10:08, 04/08/2017

Chấn chỉnh các sai phạm trong hoạt động du lịch

Những tháng đầu năm, để hạn chế đến mức thấp nhất những biểu hiện tiêu cực trong hoạt động du lịch, các cơ quan chức năng của tỉnh Khánh Hòa đã ráo riết vào cuộc chấn chỉnh những sai phạm trong lĩnh vực này.

 

Những tháng đầu năm, để hạn chế đến mức thấp nhất những biểu hiện tiêu cực trong hoạt động du lịch, các cơ quan chức năng của tỉnh Khánh Hòa đã ráo riết vào cuộc chấn chỉnh những sai phạm trong lĩnh vực này.


Tích cực kiểm tra


Theo ông Trần Việt Trung - Giám đốc Sở Du lịch, những tháng đầu năm, Sở Du lịch đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức kiểm tra đột xuất đối với 42 doanh nghiệp (DN) du lịch. Trong đó có 18 cơ sở lưu trú và 24 DN lữ hành quốc tế. Kết quả, đã nhắc nhở 6 cơ sở, xử phạt 2 cơ sở với số tiền 8 triệu đồng; yêu cầu 11 cơ sở lưu trú sử dụng tầng hầm kinh doanh siêu thị khắc phục và trả lại hiện trạng, công năng của tầng hầm; yêu cầu 2 DN kinh doanh lữ hành quốc tế không tổ chức hoạt động kinh doanh.

 

Sở Tài chính tổ chức 2 đợt kiểm tra về việc kê khai giá, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết đối với 55 cơ sở kinh doanh du lịch, trong đó có 14 DN kinh doanh lữ hành và 41 DN kinh doanh cơ sở lưu trú. Qua đó, xử phạt 6 đơn vị vi phạm hành chính về giá với số tiền hơn 203,1 triệu đồng, trong đó phạt vi phạm hành chính là 192,5 triệu đồng, thu cao hơn giá kê khai hơn 4,4 triệu đồng, trả lại khách hàng số tiền cao hơn giá kê khai là 6,1 triệu đồng.

 

Công an tỉnh đã kiểm tra, phát hiện các trường hợp vi phạm pháp luật, xử phạt vi phạm hành chính 24 trường hợp người nước ngoài với số tiền 198 triệu đồng. Từ tháng 4 đến nay, đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra đối với 27 DN và 24 hộ kinh doanh cá thể kinh doanh các lĩnh vực: ăn uống, lưu trú, bán chăn, ga, gối, nệm, trầm hương… Qua đó, đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 25 cơ sở vi phạm với số tiền 220,5 triệu đồng, tịch thu một số hiện vật. Các hành vi vi phạm chủ yếu là về nhãn hàng hóa, không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, không niêm yết giá các dịch vụ du lịch.

 

Cơ quan chức năng của tỉnh kiểm tra giá dịch vụ tại một cơ sở lưu trú

Cơ quan chức năng của tỉnh kiểm tra giá dịch vụ tại một cơ sở lưu trú


Ngoài ra, để tạo hành lang pháp lý cho các cơ quan chủ động phối hợp có hiệu quả, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành nghiên cứu tham mưu một số cơ chế, chính sách như: Quy chế quản lý hoạt động kinh doanh lữ hành đón, phục vụ khách du lịch quốc tế trên các chuyến bay thuê bao đến Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh; Quy chế phối hợp liên ngành trong công tác thanh tra, kiểm tra; Quy chế phối hợp cung cấp thông tin phục vụ công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực du lịch; kiểm soát chặt chẽ việc kê khai, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết.

 

UBND tỉnh Khánh Hòa cũng kịp thời chỉ đạo các ngành liên quan nghiên cứu, báo cáo kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành tháo gỡ bất cập trong việc hỗ trợ khách du lịch bị mất hộ chiếu được bay trên các chuyến bay nội địa. Cùng với đó, tháo gỡ một số vấn đề khó khăn trong hoạt động du lịch như: việc sử dụng phiên dịch hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch trong công tác giới thiệu và phục vụ khách theo chương trình du lịch; việc thẩm định cấp biển hiệu phương tiện thủy nội địa vận chuyển khách du lịch; triển khai đánh giá tiêu chí điểm đến du lịch.


Đối với công tác phối hợp xử lý, giải quyết các vấn đề phát sinh như tình trạng “chặt chém”, chèo kéo, cướp giật…, Trung tâm Hỗ trợ khách du lịch là đầu mối phối hợp cùng 17 cơ quan chức năng của toàn tỉnh có trách nhiệm xử lý, giải quyết. Thực hiện quy định của UBND tỉnh, vấn đề thời gian khi tiếp nhận, xử lý thông tin phản ảnh của du khách được chú trọng…


Phát sinh nhiều vấn đề


Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh lữ hành quốc tế, các dịch vụ phục vụ khách du lịch phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, khó kiểm soát. Đó là tình trạng sang nhượng hợp đồng phục vụ khách, bán khách cho hướng dẫn viên. Việc né tránh thực hiện báo cáo cho cơ quan quản lý nhà nước, không kê khai, lập hồ sơ đoàn, không thực hiện hợp đồng phục vụ khách du lịch; các DN du lịch ủy quyền thực hiện các dịch vụ làm Visa, bán vé tham quan, dịch vụ cung ứng phòng khách sạn, cung ứng dịch vụ vận chuyển… đang gây khó khăn trong công tác quản lý, kiểm tra trách nhiệm phục vụ đoàn khách của các công ty.

 

“Các vấn đề trên có phần nguyên nhân khách quan là do các quy định của pháp luật chưa theo kịp yêu cầu. Lực lượng thanh tra chức năng của các ngành liên quan thiếu về số lượng nên khó khăn trong tổ chức các đoàn kiểm tra. Nguyên nhân chủ quan là do hạn chế về năng lực quản lý, chưa đồng bộ trong phối hợp chung giữa các ngành, thiếu chủ động trong giải quyết các vấn đề phát sinh thuộc chức năng quản lý ngành”, ông Trần Việt Trung cho biết.


Phát biểu tại cuộc họp sơ kết của Ban chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh diễn ra giữa tháng 7, ông Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa đánh giá cao nỗ lực của các ngành, địa phương trong công tác quản lý, chấn chỉnh kịp thời những sai phạm trong hoạt động du lịch. Tuy nhiên, để tiếp tục duy trì, giữ vững ổn định môi trường kinh doanh du lịch, thời gian tới, các ngành cần có sự phối hợp chặt chẽ, tích cực hơn. Việc tổ chức thực hiện các đoàn thanh tra liên ngành trong hoạt động du lịch cần rút kinh nghiệm những mặt được và chưa được. Bên cạnh đó, cần lập đường dây nóng của tổ thanh tra liên ngành; khi nhận được thông tin phản ánh, cần kịp thời xử lý sự việc; hoạt động của đoàn liên ngành phải giảm tối đa sự trùng lắp trong thanh tra kiểm tra đối với DN du lịch.


N.T