03:04, 01/04/2003

Lăng Bà Vú ở Ninh Hòa

Trên một gò đất cao giữa cánh đồng lúa xanh tươi ở thôn 3, thị trấn Ninh Hòa có một công trình kiến trúc cổ với tên gọi thật giản dị: lăng Bà Vú. Đây là một công trình kiến trúc lăng tẩm được xây dựng vào đầu thế kỷ XIX và loại di tích kiến trúc nghệ thuật này vốn còn lại không nhiều ở các tỉnh miền Trung Việt Nam. Trải qua bao biến động của xã hội, cùng với sự tàn phá của thiên nhiên và con người, đến nay công trình này không còn nguyên vẹn như xưa, song tất cả những gì còn lại vẫn cho ta cảm nhận được giá trị đích thực của những quan niệm thẩm mỹ tinh tế và đầy chất thơ của người xưa đã gửi gắm vào đây.

Trên một gò đất cao giữa cánh đồng lúa xanh tươi ở thôn 3, thị trấn Ninh Hòa có một công trình kiến trúc cổ với tên gọi thật giản dị: lăng Bà Vú. Đây là một công trình kiến trúc lăng tẩm được xây dựng vào đầu thế kỷ XIX và loại di tích kiến trúc nghệ thuật này vốn còn lại không nhiều ở các tỉnh miền Trung Việt Nam. Trải qua bao biến động của xã hội, cùng với sự tàn phá của thiên nhiên và con người, đến nay công trình này không còn nguyên vẹn như xưa, song tất cả những gì còn lại vẫn cho ta cảm nhận được giá trị đích thực của những quan niệm thẩm mỹ tinh tế và đầy chất thơ của người xưa đã gửi gắm vào đây.

Truyền thuyết của nhân dân trong vùng kể lại rằng, thuở trước, khi chúa Nguyễn Ánh đang lúc gian nan và khốn khó, một lần bị quân Tây Sơn đánh bại và truy đuổi gắt gao, quân lính theo hầu không còn mấy người, lương thực cạn kiệt, những tưởng rằng phải bỏ xác lại nơi này, may sao, có một người phụ nữ nhà khá giả ở thôn Mỹ Hiệp (Ninh Hòa) thương tình cho ăn, lại chỉ đường cho trốn chạy thoát được vào Nam. Nhiều năm sau, khi đã chiến thắng được triều Tây Sơn và lên làm vua, nhớ lại công ơn của người đã cứu giúp năm nào, nhà vua bèn sai người về báo đáp thì người xưa đã không còn nữa. Để ghi nhớ công ơn của bà, nhà vua xuống chiếu phong tặng cho bà là Nhũ mẫu, đồng thời truyền thợ giỏi đang xây dựng cung điện ở Huế và thợ khéo ở Khánh Hòa đến thôn Mỹ Hiệp để xây lăng cho bà. Vì dòng họ của bà cũng chẳng còn ai, nên vua đã cấp ruộng và cử người lo nhang khói, giỗ kỵ cho bà (tương truyền bà mất ngày 26 tháng chạp), sức cho quan đầu tỉnh và dân sở tại xuân kỳ, thu tế với những hình thức trang trọng nhất.

Lăng nằm ở một địa thế đẹp, các yếu tố phong thủy đã được kết hợp và xử lý một cách hài hòa với không gian xung quanh. Tổng thế kiến trúc có ba khu vực: khu lăng mộ, sân làm lễ và một hồ sen đằng trước, chạy dài theo hướng Đông Nam. Phía trước khu lăng mộ là một sân gạch hình chữ nhật dùng để chuẩn bị cho các cuộc hành lễ lớn. Cách đó khoảng 20m là một hồ nước hình chữ nhật, xây bằng đá chẻ ở bốn phía, bên trong trồng sen. Cho dù đến nay, phần hồ sen này đã bị hư hỏng khá nhiều nhưng nước bên trong suốt 4 mùa lúc nào cũng có.

Khu lăng mộ là khu vực chính và có vị trí quan trọng nhất. Lăng có 3 lớp thành bao quanh xây bằng gạch, vôi, cát là những vật liệu xây dựng thông thường. Tổng thể của khu vực này được xây dựng theo hình chữ Quốc. Thành ngoài dài 20m, tường cao 1,5m hình chữ nhật và có lối đi vào bên trong theo một đồ án rất tiêu biểu. Trên thành, ở cửa đi vào có hai con sử tử đắp bằng vôi, cát màu hồng khá lớn đang trong tư thế ngồi, miệng há ra và ngoảnh mặt vào nhau. Bước vào trong, khoảng 1,2m là một án phong xây bằng gạch khá lớn, cao 2m; Liền đó là một bệ án xây cao 0,8m, rộng 0,68m và dài 2,3m dùng để che chắn cho ngôi mộ. Tiếp đến là vòng tường thành nội, có chiều dài mỗi bên là 12m, rộng 9m và cao 1,2m. Bên trên cửa thành nội, lối đi vào phía trên cũng có hai con kỳ lân đang trong tư thế vờn trái cầu có màu hồng nhạt, tuy có kích thước nhỏ hơn hai con sư tử bên ngoài song sự mềm mại, duyên dáng không hề thua kém. Chính giữa là ngôi mộ xây bằng vôi cát, khá thấp và có một bờ tường hình móng ngựa, mà hai điểm đầu của nó chính là đầu của con giao long (hình đầu cá) đắp nổi khá tinh tế bao quanh. Một bia mộ bằng đá xanh khá lớn ở chính giữa, phần đầu phía Đông Nam có chiều cao là 0,9m, rộng 0,55m trên khắc những dòng chữ Hán. Đáng tiếc rằng, thời gian tàn phá và thiếu sự chăm sóc của con người, cùng với những dấu vết của chiến tranh (vẫn in đậm nơi đây) đã xóa đi hầu hết những dòng chữ này, nên đến nay không còn đọc rõ. Hai bên thân bia, kéo dài lên và chụm lại ở trán bia có trang trí hai hình rồng chạm nổi theo mô típ "lưỡng long tranh châu" quen thuộc ở triều Nguyễn.

Điều đáng lưu ý ở công trình là những hình trang trí đắp nổi trên những bức tường của lăng có từng chủ đề riêng biệt theo các tích xưa như: Nhị thập tứ hiếu, Trúc Lâm thất hiền, Ngư Tiều Canh Mục, Bát tiên, Chiêu Quân cống Hồ… cùng với một số biểu tượng của người quân tử theo quan niệm của đạo Nho như: tùng, cúc, trúc, mai; Hoặc là những biểu tượng quen thuộc của đạo Lão, như thư, kiếm, phong, vân, tùng, đình, nai, hạc… Chất liệu chính để tạo nên những tác phẩm nghệ thuật bích họa này chỉ là vôi, cát cùng với màu sắc trộn với nhau và được đưa lên tường song ở mỗi bức tranh. Các nghệ nhân xưa đã thể hiện một cách trau chuốt đến từng chi tiết cũng như toàn bộ bố cục của mỗi khung hình.

Khu di tích kiến trúc nghệ thuật lăng Bà Vú chứa đựng nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa rất tiêu biểu và đặc sắc, trong đó yếu tố mỹ thuật chiếm vai trò chủ đạo. Có thể nói, những yếu tố nghệ thuật cung đình và dân gian đầu thế kỷ XIX đã được thể hiện ở đây khá đầy đủ, cả về những chủ đề và phong cách tiêu biểu. Bởi vậy, lăng Bà Vú đã được Nhà nước ra quyết định xếp hạng là một di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

Tiến sĩ. NGUYỄN CÔNG BẰNG