02:04, 01/04/2003

Lịch sử làng Vĩnh Điềm

Vĩnh Điềm Hạ là một trong những làng cổ ở Nha Trang cần được nghiên cứu. Tuy nhiên, những tài liệu về làng, xóm, nguồn gốc tộc họ, việc lập đình hầu như không còn. Cùng với thời gian, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, những nguồn thư tịch về làng Vĩnh Điềm cũng như nhiều làng khác còn lại rất hiếm hoi.

Vĩnh Điềm Hạ là một trong những làng cổ ở Nha Trang cần được nghiên cứu. Tuy nhiên, những tài liệu về làng, xóm, nguồn gốc tộc họ, việc lập đình hầu như không còn. Cùng với thời gian, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, những nguồn thư tịch về làng Vĩnh Điềm cũng như nhiều làng khác còn lại rất hiếm hoi.

Theo bản báo cáo của vị trưởng phường Ngọc Hiệp gửi Tòa Thị chính Nha Trang về nguồn gốc của các làng trực thuộc sau khi thành lập phường (8-3-1972) thì “làng Vĩnh Điềm xưa kia là khu vực đầm lầy hoang vu có diện tích trên 200 ha, được xác định từ Hòn Trại Thủy đến Thành Diên Khánh qua giáp Đồng Bò và Nam núi Sạn. Năm 1792, tướng Tây Sơn là Trần Quang Diệu lập căn cứ Hải quân, đại bản doanh đóng ở Hòn Trại Thủy, do đó ngày nay có tục gọi là Thủy Xưởng. Riêng khu vực làng Vĩnh Điềm có thuận lợi về giao thông, sông Kim Bồng lúc đó rất lớn, thuyền buôn nước ngoài có thể qua lại trên sông Kim Bồng dễ dàng. Như vậy, theo tài liệu này thì làng và đình Vĩnh Điềm được lập vào cuối thế kỷ XVIII, có nghĩa là làng Vĩnh Điềm có cách đây hơn 200 năm. Đây là một trong những làng cổ nhất ở Nha Trang.

Cuốn “Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn - tỉnh Khánh Hòa” của nhà sử học Nguyễn Đình Đầu cho biết:

- Thời kỳ 1810 - 1830, vùng đất này có tên là xã Vĩnh An. Xã Vĩnh An có 3 xứ: Tây An, Trung An và Đông An.

- Địa bạ trấn Bình Hòa được triều Nguyễn lập năm 1811. Đến năm 1831, vua Minh Mạng đổi trấn Bình Hòa thành tỉnh Khánh Hòa và cho đo đạc lại ruộng đất.

- Cuộc cải cách hành chính thời vua Minh Mạng năm 1831 đã đổi tên xã Vĩnh An thành xã Vĩnh Điềm, xứ Tây An thành ấp Vĩnh Điềm Thượng, xứ Trung An thành Vĩnh Điềm Trung và xứ Đông An thành Vĩnh Điềm Hạ.

Năm 1970, chính quyền Sài Gòn đổi xã Vĩnh Điềm thành xã Vĩnh Hiệp, nhưng lại tách Vĩnh Điềm Hạ ra khỏi Vĩnh Hiệp, lấy Vĩnh Điềm Hạ nhập vào các ấp Ngọc Hội, Lư Cấm, Ngọc Thảo (xã Vĩnh Ngọc), ấp Vĩnh Xuân (xã Vĩnh Thái) và xã Vĩnh Phước, Vĩnh Hải thuộc quận Vĩnh Xương để lập thị xã Nha Trang.

Như trên đã nói, làng Vĩnh Điềm có 3 địa danh: Vĩnh Điềm Thượng là một ấp (thôn) của làng Vĩnh Điềm, nằm cách chợ Mới 4km về phía Tây. Vĩnh Điềm Trung nằm giữa Vĩnh Điềm Thượng và Vĩnh Điềm Hạ, nay là vùng nằm sát phía trên đường sắt Bắc Nam. Cả hai thôn này đều nằm trên trục đường bộ lên Diên Khánh và hiện nay cả hai thôn đều thuộc Vĩnh Hiệp.

Riêng Vĩnh Điềm Hạ, nằm phía Đông Vĩnh Điềm Trung, địa danh này được nhắc đến nhiều nhất bởi bề dày lịch sử của nó. Do điều kiện tự nhiên thuận lợi, Vĩnh Điềm Hạ phát triển thành trung tâm thương mại, nơi giao thương quốc tế ở Nha Trang và dần dần gia nhập vào quá trình đô thị hóa ở Nha Trang, nay là một bộ phận quan trọng của phường Ngọc Hiệp.
Là vùng đất trũng thấp, Vĩnh Điềm Hạ thường xuyên bị ngập lụt về mùa mưa. Con sông Kim Bồng bắt nguồn từ Suối Dầu, Diên Khánh men theo chân núi Đồng Bò (Vĩnh Thái) chảy qua phía Nam Vĩnh Điềm Hạ gặp con sông Cái ở phía hạ lưu rồi đổ ra cửa biển Nha Trang. Phía Bắc của Vĩnh Điềm Hạ là sông Bà Vệ trước đây là một nhánh của con sông Cái, bắt nguồn từ Xuân Lạc (xã Vĩnh Ngọc) đi xuyên qua đường sắt xuống Vĩnh Điềm Hạ qua cầu Bà Vệ rồi nhập với sông Kim Bồng tại Lò Vôi ở phường Phương Sơn chảy ra sông Cái. Sau này, do phù sa của sông Cái và quá trình phát triển cư dân nên nguồn của sông Bà Vệ bị bít lại tại Xuân Lạc, nay nó không còn là nhánh của sông Cái nữa. Hiện nay chỉ khi có nước lụt thì nước hai con sông này mới dâng cao làm ngập làng Vĩnh Điềm Hạ. Cả hai con sông này đều là sông nước lợ, lòng sông nhỏ hẹp và cạn, dừa nước và cói lác mọc um tùm, không còn vai trò giao thương buôn bán như xưa nữa.

Ngay từ khi mới lập làng, cư dân ở Vĩnh Điềm Hạ còn thưa thớt. Ban đầu chỉ có 3 xóm nhỏ là xóm Lá, xóm Kim Bồng và xóm Nhà xe. Những xóm trên dần dần phát triển, cư dân đông đúc, các nghề thủ công như chiếu cói, vôi, thợ hồ, buôn bán phát triển nhưng đất đai nhỏ hẹp nên nghề nông không phát triển. Như vậy, khác với Vĩnh Điềm Thượng và Vĩnh Điềm Trung là hai vùng có nghề nông phát triển, còn Vĩnh Điềm Hạ lại phát triển thành thị tứ của khu vực Nha Trang suốt thế kỷ XIX.
Riêng về ngôi đình làng Vĩnh Điềm, theo các bậc cao niên thì nguyên trước đây cất ở Vĩnh Điềm Thượng. Vĩnh Điềm Thượng là một trong 3 ấp của làng Vĩnh Điềm. Phần đuôi của Vĩnh Điềm Thượng giáp với Ga Phú Vinh. Ngay trên phần đất sát Ga Phú Vinh gần cây đa Quán Giếng (vì trước đây có một cây đa, một cái quán và một cái giếng nên có tên gọi như thế) xưa kia người dân có xây một cái Miếu thờ Bà Thiên Y Ana. Ở sát chân miếu có một ngọn nước từ phía trên chảy xuống, mùa lụt nước làm xói lở đất xung quanh nên có nguy cơ làm sập nền Miếu Bà. Vì lý do đó, dân làng đã dời Miếu bà lên nơi đình làng ở Vĩnh Điềm Thượng, còn đình làng ở Vĩnh Điềm Thượng lại được dời về gần chợ Mới ở Vĩnh Điềm Hạ như hiện đang tồn tại. Miếu Bà ngày nay nằm ngay trên nền đất đình xưa ở Vĩnh Điềm Thượng. Năm 1998, nhân dân Vĩnh Điềm đã trùng tu tôn tạo lại Miếu Bà to đẹp hơn.

Mặc dù hiện nay đã có sự phân chia lại địa giới hành chính, Vĩnh Điềm Thượng và Vĩnh Điềm Trung thuộc về xã Vĩnh Hiệp (xã ngoại thành), Vĩnh Điềm Hạ thuộc phường Ngọc Hiệp (phường nội thành), đời sống tinh thần của nhân dân Vĩnh Điềm vẫn không thay đổi. Hàng năm vào mùa Xuân, nhân dân Vĩnh Điềm Thượng và Vĩnh Điềm Trung vẫn về tụ họp tại đình làng chung ở Vĩnh Điềm Hạ để “cúng Xuân”, họ vẫn nhớ đến nơi thờ phụng tổ tiên. Ngược lại vào ngày 16-8 (âm lịch) nhân dân Vĩnh Điềm Hạ và Vĩnh Điềm Trung lại trở về Vĩnh Điềm Thượng để “cúng vía Bà” - nữ thần người Chăm - tại Miếu Bà. Nhân dân ba làng của Vĩnh Điềm xưa vốn sống hòa thuận, đoàn kết, coi đình làng là đình chung, coi Bà Thiên Y Ana là mẹ xứ sở. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đình Vĩnh Điềm là nơi nuôi giấu cán bộ, là căn cứ hoạt động của cách mạng. Đình Vĩnh Điềm xứng đáng được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa của TP. Nha Trang.

THÁI THỊ HOÀN