06:03, 03/03/2015

Tiếng lành Nha Trang trên báo Mỹ

Mới đây, trên trang điện tử của tờ USA Today  -  một tờ báo có tổng số phát hành lớn nhất tại Mỹ với 2,25 triệu bản mỗi ngày, đã đăng tải bài viết của tác giả Kelcie Kempernich mang tựa đề "Việt Nam đã dạy cho tôi một bài học".

Mới đây, trên trang điện tử của tờ USA Today  -  một tờ báo có tổng số phát hành lớn nhất tại Mỹ với 2,25 triệu bản mỗi ngày, đã đăng tải bài viết của tác giả Kelcie Kempernich mang tựa đề “Việt Nam đã dạy cho tôi một bài học”. Qua trải nghiệm thực tế tại Nha Trang, tác giả bài viết đã nêu lên những cảm nhận của mình về mảnh đất và con người phố biển. Khánh Hòa Online xin trích đăng bài viết trên.

 

Hình ảnh bài viết “Việt Nam đã dạy cho tôi một bài học” trên trang điện tử USA Today.
Hình ảnh bài viết “Việt Nam đã dạy cho tôi một bài học” trên trang điện tử USA Today ngày 18-2.


Mỗi khi có dịp ra nước ngoài, mỗi người chúng ta đều dễ trở thành nạn nhân của việc chi tiêu quá trớn. Cũng dễ hiểu thôi mà, sau bao nhiêu tháng ngày mong chờ được xuất ngoại, cuối cùng bạn đã được đặt chân tới miền đất lạ, với tâm trạng ngập tràn háo hức muốn được tự do và khám phá. Chuyến hải hành trên tàu biển có tên “Học kỳ trên biển” vừa qua đã đưa tôi đến với đảo Hawai, Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam. Đến đâu tôi cũng luôn nhủ thầm: “Có lẽ mình chỉ có dịp đến nơi đây một lần duy nhất trong đời – Hãy cố xem hết và thăm hết”. Chỉ sau ba tuần lên đường, cha gửi cho tôi thông báo của ngân hàng cảnh báo đã chi tiêu quá số tiền tôi có trong tài khoản. Tôi thót cả tim, chuyến đi còn cả 4 tháng mà túi tiền tôi đã cạn rồi sao?


Phải thay đổi thôi.


Thật may mắn, chuyến đi đến Việt Nam đã làm thay đổi nếp nghĩ của tôi. Tôi chưa bao giờ mong đợi rằng  một đất nước mà người dân ít sử dụng ngôn ngữ của tôi nhất lại dạy cho tôi nhiều điều nhất. Kỷ niệm mãi mãi không bao giờ quên của tôi đến thật bất ngờ khi tôi cùng một nhóm sinh viên Mỹ bay đến Nha Trang - một thành phố nhỏ ven biển nằm phía bắc thành phố Hồ Chí Minh. Đây là chuyến đi thực tế được chương trình “Học kỳ trên biển” tổ chức. Theo như website của trường, chuyến đi thực tế này nhằm giúp sinh viên hiểu biết sâu sắc một đất nước thông qua sự giao tiếp với người dân địa phương. Tôi đăng ký chuyến đi này tháng 12 năm ngoái, và nói thật là lúc đó tôi cũng chẳng biết chuyến đi này có tác dụng gì. Tờ thông tin quảng cáo có tiêu đề là “Kỳ quan ven biển”, kèm hình ảnh một bãi biển xanh thẳm tuyệt đẹp. Có vẻ hình ảnh này là thứ cuốn hút tôi lúc đó vốn đang ngồi trong thư viện bang Wisconsin vào một ngày đông lạnh giá.


Chương trình chuyến đi chẳng hứa hẹn gì có vẻ hoành tráng và chẳng có đứa bạn thân nào đăng ký đi Nha Trang. Nên khi phải chia tay với đám bạn đang háo hức bay đến vịnh Hạ Long - vốn tự hào là một trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới, tôi chợt cảm thấy nhói lòng với nỗi buồn không tên nhuốm màu ghen tị. Bây giờ sau khi trải nghiệm chuyến đi đến Nha Trang, tôi thầm cám ơn sự lựa chọn của mình hồi tháng 12. Quyết định đó hóa ra lại là quyết định tuyệt vời nhất của tôi cho cả học kỳ.


Khi đến Nha Trang, chúng tôi đến thăm trường Cao đẳng sư phạm Nha Trang. Khi chúng tôi bước ra khỏi xe, đã có hơn 100 sinh viên đợi sẵn và chào đón. Hai bạn sinh viên nữ cầm tay tôi tươi cười hỏi tên. Sự phấn khích của các bạn thật nồng hậu và chân tình. Sự hiếu khách và thân mật đó mau chóng lan qua cả chúng tôi.


Cả buổi chiều hôm đó chúng tôi giao lưu với các bạn sinh viên, những người chỉ còn vài tháng nữa sẽ tốt nghiệp và trở thành các thầy cô giáo tiếng Anh. Các bạn diễn vài vở kịch ngắn và múa hát thật hay. Các bạn còn cố gắng dạy chúng tôi nói tiếng Việt. Bài học ngôn ngữ này làm chúng tôi trẹo cả lưỡi mà vẫn thất bại thảm hại. Vậy mà các bạn vẫn kiên trì nói: “Chưa được! Chưa được! Nhìn miệng tôi mà nói theo này”. Nghĩ cách mình học tiếng Việt mới thấy bái phục khả năng nói tiếng Anh của các bạn ấy quá.


Sau đó chúng tôi ra bãi biển Hòn Chồng dọn vệ sinh làm sạch bãi biển. Sau một vài giờ bên nhau, chúng tôi đã trở thành những người bạn. Các bạn kể cho chúng tôi nghe về cuộc sống sinh viên điển hình tại Việt Nam vốn vẫn còn rất xa lạ với Netflix (dịch vụ truyền hình qua Internet), Hội nữ sinh hay bóng bầu dục kiểu Mỹ. Tuy vậy các bạn vẫn là fan hâm mộ của ca sĩ Taylor Swift hoặc diễn viên Selena Gomez cơ đấy. So sánh về lượng  thời gian các bạn đến trường để học tập tôi thấy thật xấu hổ kể về thời gian lông bông và những kỷ niệm học đường nghèo nàn của mình.


Cuối cùng cũng đến lúc nói lời từ biệt, chúng tôi cùng chia sẻ địa chỉ Facebook, một vài bạn sinh viên còn xin địa chỉ để viết thư gửi cho tôi. Chắc tôi sẽ vui sướng và xúc động biết nhường nào khi về đến nhà và đọc thư các bạn.


Thực ra, tôi vẫn chưa nhận ra các bạn sinh viên và cuộc gặp mặt ngày hôm đó đã ảnh hưởng đến tôi nhiều biết nhường nào cho đến tận khi lên đường về nhà. Khi đối mặt với cảm xúc của mình khi so sánh bản thân tôi đã đổi khác thế nào sau chuyến thăm Trường cao đẳng Sư phạm Nha Trang so với chuyến đi đến Vạn Lý Trường Thành. Đúng là những ngày tại Nha Trang tôi đã không có nhiều bức ảnh hoành tráng để khoe của trên Instagram, nhưng bù lại lòng tôi ngập tràn một cảm giác mới lạ của sự viên mãn đã hoàn tất một cái gì đó vô cùng quan trọng.  


Việt Nam đã dạy cho tôi một bài học nhớ đời: Bất chấp kinh phí hạn hẹp đến đâu, hãy cảm nhận nhiều hơn và thăm quan ít lại. Từ nay trên hành trình của cuộc đời, tôi sẽ tiếp tục chuyến đi với tâm thế khác, đi để được nói chuyện nhiều hơn và để tìm thấy nhiều người bạn mới,  thay vì đến một nơi chỉ để gạch đi một địa danh trong danh sách những nơi phải đến trước ngày nhắm mắt.


Bùi Minh Thắng (dịch)