02:04, 01/04/2003

Khái quát về văn hóa tiền sử và sơ sử Khánh Hòa

   Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, được sự giúp đỡ của các cơ quan nghiên cứu khoa học ở Trung ương, khảo cổ học ở Khánh Hòa đã thu được những thành tựu to lớn trong việc nghiên cứu về giai đoạn tiền sử và sơ sử. Về cơ bản diễn trình phát triển văn hóa tiền - sơ sử ở Khánh Hòa được biểu hiện qua hai giai đoạn chủ yếu: giai đoạn văn hóa Xóm Cồn và giai đoạn văn hóa Sa Huỳnh.

    Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, được sự giúp đỡ của các cơ quan nghiên cứu khoa học ở Trung ương, khảo cổ học ở Khánh Hòa đã thu được những thành tựu to lớn trong việc nghiên cứu về giai đoạn tiền sử và sơ sử. Về cơ bản diễn trình phát triển văn hóa tiền - sơ sử ở Khánh Hòa được biểu hiện qua hai giai đoạn chủ yếu: giai đoạn văn hóa Xóm Cồn và giai đoạn văn hóa Sa Huỳnh.

Giai đoạn Xóm Cồn (hay văn hóa tiền Sa Huỳnh ở Khánh Hòa)
    Xóm Cồn là một địa điểm thuộc phường Cam Linh, thị xã Cam Ranh. Di chỉ Xóm Cồn được khai quật lần thứ nhất vào năm 1980 với diện tích 79m2, lần thứ 2 vào năm 1992 với diện tích 92,75m2. Hiện vật thu được trong các hố khai quật rất phong phú với các công cụ đá (rìu, bôn, công cụ chặt, bàn mài, hòn kê, hòn ghè và mũi khoan), rất nhiều đồ gốm, các loại xương thú, vỏ các loài nhuyễn thể biển ken dày giữa các tầng văn hóa dày trung bình từ 0,9 - 1,5m. Phân tích bào tử phấn hoa trong hố khai quật di chỉ Xóm Cồn, Trần Đình Nhân cho rằng ở đây rất ít bào tử phấn các loại cây ngập mặn, chủ yếu là phấn của các loài cây họ đậu, niên đại Holocene giữa (Trần Đình Nhân 1993, tr.120). Trong số tàn tích động vật tìm được ở Xóm Cồn có trai biển, ốc biển, các động vật có xương sống như cá, rùa, hươu, nai, hoẵng, lợn, trâu bò rừng, cheo cheo, tê giác; đặc biệt có mặt bò nhà (Bosdom) (Vũ Thế Long 1993, tr.103).

    Tiếp theo vào năm 1993, di chỉ Bích Đầm trên đảo Hòn Tre thuộc phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang đã được khai quật với diện tích 186m2. Tầng văn hóa dày 50 - 70cm, cấu tạo từ cát phù sa biển lẫn vỏ nhuyễn thể biển. Kết quả thu được 81 hiện vật đá, các mũi nhọn làm bằng xương thú và gạc nai, các lõi vòng trang sức từ ốc tai tượng. Đồ gốm ở đây chủ yếu là đồ đựng đáy tròn, thân hình cầu dẹt, vai khum ốc tròn hoặc hơi xuôi, miệng loe; một số ít là đồ đựng có chân đế dạng bát bồng hoặc loại hình đồ đựng khác. Trên các đồ gốm, ngoài văn chải chiếm tuyệt đối, có mặt một số văn thừng biến thể; một số đồ gốm được tô, vẽ màu trước khi nung. Trên cơ sở đó, các nhà khoa học đã xác lập một văn hóa khảo cổ mang tên: Văn hóa Xóm Cồn (Nguyễn Công Bằng, Trịnh Căn, Quang Văn Cậy, Vũ Quốc Hiền, Phạm Văn Hoàn và Ngô Thế Phong 1993. tr.77).

    Như vậy, văn hóa Xóm Cồn là một văn hóa biển tiêu biểu, là chiếc cầu nối các văn hóa đương thời ở lưu vực sông Đồng Nai với khu vực miền Trung và Tây Nguyên, là một trong những nguồn hợp tạo dựng văn minh Sa Huỳnh ở Nam Trung bộ và đây là một văn hóa khảo cổ riêng biệt không thể lẫn với bất cứ một văn hóa tiền sử nào đã biết đến ở Việt Nam.

Văn hóa Sa Huỳnh ở Khánh Hòa

Di chỉ Hòa Diêm
    Di chỉ Hòa Diêm thuộc xã Cam Thịnh Đông, thị xã Cam Ranh, sát bờ biển (cách di chỉ Xóm Cồn khoảng 5km về phía Nam) được khai quật vào tháng 4-1998. Đây là di chỉ có diện phân bố khá rộng, trong một thung lũng khoảng hơn 10.000m2, với những dải cát trải dài theo hướng Đông - Tây, kéo dài vào sát chân núi.

    Trong diện tích 5 hố khai quật (50m2), đã thu được trên 3.000 tiêu bản, chủ yếu là đồ gốm. Đồ gốm ở đây phản ánh nhiều giai đoạn cư trú của cư dân cổ. Đáng chú ý là sự có mặt của gốm kiểu Xóm Cồn nằm cạnh gốm Sa Huỳnh. Rìu đá hầu như vắng mặt (1 tiêu bản), chỉ thu được một số bàn mài có kích thước nhỏ, có mặt 6 dọi xe chỉ được làm từ xương, 7 mảnh vòng tay được làm từ ốc tai tượng, 1 vòng làm từ đồ gốm, cùng 20 lõi vòng trang sức làm từ vỏ nhuyễn thể biển với những dấu vết khoan cắt rất rõ ràng và được mài đều theo hình bán nguyệt (mặt ngoài). Trong hố 2 đã phát hiện ra một ngôi mộ bằng gốm, bên trong có một bộ hài cốt đã được cải táng. Các đặc điểm trên sọ, răng và xương chi thể hiện đây là một cá thể nam có nhiều nét đại chủng Mongoloid (Nguyễn Lân Cường 2000, tr.128). Một số loại tô có chân đế được chôn theo bên ngoài ngôi mộ (đồ tùy táng) có hình dáng đẹp và dưới phần chân đế được đục lỗ tròn theo hình tam giác cân và được bố trí thành 3 cụm có khoảng cách đều nhau. Nhìn chung, gốm ở Hòa Diêm thô, dày, cứng, xương đen, mặt ngoài miết láng, miệng trang trí văn in ấn lỗ, đáy bằng, thân và đáy trang trí văn chải là gốm đặc trưng nhất của Hòa Diêm. So với Xóm Cồn, gốm Hòa Diêm kém phong phú về chất liệu, song về mô típ hoa văn cũng như kiểu miệng có phần đa dạng hơn và một số chưa thấy xuất hiện trong đồ gốm Xóm Cồn.

    Tháng 4-2002, các nhà khoa học tiến hành khảo sát lại di chỉ Hòa Diêm và mở 3 hố thám sát với diện tích 15m2, phát hiện được 2 mộ nồi loại nhỏ. Trong mộ tìm thấy 1 nồi gốm minh khí miệng loe, cổ thắt, thân phình, đáy bằng. Có 1 chiếc rìu đồng đặt trong nồi gốm mộ hố 2 thuộc loại rìu lưỡi xòe cân có họng tra cán. Ngoài ra còn thu được đồ đá có 54 tiêu bản gồm các loại hình: hòn kê, bàn mài, hòn nghiền làm từ cuội sông, trong đó có 2 rìu tứ giác và 1 bàn đập gốm.

    Từ những kết quả thu được tại Hòa Diêm cho thấy, đây là một di chỉ cư trú xen lẫn mộ táng. Những đặc điểm về di vật ở đây phản ánh sự tiếp nối văn hóa với một số truyền thống từ Xóm Cồn trong sự phát triển lên giai đoạn văn hóa Sa Huỳnh sau này ở Khánh Hòa. Niên đại của di chỉ Hòa Diêm khoảng 2.000 đến 2.500 năm cách ngày nay, là một bộ phận cấu thành văn hóa Sa Huỳnh ở Khánh Hòa.

Di chỉ mộ chum Diên Sơn
    Năm 1988, một khu mộ chum tại xã Diên Sơn, huyện Diên Khánh đã được phát hiện. Tìm hiểu quanh chiếc chum này, các nhà khoa học nhận thấy có ít nhất 4 chiếc (3 chiếc bị vỡ, 1 chiếc còn nguyên vẹn), được xử lý tốt mang về Bảo tàng tỉnh. Năm 1994, đã tìm thêm được 1 chiếc nữa trong tình trạng bảo quản rất tốt, ở cách địa điểm tìm thấy chiếc chum trên khoảng 2m về phía Bắc.

    Chum có hình dáng thuôn, vai đứng, miệng loe ngang, đáy tròn hình trứng, cao 82cm, miệng rộng 64cm, thân rộng (quãng giữa) 46cm. Chum có màu đỏ nhạt, không có hoa văn trang trí, xương gốm rất mỏng, thể hiện kỹ thuật chế tác cao. Bên trong chum chỉ thấy một ít than tro màu đen, có khả năng là một bộ hài cốt đã được hỏa táng. Bên ngoài, bám xung quanh chum có 4 chiếc nồi bằng gốm, loại nhỏ, đều bằng nhau có màu xám đen, không có hoa văn trang trí. Niên đại của 2 chiếc mộ chum này được xác định vào khoảng 2.000 năm cách ngày nay.

Một số di vật tiêu biểu khác
Đàn đá Khánh Sơn
    Việc phát hiện được bộ đàn đá Khánh Sơn ở Khánh Hòa vào tháng 2-1979 đã bước đầu khẳng định về sự tồn tại một loại hình nhạc cụ cổ bằng đá và từ đó mở đầu cho quá trình nghiên cứu về đàn đá ở Khánh Hòa nói riêng và ở Việt Nam nói chung. Theo số liệu của Viện Nghiên cứu âm nhạc, đến năm 1987, tổng số thanh đàn đá tìm được tại Dốc Gạo đã lên đến 172 thanh các loại. Trong một hố thám sát khảo cổ học còn thu được 550 mảnh tước được tách ra trong quá trình chế tác đàn đá.
Sau phát hiện đàn đá ở Khánh Sơn, trong những năm tiếp theo đã tìm thấy đàn đá ở một số tỉnh khác như Đồng Nai, Lâm Đồng, Ninh Thuận và Phú Yên… nhưng trong đó Khánh Sơn nổi lên như một cái nôi phong phú bậc nhất, một công xưởng khổng lồ chế tạo đàn đá thời sơ sử ở Việt Nam được biết đến cho đến ngày hôm nay.

Trống đồng Nha Trang
    Đến nay, tại TP. Nha Trang đã tìm thấy hai chiếc trống đồng khá nguyên vẹn. Chiếc thứ nhất tìm được ngày 26-10-1983 tại số nhà 36/9 đường Đồng Nai, phường Phước Hải. Chiếc trống thứ hai tìm được ngày 4-12-2000 tại số nhà 6A đường Hương Điền, cũng ở phường Phước Hải. Hai chiếc trống này được các nhà khảo cổ học đặt tên là trống Nha Trang I và trống Nha Trang II.

    Trống Nha Trang I được tìm thấy ở độ sâu khoảng 0,70m trong tư thế chôn ngửa, bên trong có một số mảnh gốm màu đen thuộc văn hóa Sa Huỳnh. Trống có kích thước: đường kính mặt 52cm, cao 42m, đường kính chân 57cm. Trống có những hoa văn trang trí, giữa mặt trống có hình ngôi sao 12 cánh đúc nổi, xen giữa các cánh là hoa văn hình lông công cách điệu. Các hình hoa văn hình học là gạch ngắn song song, vòng tròn chấm giữa, hồi văn gấp khúc. Vành chủ đạo trên mặt trống là hoa văn hình 6 con chim lạc bay ngược chiều kim đồng hồ. Thân trống cũng được trang trí hoa văn hình học đơn giản: các cột hoa văn gạch ngắn song song ở lưng trống, băng hoa văn vòng tròn chấm giữa, gạch ngắn song song ở phần tang trống và phần dưới của lưng trống. Hai bên thân trống có hai đôi quai kép tết hình bông lúa.

    Trống Nha Trang II được tìm thấy ở độ sâu 1,5m trong tư thế chôn úp xuống, cao 50cm, đường kính mặt trống là 62cm, đường kính chân trống là 67,5m. Trong trống Nha Trang II có một số di vật được chôn theo gốm 1 nồi nhỏ bằng gốm, 3 viên gốm làm bằng đất nung hình trụ dẹt, 1 vật hình đầu chim bằng đồng, 1 cuốc sắt, 1 đục sắt và 3 kiếm sắt. Trống được trang trí các vành hoa văn như sau: giữa mặt trống có hình ngôi sao nổi 10 cánh, giữa các cánh sao là các hoa văn gạch ngắn song song. Từ trong ra còn có những hoa văn ở vành 1, 4, 7 và 9 là gạch ngắn song song. Vành 2, 3, 8 là vòng tròn chấm giữa có tiếp tuyến; vành 5 là hoa văn zích zắc hình gần giống ô trám. Xen giữa các hoa văn này lại có hoa văn hình vòng tròn; vành 6 là hoa văn hình 8 con chim mỏ dài, cánh xòe rộng đang bay. Tang trống trang trí loại hoa văn gạch ngắn, vòng tròn có tiếp tuyến, không thấy hoa văn hình thuyền. Lưng trống có hoa văn gạch ngắn song song, vòng tròn tiếp tuyến nhưng rất mờ. Trống có hai đôi quai kép đúc ở hai bên thân. Trống được đúc bằng khuôn hai mang, vết nối mang khuôn còn rõ.

    Có thể đây là hai chiếc trống đồng thuộc nền văn hóa Đông Sơn nổi tiếng, rất giống với những trống Đông Sơn tìm được ở Bắc bộ và Bắc Trung bộ nước ta như trống Lũng Xuyên, Thọ Vực, Vĩnh Ninh, Hà Nội… được chế tạo tại vùng Bắc bộ hoặc Bắc Trung bộ sau đó được đem vào khu vực Khánh Hòa qua những con đường khác nhau. Đó là con đường tán phát của trống đồng theo con đường ven biển, mà Khánh Hòa là một chặng đường. Sự có mặt của trống đồng Nha Trang I và Nha Trang II đã làm cho diện mạo của thời đại kim khí ở Khánh Hòa càng thêm phong phú. Niên đại của hai chiếc trống này vào khoảng 2.000 năm cách ngày nay.

    Như vậy, cho đến nay khảo cổ học tiền sử và sơ sử Khánh Hòa đã từng bước được nghiên cứu và trên cơ sở đó có thể xác lập diễn trình phát triển của một vùng đất vào buổi bình minh của loài người. Hệ thống di tích, di vật ở đây cho thấy, mặc dù mang tính địa phương rõ nét song các văn hóa cổ ở Khánh Hòa vẫn nằm trong dòng chảy chung của các nền văn hóa lớn ở Việt Nam và khu vực, mang đậm sắc thái của văn hóa núi rừng, văn hóa đồng bằng và văn hóa biển - đảo. Những thành tựu về văn hóa, văn minh mà các nhóm cư dân cổ ở đây đã đạt được qua hàng ngàn năm sẽ được tiếp nối ở các giai đoạn sau cao hơn và đó cũng chính là những đóng góp chung cho nền văn hóa các dân tộc Việt Nam đa dạng, phong phú.

NGUYỄN CÔNG BẰNG