11:04, 01/04/2003

Khánh Hòa với hành trình 350 năm trong lòng lịch sử dân tộc

Tính từ thời điểm năm Quý Tỵ (1653), khi chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần cử Cai cơ Hùng Lộc làm trấn thủ và thiết lập hệ thống hành chính trên vùng đất này, đến mùa xuân năm Quý Mùi (2003) là vừa tròn 350 năm. Kể từ đó, vùng đất được mang tên dinh Thái Khang, Bình Khang, rồi trấn Bình Hòa và cuối cùng là tỉnh Khánh Hòa luôn là một bộ phận của Tổ quốc Việt Nam thống nhất hôm nay.

Tiến sĩ NGUYỄN CÔNG BẰNG

Tính từ thời điểm năm Quý Tỵ (1653), khi chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần cử Cai cơ Hùng Lộc làm trấn thủ và thiết lập hệ thống hành chính trên vùng đất này, đến mùa xuân năm Quý Mùi (2003) là vừa tròn 350 năm. Kể từ đó, vùng đất được mang tên dinh Thái Khang, Bình Khang, rồi trấn Bình Hòa và cuối cùng là tỉnh Khánh Hòa luôn là một bộ phận của Tổ quốc Việt Nam thống nhất hôm nay.

Là một vùng đất nằm ở duyên hải Nam Trung bộ nước ta, Khánh Hòa có diện tích tự nhiên cả trên đất liền và của hơn 200 đảo và quần đảo là 5.197km2, hay nói cách khác, Khánh Hòa là hình ảnh thu nhỏ của nước Việt Nam. Nằm ở vị trí địa lý thuận lợi, có hệ thống giao thông khá hoàn chỉnh, với hệ sinh thái rừng - biển - đảo phong phú và đa dạng, đồng thời lại có hệ thống dịch vụ và du lịch khá phát triển, bởi vậy Khánh Hòa có nhiều điều kiện để giao lưu và phát triển kinh tế với các khu vực trong nước cũng như với quốc tế. Ngoài những tiềm năng, thế mạnh nêu trên, rừng - biển Khánh Hòa còn có những loại đặc sản tiêu biểu khác như yến sào, trầm hương… bởi vậy Khánh Hòa còn được biết đến với cái tên thật thơ mộng là “Xứ trầm hương”.

Nhìn lại lịch sử 350 năm chúng ta có thể thấy rằng, bằng tinh thần lao động, sáng tạo không mệt mỏi, đến giữa thế kỷ XVIII, Bình Khang đã trở thành một miền quê trù phú, làng xóm trải dài theo những cánh đồng bên bờ sông Cái, sông Dinh. Kinh tế ngoại thương đã phát triển khá nhanh chóng, thuyền bè ra vào thương cảng Vĩnh Điềm tấp nập, các làng nghề thủ công làm gốm ở Lư Cấm, đúc đồng ở Diên Khánh hoạt động thật nhộn nhịp. Những sản vật của núi rừng Khánh Hòa như mật ong, mây, lá buông, sáp ong, trầm hương, tô hạp… cùng các sản phẩm nông nghiệp như lúa gạo, đường, mật… và mặt hàng thủy sản, cá tôm, yến sào đã có mặt ở những thương cảng lớn như: Hội An (Quảng Nam), Đông Nại Phố (Biên Hòa), và từ đó qua những thương thuyền của người Trung Hoa, Nhật Bản, Ấn Độ, Bồ Đào Nha… tỏa đi khắp nơi. Chính vì vậy, Bình Khang xưa - Khánh Hòa nay, từ rất sớm đã trở thành một “vùng đất có hình thế trọng yếu ở một phương” của nước Việt Nam như các sử gia thời phong kiến đã khẳng định.

Thực tế lịch sử đã chứng minh, suốt 350 năm qua, các dân tộc anh em cùng sinh sống trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa luôn đoàn kết chung sức, chung lòng vượt qua bao hy sinh, gian khổ trong các cuộc kháng chiến chống phong kiến, thực dân, đế quốc. Nhiều lớp thanh niên trai tráng các dân tộc ở Bình Khang đứng dưới ngọn cờ đào của người anh hùng áo vải Quang Trung Nguyễn Huệ, chiến đấu chống lại chế độ của các chúa Nguyễn thối nát ở Đàng Trong (1775 - 1795). Rồi trong những năm 1885 - 1886, phong trào yêu nước của nhân dân Khánh Hòa do Bình Tây đại tướng Trịnh Phong lãnh đạo đã anh dũng chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược. Dẫu cho cuộc kháng chiến thất bại, song tấm gương của “Khánh Hòa tam kiệt, Quảng Phước tam hùng” mãi mãi in đậm trong ký ức và tâm hồn của nhân dân Khánh Hòa.

Tiếp nối truyền thống yêu nước hào hùng của các thế hệ cha anh, ngày 16-7-1930, 1.000 quần chúng huyện Ninh Hòa dưới sự lãnh đạo của Đảng đã tiến hành cuộc biểu tình ủng hộ phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, ủng hộ Liên bang Xô Viết, sự kiện đó là một mốc son tươi thắm trong những trang sử vàng của quê hương. Trong Cách mạng Tháng Tám 1945, Đảng bộ Khánh Hòa đã lãnh đạo nhân dân trong tỉnh sớm giành chính quyền tại các huyện Vạn Ninh, Ninh Hòa và đúng ngày 19-8-1945, tại sân vận động Nha Trang, lực lượng quần chúng cách mạng đã lật đổ chính quyền phong kiến, tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng ở Khánh Hòa, cùng thời gian với thủ đô Hà Nội. Chỉ hai tháng sau, ngày 23-10-1945, quân và dân Khánh Hòa lại bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, mở đầu là 101 ngày đêm chiến đấu bao vây quân giặc Pháp tại Mặt trận Nha Trang, lập nên những chiến công vang dội, được Bác Hồ kính yêu gửi điện khen “đã làm gương anh dũng cho toàn quốc”. Liên tiếp trong hai cuộc kháng chiến vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước (1946 - 1975), Đảng bộ và quân dân Khánh Hòa đã đoàn kết một lòng, tạo nên sức mạnh tổng hợp cùng nhân dân Khánh Hòa đã đoàn kết một lòng, tạo nên sức mạnh tổng hợp, cùng nhân dân cả nước viết tiếp những trang sử chói lọi, hết đánh Pháp, rồi đuổi Mỹ, đập tan chính quyền tay sai cho đến ngày quê hương hoàn toàn sạch bóng quân thù (2-4-1975).

Nhằm thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa theo đường lối đổi mới của Đảng, phát huy truyền thống đoàn kết, tự lực tự cường, hơn 25 năm qua, Đảng bộ và nhân dân Khánh Hòa đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách, phát huy những tiềm năng và thế mạnh của địa phương trên các lĩnh vực phát triển kinh tế công nghiệp, du lịch, dịch vụ… giành được những thành tựu quan trọng và toàn diện về kinh tế - xã hội. Đặc biệt, trong năm 2002, mặc dù phải chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai và tác động tiêu cực do những khó khăn trong nước cũng như những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, nhưng nền kinh tế của tỉnh vẫn tiếp tục chuyển biến tích cực, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 2.400 tỷ đồng, tăng 12,9%. Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tăng 25,15%; doanh thu du lịch tăng 16,5%. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 1.770 tỷ đồng, vượt 38,6% so với kế hoạch. Việc xây dựng các chương trình kinh tế - xã hội trọng điểm nhằm triển khai cụ thể Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 14 đã được hoàn thành; trong đó một số chương trình đã đi vào thực hiện và bước đầu phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao năng lực sản xuất và cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm đầu tư và tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, GDP bình quân đầu người đạt hơn 400 USD. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được tăng cường. Tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân không ngừng được củng cố, xây dựng ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Nhìn lại quá trình Khánh Hòa 350 năm hình thành và phát triển trong dòng chảy liên tục của lịch sử dân tộc, đến hôm nay chúng ta càng thấy xúc động và tự hào về quá khứ hào hùng, về công lao to lớn của các thế hệ cha ông - những người đã đổ biết bao mồ hôi và cả xương máu để khai phá, xây dựng và bảo vệ quê hương trong suốt 350 năm qua. Bởi vậy, kỷ niệm Khánh Hòa 350 năm là dịp để mỗi người dân Khánh Hòa hôm nay thể hiện đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc Việt Nam; là dịp khơi dậy các giá trị truyền thống tốt đẹp về lịch sử, văn hóa và đấu tranh cách mạng của quê hương. Đó chính là niềm động viên, cổ vũ lớn lao để nhân dân các dân tộc tỉnh nhà tiếp tục xây dựng quê hương Khánh Hòa ngày càng giàu đẹp, góp phần cùng nhân dân cả nước xây dựng và bảo vệ thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Đây cũng là dịp để chúng ta tự giới thiệu với bè bạn trong và ngoài nước về những tiềm năng và thế mạnh của Khánh Hòa trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, về truyền thống lịch sử, văn hóa và nhân văn… đó cũng chính là nền tảng, là bệ phóng vững chắc để từ đây Đảng bộ và nhân dân Khánh Hòa càng thêm tin tưởng vào tương lai tươi sáng của dân tộc, vững bước tiến vào thế kỷ XXI.