08:04, 02/04/2003

Đường sắt qua Khánh Hòa và khu hỏa xa Nha Trang trước giải phóng

Sau khi làm xong tuyến đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho, năm 1901 người Pháp khởi công tuyến đường sắt Sài Gòn - Nha Trang. Sau 12 năm xây dựng liên tục, đến năm 1913 đoạn đường này đã làm đến trạm Phú Vinh trên đất quận Vĩnh Xương, tỉnh Khánh Hòa, cách trung tâm Nha Trang về phía Tây 6km.

Sau khi làm xong tuyến đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho, năm 1901 người Pháp khởi công tuyến đường sắt Sài Gòn - Nha Trang. Sau 12 năm xây dựng liên tục, đến năm 1913 đoạn đường này đã làm đến trạm Phú Vinh trên đất quận Vĩnh Xương, tỉnh Khánh Hòa, cách trung tâm Nha Trang về phía Tây 6km.

Năm 1928, người Pháp tiếp tục khởi công làm tiếp đoạn đường sắt Nha Trang - Đà Nẵng theo hướng cùng lúc từ Nha Trang làm ra và từ Đà Nẵng làm vào. Đồng thời người Pháp triển khai thi công Ga Nha Trang với hướng tuyến có dạng hình bóng đèn tròn.

Đường sắt đi trên phần đất Khánh Hòa có cầu Sông Cái bắc qua sông Cái Nha Trang dài 200m, có 4 nhịp, là cầu đường sắt dài nhất Khánh Hòa. Cũng trên đoạn này, đường sắt qua 6 hầm (hầm Hòn Chùa gần núi Sạn, hầm Rù Rì, hầm Rọ Tượng, hầm Cổ Mã, hầm Đại Lãnh và hầm Papônnô), trong đó hầm Papônnô ở đèo Cả là hầm dài nhất Khánh Hòa lúc đó và cũng là hầm dài nhất Đông Dương (dài 1.179m). Hai đoạn đường sắt cùng thi công một lúc này đã gặp nhau tại Ga Hảo Sơn, phía cực Nam tỉnh Phú Yên. Ngày 2-9-1936, người Pháp làm lễ khánh thành Ga Nha Trang, đồng thời tổ chức lắp thanh ray khớp nối cuối cùng ở Ga Hảo Sơn và làm lễ thông đường sắt trên toàn cõi Đông Dương (từ Hà Nội qua Sài Gòn đến Nông Pênh). Ga Nha Trang dài 1.700m với 5 đường tránh tàu chính, dài từ 380 - 400m. Đường ra, vào Ga Nha Trang là đường sắt đôi (từ chắn Ngọc Hội đến chắn Lê Hồng Phong hiện nay) dài hơn 1.000m. Nhà ga Nha Trang tuy là loại nhà trệt, mái lợp ngói, nhưng có kiểu dáng kiến trúc đẹp, có quảng trường và vườn hoa trước nhà ga tạo cảnh quan thông thoáng, hiện đại nên được cả người Việt Nam lẫn người Pháp lúc đó ưa chuộng, được đánh giá là một trong những nhà ga đẹp của Đông Dương và tồn tại lâu nhất Việt Nam. Ga Nha Trang là một trong 5 ga lớn của tuyến đường sắt Hà Nội - Sài Gòn (Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng, Huế, Nha Trang) thực hiện các chức năng lập tàu, kỹ thuật, dịch vụ, tác nghiệp…

Từ năm 1940 - 1943, người Pháp làm đường sắt nhánh từ Ga Nha Trang xuống cảng Cầu Đá với quy mô tạm để kịp phục vụ chiến tranh. Tuyến đường này chưa vượt được dãy núi Cảnh Long - Hòn Chụt thì phải ngừng lại và sau đó buộc phải tháo gỡ toàn bộ. Ở phía Nam Nha Trang, người Pháp làm đường sắt nhánh dài 4.190m từ Ga Ngã Ba đến Cảng Ba Ngòi, đồng thời làm đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt (trước năm 1924) để phục vụ vận chuyển một khối lượng lớn vật chất phục vụ xây dựng Đà Lạt thành một thành phố lớn của Đông Dương. Đường sắt qua Khánh Hòa có 12 ga chính (Đại Lãnh, Tu Bông, Vạn Giã, Hòa Huỳnh, Ninh Hòa, Phong Thạnh, Lương Sơn, Nha Trang, Cây Cày, Hòa Tân, Suối Cát và Ngã Ba) và một số trạm khác như trạm Phú Vinh, trạm Ngọc Hội, trạm Vạn Lương…

Trong kháng chiến chống Pháp, đường sắt bị thu hẹp dần bán kính hoạt động và sau đó ngừng hẳn (năm 1952). Khoảng đầu năm 1965, đường sắt qua Khánh Hòa lại hoạt động trở lại ở cả hai hướng Nam và Bắc Nha Trang. Nhưng từ khi quân Mỹ tràn vào miền Nam Việt Nam và nhất là khi tương quan lực lượng giữa ta và địch có sự thay đổi cơ bản thì vận tải đường sắt gặp nhiều khó khăn.

Theo báo cáo của Khu Hỏa xa Nha Trang (chính quyền cũ), đường sắt, đầu máy và goòng bị quân ta đánh phá làm hư hỏng liên tục. Đặc biệt, Tết Mậu Thân (1968) và khoảng thời gian sau Tết Mậu Thân, đường sắt bị đánh dữ dội hơn, nhiều đoạn đường buộc phải ngừng hoạt động. Tuyến đường bị đánh phá nặng nhất là tuyến Tháp Chàm - Đà Lạt. Mấy tháng liền sau Tết Mậu Thân, tuyến này phải ngừng hoạt động. Tuyến bị đánh hư nặng thứ hai là tuyến Nha Trang - Hảo Sơn. Chỉ trong vòng mấy tháng đầu năm 1968, toàn Khu Hỏa xa Nha Trang, phương tiện bị phá hoại gồm 8 đầu máy Diesel, 5 đầu máy đường răng cưa và 90 toa goòng.
Đặc biệt khi Quốc lộ 1 được nâng cấp, mở rộng với quy mô lớn, xe khách nhập vào miền Nam ngày càng nhiều, hàng không dân sự là loại vận tải khách an toàn lúc đó được phát triển rầm rộ cả về số tuyến lẫn số chuyến nên vận tải đường sắt đã không cạnh tranh nổi, buộc phải ngừng hoạt động. Từ đó các nhà ga, đặc biệt Ga Nha Trang bị dân chúng, trong đó phần lớn thương phế binh, tràn vào chiếm đất làm nhà riêng, lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt, gây khó khăn cho việc quản lý, khai thác nhà ga sau này.

TRẦN ĐÌNH THAI