11:04, 01/04/2003

Đôi nét về đất nước và con người Khánh Hòa

Khánh Hòa là một tỉnh duyên hải nằm ở cực Nam Trung bộ nước ta. Từ Bắc vào Nam, đến đỉnh đèo Cả quanh co khúc khuỷu, qua núi Đá Bia cao vời vợi gần với cảng biển Vũng Rô im lìm, sâu lắng là đến địa phận tỉnh Khánh Hòa. Về hành chính, tỉnh Khánh Hòa có 6 huyện: Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, Diên Khánh, Ninh Hòa, Vạn Ninh, huyện đảo Trường Sa (cách đất liền hơn 200 hải lý), thị xã Cam Ranh và TP. Nha Trang - trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.

Khánh Hòa là một tỉnh duyên hải nằm ở cực Nam Trung bộ nước ta. Từ Bắc vào Nam, đến đỉnh đèo Cả quanh co khúc khuỷu, qua núi Đá Bia cao vời vợi gần với cảng biển Vũng Rô im lìm, sâu lắng là đến địa phận tỉnh Khánh Hòa. Về hành chính, tỉnh Khánh Hòa có 6 huyện: Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, Diên Khánh, Ninh Hòa, Vạn Ninh, huyện đảo Trường Sa (cách đất liền hơn 200 hải lý), thị xã Cam Ranh và TP. Nha Trang - trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.

Với diện tích trên đất liền là 4.636km2 và hơn 100 đảo lớn nhỏ nằm rải rác trên vùng biển, trong đó có bãi biển Đại Lãnh xinh đẹp, hiền hòa, có vịnh Vân Phong rộng rãi, kỳ thú, bãi biển Nha Trang với làn nước trong xanh, trải dài cát trắng… chứa đựng tiềm năng văn hóa du lịch luôn thu hút du khách khắp bốn phương. Bán đảo Hòn Gốm (huyện Vạn Ninh) là vùng đất liền nhô ra biển có điểm cực Đông của Tổ quốc, bởi vậy cứ bắt đầu một ngày mới, Khánh Hòa là miền đất nhận được ánh nắng ban mai sớm nhất so với bất kỳ nơi nào ở Việt Nam.

Biển Khánh Hòa có nhiều nguồn hải đặc sản quý hiếm, trong đó có yến sào là vàng trắng ở các đảo ngoài khơi với trữ lượng cao nhất của cả nước. Không chỉ có giá trị kinh tế cao trên thị trường quốc tế, việc khai thác và sử dụng loại đặc sản này còn tạo nên một sắc thái sinh hoạt văn hóa biển độc đáo ở Khánh Hòa với một nền văn hóa yến sào đặc sắc.

Với diện tích 480.000 ha, rừng Khánh Hòa có nhiều loại gỗ quý, với những quần thể động, thực vật phong phú và chính vùng rừng núi bạt ngàn này đã nảy sinh ra cây Gió - kỳ nam, một loại lâm sản đặc biệt có giá trị kinh tế cao, là vàng đen của Việt Nam. Đây không chỉ là một loại dược liệu quý hiếm dùng trong y dược học dân tộc mà sản phẩm của nó còn tạo ra một mùi thơm huyền ảo, đầy quyến rũ không thể thiếu trong mỗi gia đình trong những ngày giỗ, Tết cũng như trong các lăng tẩm, đền thờ, miếu mạo, chùa chiền… mà đến đó ta như bước vào một thế giới vừa thực vừa mơ. Bởi vậy, từ lâu vùng đất này đã nổi danh với cái tên “Xứ Trầm Hương”.

Ai đã một lần đến với Nha Trang sẽ không thể quên thành phố trẻ thơ mộng bên bờ biển Đông chan chứa tình người, mảnh đất mà nhà bác học A.Yersin đã dành trọn cả cuộc đời để sống hiến cho sự nghiệp nghiên cứu khoa học và khi mất ông đã chọn Khánh Hòa làm quê hương thứ hai để làm nơi yên nghỉ cuối cùng. Sự đổi thay vượt bậc từng ngày từng giờ của TP. Nha Trang đang vươn lên những tầm cao mới trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xứng đáng với vị thế là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh nhà.

Hiện nay dân số ở Khánh Hòa xấp xỉ một triệu người, bao gồm người Kinh và các dân tộc anh em là Raglai, Êđê, T’ring… cùng đoàn kết chung sống từ nhiều đời nay và chính họ là chủ nhân đích thực của các nền văn hóa tiêu biểu. Một kho tàng di sản văn hóa dân gian với những câu hò, điệu múa, lễ hội, tín ngưỡng, lối ăn, cách mặc… được các thế hệ người dân Khánh Hòa sáng tạo trong quá trình khai phá đất đai, xây làng lập xóm, lên rừng tìm trầm hái củi, xuống biển ra khơi, thấm đẫm tình người. Tất cả những điều đó đã tạo nên diện mạo văn hóa Khánh Hòa hôm qua.

Ngược dòng thời gian trước 1653, Khánh Hòa là vùng đất có bề dày lịch sử - văn hóa rất đáng được nâng niu và trân trọng. Các cứ liệu khảo cổ học đã khẳng định ngay từ thời tiền sử, con người đã sinh sống ở đây. Từ đầu thế kỷ này, các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra nhiều công cụ bằng đá của “nền nông nghiệp dùng cuốc” tại Hòn Tre trong vịnh Nha Trang. Sang thời đại kim khí, ở Khánh Hòa đã phát hiện nền văn hóa Xóm Cồn, có niên đại khoảng 4.000 năm cách ngày nay và có trước nền văn hóa Sa Huỳnh. Nằm trong địa bàn phân bố của nền văn hóa Sa Huỳnh, Khánh Hòa có nhiều di chỉ khảo cổ học: Diên Sơn (huyện Ninh Hòa), Bình Tân, Hòn Tre (TP. Nha Trang), Ninh Thân, Hòn Thị (huyện Ninh Hòa), Hòa Diêm (thị xã Cam Ranh)… Việc phát hiện ra bộ đàn đá Khánh Sơn vào tháng 2-1979 trong địa bàn cư trú của tộc người Raglai, cho thấy lớp cư dân chủ nhân của bộ đàn đá này đã sinh sống ở đây khoảng giữa thiên niên kỷ I trước Công nguyên.

Kauthara - Khánh Hòa hôm nay, vốn là nơi sinh sống của bộ tộc Cau - một trong hai thị tộc chính của vương quốc cổ Chămpa. Hơn thế nữa, nơi đây đã từng là thánh đô của vương quốc Chămpa, với khu đền tháp thờ Bà mẹ xứ sở đáng kính của dân tộc Chăm: nữ thần Pô Inư Negara, được gọi là Tháp Bà Ponagar. Đến nay khu tháp cổ này vẫn sừng sững thách thức cả thời gian, là nơi thể hiện một phong cách kiến trúc đền tháp Chăm tuyệt tác và hoành tráng. Ngoài Tháp Bà (Nha Trang), ở Khánh Hòa còn có nhiều di tích văn hóa Chămpa như: bia Võ Cạnh có niên đại khoảng cuối thế kỷ II đầu thế kỷ III, là tấm bia viết bằng chữ Phạn cổ vào bậc nhất ở nước ta và khu vực Đông Nam Á, Thành Hời, miếu ông Thạch, Am Chúa… Cùng với các di sản văn hóa hữu thể đó là những di sản văn hóa phi vật thể mang bản sắc riêng của người Khánh Hòa trong dòng chảy không ngừng của nền văn hóa dân tộc Việt Nam.

Năm 1653 là sự kiện lịch sử gắn liền với tên tuổi Cai cơ Hùng Lộc Hầu dưới thời Chúa Nguyễn - người đã có công lao đưa vùng đất này hòa nhập vào lãnh thổ Việt Nam thống nhất hôm nay. Ông cũng là người đầu tiên đặt nền móng cho quá trình dựng nước và giữ nước trên mảnh đất quê hương Khánh Hòa, bắt đầu từ khi thành lập hai phủ Thái Khang và Diên Ninh.

Từ nửa cuối thế kỷ XVII, dưới thời các Chúa Nguyễn, những thế hệ người Việt, người Chăm và cả người Hoa trong quá trình cộng cư đã cùng nhau chung sức xây dựng mảnh đất này ngày thêm giàu đẹp, làm tiền đề cho sự phát triển phồn vinh của dân tộc về phía Nam. Hệ thống đình, chùa, miếu mạo khắp các thôn làng ở Khánh Hòa được xây dựng từ rất sớm vẫn còn lưu giữ để thờ cúng, tôn vinh những vị tiền hiền, hậu hiền đã có công khai khẩn, lập ấp, giúp nhân dân ổn định làm ăn sinh sống là một đạo lý cao quý của dân tộc với truyền thống: “uống nước nhớ nguồn”. Hệ thống “nhà thờ họ” là biểu hiện tính cách, tâm hồn và niềm tự hào của mỗi người, mỗi dòng tộc luôn hướng về cội nguồn quê cha đất tổ, từ đó xác định trách nhiệm cùng nhau gìn giữ thanh danh truyền thống cho gia đình, dòng họ. Các thế hệ cha ông luôn giáo dục con cháu làm điều thiện, tránh điều ác, làm rạng rỡ cho xứ sở quê hương, kẻ hậu sinh luôn tôn kính công đức của các bậc tiền nhân, đã góp phần giáo dục con người làm điều hay lẽ phải. Truyền thống ấy đang được các thế hệ hôm nay tiếp nối trong việc xây dựng con người mới - con người xã hội chủ nghĩa.

Cùng với cả nước, nhân dân Khánh Hòa đã góp phần viết nên trang sử oai hùng của dân tộc trong lịch sử dựng nước và giữ nước. Những di tích có liên quan đến phong trào Tây Sơn trên đất Khánh Hòa từ 1773 - 1795 như đèo Cổ Mã, Hòn Khói, Cù Huân, Nha Trang, thành Diên Khánh… đến nay vẫn còn hiện hữu cùng với thời gian cũng như trong ký ức của mỗi người. Những năm đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, phong trào yêu nước ở Khánh Hòa do Trịnh Phong, Trần Đường lãnh đạo (1885 - 1887) đã gây cho kẻ thù nhiều tổn thất; Tiếp đến là Trần Quý Cáp, nhà chí sĩ yêu nước của phong trào Duy Tân những năm đầu thế kỷ XX.

Ngay sau ngày Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3-2-1930), đến ngày 24-2-1930 Đảng bộ Khánh Hòa đã được công nhận là một bộ phận của Đảng. Khánh Hòa cũng là một trong số ít địa phương ở miền Nam Trung bộ đã tổ chức thành công cuộc biểu tình 16-7-1930 tại huyện Ninh Hòa để ủng hộ phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, ủng hộ Liên bang Xô Viết, đòi quyền dân chủ, dân sinh. Cách mạng tháng 8-1945 thành công, tiếp đến mặt trận Nha Trang 23-10 vang dội trong suốt 101 ngày đêm anh dũng chiến đấu kiên cường, kìm chân giặc Pháp, tạo điều kiện cho Trung ương Đảng có thời gian để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Tấm gương hy sinh của các liệt sĩ Võ Văn Ký, Trần Tạo… trong những ngày đầu chống Pháp đến các Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời chống Mỹ như các anh chị Cao Minh Phi, Trần Thị Tính, Nguyễn Thị Ngọc Oanh… cùng những trận đánh thông minh, táo bạo và dũng cảm của các anh hùng Bo Bo Tới, Cao Văn Bé… đã làm cho quân xâm lược kinh hồn bạt vía đến nay vẫn được ghi lại trong những trang sử vàng hào hùng của dân tộc.

Những mật khu Đồng Bò, Hòn Lớn, Hòn Dữ, Đá Bàn, Tô Hạp, Khánh Sơn, Đá Đen, Hòn Hèo, Hóc Chim… là những địa danh một thời che chở các cơ quan của Đảng và chính quyền cách mạng lãnh đạo nhân dân Khánh Hòa trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc suốt hai cuộc kháng chiến. Lực lượng vũ trang TP. Nha Trang và nhiều địa phương khác trong tỉnh cùng với 358 Bà mẹ Việt Nam được Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng đã góp phần làm nên chiến thắng lịch sử vĩ đại của dân tộc Việt Nam suốt 30 năm chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược (1945 - 1975).

Trong những năm kháng chiến gian khổ kiên cường ấy, nền văn hóa dân tộc, bên cạnh những di sản văn hóa vật thể mà chúng ta nhìn thấy được, còn có di sản văn hóa phi vật thể tiềm ẩn trong nhân dân. Đó là tình yêu quê hương đất nước, là truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất và dũng cảm, là tinh thần đoàn kết, tương thân tương trợ giúp đỡ lẫn nhau xây dựng và bảo vệ quê hương; Đó còn là những làn điệu dân ca trong sáng, trữ tình bắt nguồn từ giai điệu âm thanh của quê hương xứ sở. Những lời ru, tiếng hát, điệu múa của các loại hình nghệ thuật dân tộc; Sức mạnh của những giá trị tiềm ẩn về tín ngưỡng truyền thống, những phong tục, tập quán tốt đẹp, những lễ hội dân gian của người dân Khánh Hòa đã góp phần tạo nên sức mạnh, niềm tin, và tinh thần cách mạng cùng với quân và dân cả nước làm nên chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (1975).

Sau ngày giải phóng, nhất là giai đoạn đổi mới đất nước từ năm 1986 đến nay, bộ mặt chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội ở Khánh Hòa đã đổi thay nhanh chóng và có những tiến bộ vượt bậc. Cơ sở hạ tầng về giao thông vận tải ở Khánh Hòa đang được củng cố và phát triển, hệ thống đường sắt và quốc lộ xuyên Việt đi ngang qua gần 300km cùng với tuyến đường nối liền với tỉnh Đắc Lắc và các tỉnh Tây Nguyên, Khánh Hòa trở thành một trong những trung tâm giao lưu chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội trong cả nước. Có thể nói Khánh Hòa không chỉ là cửa ngõ ra biển Đông của các tỉnh Tây Nguyên mà còn cho cả vùng Đông Bắc Campuchia và Hạ Lào, từ lục địa vươn ra khắp năm châu bốn biển.

Các cảng Nha Trang, Cam Ranh, Ba Ngòi, cầu cảng Đầm Môn và một số dự án cảng lớn, trong đó có Khu Công nghiệp đóng tàu Hyundai liên doanh với Hàn Quốc, tạo điều kiện thuận tiện cho phát triển kinh tế và quá trình hội nhập của tỉnh nhà. Cùng với sân bay Nha Trang, sân bay Cam Ranh có khả năng được cải tạo, nâng cấp thành sân bay quốc tế góp phần vận chuyển lượng hành khách trong và ngoài nước đến với Khánh Hòa ngày một nhiều hơn. Ngoài ra còn có Khu Công nghiệp Suối Dầu với những dự án hàng trăm triệu USD đã mở ra triển vọng rực rỡ cho Khánh Hòa trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Du lịch là một trong những thế mạnh của Khánh Hòa khi được Trung ương xác định là 1 trong 10 trung tâm du lịch lớn của cả nước. Với các khu hệ sinh thái tiêu biểu như Hòn Mun, Nha Phu, Hòn Bà… với nhiều sông, hồ, suối, núi, rừng vẫn còn khá nguyên sơ, rất thuận lợi cho du lịch văn hóa - sinh thái, du lịch thể thao leo núi. Bên cạnh đó, các di tích Tháp Bà Pônagar, Hòn Chồng, Lầu Bảo Đại, Chùa Long Sơn, Thủy cung Cầu Đá, vịnh Vân Phong… cùng nhiều dự án phát triển kinh tế - văn hóa du lịch có tính khả thi khác đang được triển khai một cách đồng bộ và có hiệu quả cao.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Khánh Hòa đang ra sức đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện đường lối công nghiệp hóa, hiện đại hóa, duy trì tốc độ phát triển kinh tế, tăng GDP hàng năm từ 9 - 10%, phấn đấu đến năm 2005 thu ngân sách địa phương tăng 1,6 lần so với năm 2000 (năm 2000 thu trên 1.000 tỷ đồng). Trên cơ sở phát huy mọi nguồn lực, tiếp tục đẩy nhanh quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - dịch vụ, du lịch - nông nghiệp và nâng cao hiệu quả kinh tế trong từng ngành, từng vùng lãnh thổ. Coi trọng việc phát triển kinh tế đi đôi với từng bước cải thiện đời sống văn hóa, tinh thần và vật chất cho nhân dân. Tiếp tục giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội, đầu tư tăng cường công tác xây dựng Đảng, giữ vững ổn định chính trị, xây dựng, củng cố an ninh - quốc phòng, phấn đấu xây dựng tỉnh Khánh Hòa thành một tỉnh giàu về kinh tế, đẹp về văn hóa.

Những thành tựu to lớn mà Đảng bộ và nhân dân Khánh Hòa đã đạt được trong thời gian qua trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội là quá trình kế thừa và phát triển có hiệu quả những giá trị lịch sử, truyền thống và văn hóa của đất nước và con người Khánh Hòa hơn 3 thế kỷ qua.

Tiến tới kỷ niệm Khánh Hòa 350 năm (1653 - 2003) đúng với mục đích và ý nghĩa của nó. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân Khánh Hòa đang ra sức thi đua lập thành tích xuất sắc, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội IX của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa lần thứ 14. Tất cả vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
Đảng bộ và nhân dân Khánh Hòa vô cùng tự hào và tin tưởng vào tương lai sáng lạn của mảnh đất quê hương chứa đựng nhiều tiềm năng kinh tế lại có bề dày lịch sử, truyền thống và văn hóa - mảnh đất của hôm qua hào hùng, hôm nay vững chãi và ngày mai tươi sáng trong lòng Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Thạc sĩ NGUYỄN VĂN KHÁNH

(Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Khánh Hòa)