lại từ bè dọc kéo lưới hom đi ngược về phía đảo. Mặt khác, từ neo thứ mười phía lưới lưng đặt một giàn lưới bửng kéo chênh chếch theo một góc hình tam giác thẳng đến đầu lưới hom, có chừa một khoảng trống cho cá đi vào rọ. Cá chạy dọc chân gành, thấy lưới thì khựng lại, vây quanh giằng rồi từ từ kéo ra, chạy gần như song song với giàn lưới lưng, kế đó cá gặp giàn lưới bửng và lưới hom bố trí như một cái hom hình chữ Y thắt lại ở đáy. Một người coi nước lội phía ngoài rọ lưới để canh chừng hướng cá di chuyển, khi thấy cá đã vào rọ thì báo hiệu cho trên thuyền đóng cửa bửng nhốt cá lại, thả lưới rút xuống. Cá bị kẹt trong rọ cứ chạy xoay vòng tập trung vào giữa. Đến lúc bắt đầu nhổ lưới thì cả bốn mặt đều được bao kín. Vòng lưới cứ hẹp dần, cá dồn hết xuống đáy. Gặp đàn cá dày, người ta phải gạn lên từ từ, các loại cá dài thì dùng khấu khấu lên, cá tròn thì dùng vợt xúc lên. Mỗi người một phận sự, tất cả theo sự phân công và chỉ đạo của người chèo dọc.

So với một số nghề thủy sản khác, lưới đăng độc đáo ở chỗ nó không có một phương án đánh bắt cứng nhắc mà tùy theo đường nước, người chèo dọc phải đưa ra phương án cụ thể cho từng giác lưới. Nhìn chung, hoạt động của thuyền đăng, thuyền neo là cứ tới tới, lui lui, thả giàn lưới rút xuống, xông lên khóa mũi, nhổ hòn đồi, nhổ lưới dồn cá vào đáy. Nhưng thật ra kỹ thuật rất chi ly, và nếu người chỉ huy đưa ra phương án sai thì không những không đánh được cá mà còn có khi bứt neo, bứt nạp, lưới rối đóng cục lại. Đại thể có 3 phương án chính: 1) Đi tới (đây là cách thông thường khi nước êm); 2) Đi xây (khi con nước ngoài biển chảy vô); 3) Đi tráng đông (khi con nước từ trong gành chảy ra).

Lưới đăng là lưới đứng, hành nghề tại những địa điểm cố định gọi là sở đầm hoặc đầm đăng. Trước đây toàn tỉnh có trên 40 sở đầm đăng, phân bố đều khắp từ mũi Đại Lãnh đến vịnh Cam Ranh với các tên gọi rất văn hoa, chẳng hạn Thạch Trụ Bãi Đế (tức hòn Nọc), Xưởng Dự Táo Chỉ (tức hòn Xưởng), Lam Dự Châu Dự (tức hòn Mun)… Lệ xưa, lưới đăng mỗi năm chỉ làm một mùa cá lên, sau đó cúng tạ và ăn Tết Đoan Ngọ. Dần dần ngư dân bỏ lệ cũ, nhiều sở đầm đánh bắt cả hai vụ cá lên và cá lại. Ngày nay, ngoài tình trạng bị bao vây bởi các nghề cản khơi, giã cào, vây rút chì, mành chong pha xúc…, còn phải kể đến những biến đổi bất thường của thời tiết và sự cạn kiệt của nguồn lợi thủy sản ven bờ. Toàn tỉnh chỉ còn hơn chục sở đầm (thuộc huyện Vạn Ninh và TP. Nha Trang) hoạt động.

NGUYỄN VIẾT TRUNG