02:04, 01/04/2003

Đôi nét về truyền thống văn hóa Khánh Hòa 350 năm

“Khánh Hòa là xứ Trầm hương
Non cao biển rộng, người thương đi về
Yến sào ngon ngọt tình quê
Sông sâu đá tạc lời thề nước non”.

Câu ca dao trên không chỉ đã khái quát được những đặc điểm về địa lý tự nhiên, những sản vật tiêu biểu của quê hương mà còn nêu bật được cả tính cách, tâm hồn của con người Khánh Hòa: giản dị, phóng khoáng song cũng thật nghĩa tình, thủy chung.

“Khánh Hòa là xứ Trầm hương
Non cao biển rộng, người thương đi về
Yến sào ngon ngọt tình quê
Sông sâu đá tạc lời thề nước non”.

Câu ca dao trên không chỉ đã khái quát được những đặc điểm về địa lý tự nhiên, những sản vật tiêu biểu của quê hương mà còn nêu bật được cả tính cách, tâm hồn của con người Khánh Hòa: giản dị, phóng khoáng song cũng thật nghĩa tình, thủy chung. Sách Đại Nam nhất thống chí, bộ quốc sử lớn nhất ở nước ta thời phong kiến còn ghi lại những nét đẹp về văn hóa của vùng đất và con người Khánh Hòa như sau: “Phong tục thuần hậu, tập quán quê mùa. Kẻ sĩ chất phác mà trầm tĩnh, nhân dân kiệm mà lành, quần áo dùng vải trắng, ít thích lòe loẹt. Dân ở ven biển làm nghề chài lưới, dân ở ven núi làm nghề cấy lúa, trồng dâu, chăn tằm dệt cửi… phần nhiều đơn giản không chuộng xa hoa. Các việc đám cưới đám ma hay giúp đỡ lẫn nhau”.

Kể từ mùa xuân năm Quý Tỵ (1653), những thế hệ người Việt đầu tiên đến sinh sống trên vùng đất này đã nhanh chóng hòa nhập với các nhóm người có nguồn gốc bản địa một cách hòa bình, thân ái. Trong cuộc đấu tranh với thiên nhiên và xã hội, các dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa hôm nay đã cùng chung lưng đấu cật, giúp đỡ lẫn nhau để xây dựng nên một miền quê ngày càng giàu đẹp.

Do những đặc điểm về địa lý tự nhiên và nhân văn, Khánh Hòa hội tụ đầy đủ các yếu tố văn hóa núi rừng, văn hóa đồng bằng và văn hóa biển - đảo dưới các dạng văn hóa vật thể (Tangible) và phi vật thể (Intangible) thật tiêu biểu và đặc sắc. Ở miền núi, chúng ta đã biết đến những bộ patau (đàn đá) Khánh Sơn nổi tiếng tìm được tại di chỉ Dốc Gạo, nơi được xác định là “công xưởng chế tác đàn đá thời tiền sử khổng lồ nhất ở Việt Nam”. Đây cũng là xứ sở của những Akhàt ter (thể loại kể chuyện bằng văn xuôi) và những Akhàt jucar (kể chuyện bằng lời hát) được gọi chung là những trường ca Raglai nổi tiếng.

Qua nhiều thế kỷ cộng cư và hòa cư, người Việt đã giao lưu, tiếp nhận và tiếp biến những tinh hoa văn hóa truyền thống của các dân tộc anh em để từ đó tạo nên một bản sắc văn hóa của chính mình, làm giàu thêm kho tàng di sản văn hóa dân tộc. Chính vì vậy, khi tìm hiểu về những đặc trưng văn hóa truyền thống ở Khánh Hòa hôm nay ta sẽ nhận thấy có sự ảnh hưởng và đan xen những sắc thái văn hóa giữa người Việt với người Chăm, người Raglai và với cả người Hoa, mà trong đó văn hóa của người Việt là chủ thể.

Do điều kiện và môi trường sống, cùng với các hình thức kinh tế, ngành nghề truyền thống lâu đời chi phối nên người Việt ở đồng bằng Khánh Hòa có cả một nền văn hóa đình làng, trong tổng thể của truyền thống văn hóa làng xã Việt Nam. Hệ văn hóa đình làng, chùa chiền, miếu mạo… dưới sắc thái văn hóa truyền thống của những người nông dân cần cù, chăm chỉ được biểu hiện qua các lễ hội Am Chúa, lễ hội Tháp Bà, lễ hội cúng đình, cúng tổ nghề…, qua nhiều thế kỷ vẫn tồn tại và ngày càng được tôn vinh trong chiến lược giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, những cư dân sống bằng nghề biển không chỉ bảo lưu và gìn giữ được những truyền thống văn hóa biển - đảo với các lễ hội cúng đình - lăng, tín ngưỡng thờ cúng cá voi (Ông) cùng những điệu hò Bá Trạo… được kết hợp một cách hài hòa trong tín ngưỡng thờ Pô Nagar - Thiên Yana mà còn có một nền văn hóa yến sào thật đặc sắc… Tất cả những yếu tố trên đã góp phần tạo cho Khánh Hòa có những đặc trưng văn hóa thật tiêu biểu và độc đáo. Bởi vậy, dưới góc độ văn hóa học, Khánh Hòa thật sự là một tiểu vùng văn hóa được biết đến với tên gọi là Xứ Trầm hương song vẫn là một bộ phận của văn hóa Việt Nam. Đó chính là cốt lõi căn bản của sự “thống nhất trong đa dạng” của văn hóa truyền thống Việt Nam.

Như vậy, lịch sử 350 năm hình thành và phát triển vùng đất Khánh Hòa là một quá trình đấu tranh bền bỉ, gian khổ, đoàn kết, sáng tạo, anh dũng kiên cường của biết bao thế hệ cha anh. Đó chính là những truyền thống lịch sử, văn hóa và nhân văn vô cùng quý báu mà các thế hệ tiền nhân đã để lại cho con cháu hôm nay và mai sau, trong đó truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn trái nhớ người trồng cây” được nâng lên thành đạo lý cao quý của dân tộc. Những truyền thống cao quý đó đã, đang và sẽ góp phần làm phong phú và tô đậm thêm truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa dân tộc cho đất nước, con người của xứ sở Trầm hương mến yêu.

Bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đảng bộ và nhân dân Khánh Hòa đang nỗ lực đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, khai thác mọi tiềm năng và thế mạnh, tăng cường hợp tác và thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước. Trong bối cảnh hội nhập khu vực và quốc tế, chúng ta vừa phải tăng cường mở rộng hợp tác giao lưu với nước ngoài, vừa phải giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, lịch sử truyền thống của các dân tộc tỉnh Khánh Hòa, tất cả vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Bởi vậy, hiểu rõ, hiểu đầy đủ về truyền thống văn hóa và nhân văn của con người Khánh Hòa qua 350 năm không chỉ góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn tỉnh nhà theo quan điểm của Đảng mà đây chính là hành trang, là nền tảng vững chắc để thế hệ trẻ hôm nay bước vào thế kỷ XXI.

                                                                                              Tiến sĩ NGUYỄN CÔNG BẰNG