11:06, 29/06/2018

Người đánh máy chữ cuối cùng ở Nha Trang

Công nghệ 4.0 đã lan tỏa khắp nơi, nhưng bà Phạm Thị Anh Thư (47 tuổi, phường Xương Huân, TP. Nha Trang) vẫn miệt mài mưu sinh bằng nghề đánh máy chữ bên hè phố. Có lẽ, bà là người đánh máy chữ cuối cùng ở phố biển.

Công nghệ 4.0 đã lan tỏa khắp nơi, nhưng bà Phạm Thị Anh Thư (47 tuổi, phường Xương Huân, TP. Nha Trang) vẫn miệt mài mưu sinh bằng nghề đánh máy chữ bên hè phố. Có lẽ, bà là người đánh máy chữ cuối cùng ở phố biển.


Người muôn năm cũ


Bàn đánh máy chữ của bà Thư nép một góc bên vỉa hè giao giữa đường Phan Bội Châu và đường Hàn Thuyên. Suốt 30 năm qua, cứ tầm 8 giờ bà lại ra đây ngồi để đánh máy thuê đơn từ, văn bản cho khách. Phố xá ngày càng hiện đại, chỉ có bà bao năm nay vẫn miệt mài bên chiếc máy chữ cũ kỹ. Động tác gõ chữ kiểu mổ cò, cùng tiếng lách cách từ chiếc máy chữ tạo nên cảm giác thật vui tai, lạ lẫm trong thời đại công nghệ in ấn đã vượt trội. Có cảm giác nơi đây, thời gian như ngừng lại!

 

Bà Thư cho biết gia đình bà có 3 thế hệ làm nghề đánh máy chữ. Ông ngoại của bà làm nghề đánh máy chữ từ những năm 60, sau đó mẹ bà kế nghiệp rồi truyền nghề cho bà. Trong ký ức của bà, thập niên 80 và 90 là thời kỳ nghề đánh máy chữ ăn nên làm ra nhất. Thời đó, đường Thống Nhất và khu vực quanh Tòa án nhân dân tỉnh là những nơi có rất nhiều người làm nghề đánh máy chữ thuê. Hồi đó, ngoài đánh máy văn bản, đơn từ, bà Thư còn đánh máy bản thảo thơ, truyện ngắn, viết thư thuê gửi đi nước ngoài. Gia đình bà có mối đánh máy giấy tờ cho các đơn vị điện lực nên thu nhập khá ổn. “Công nghệ in ấn phát triển khiến máy chữ trở nên lỗi thời, việc ngày càng ít… Có lẽ, sau tôi thì cũng chẳng còn ai đánh máy chữ nữa đâu”, bà Thư nói.

 

Bà Thư đang đánh máy đơn cho khách.

Bà Thư đang đánh máy đơn cho khách.

 

Tận tâm với nghề


Hơn 30 năm gắn bó với nghề đánh máy chữ, viết rất nhiều loại đơn từ cho khách, bà Thư khá rành rẽ cách làm nhiều loại văn bản hành chính khác nhau. Nhiều khi bà còn tư vấn những vấn đề mà khách không biết, còn phân vân. Thế nên, dù các cơ sở in ấn bằng máy tính mở ra rất nhiều, nhiều người vẫn đến đây nhờ bà Thư viết giùm đơn từ. Viết một tờ đơn bình thường bà lấy giá 20.000 đồng đến 30.000 đồng, đơn từ khó hơn, mất nhiều công sức hơn thì khoảng 50.000 đồng trở lên. “Hiện nay, quán in ấn mở rất nhiều, họ làm nhanh, đẹp nhưng chưa chắc đã rành được cách làm đơn từ như cô Thư. Vì vậy, dù ở cách đây khá xa, nhưng mỗi khi có việc tôi vẫn chạy qua đây, nhờ cô làm giúp các đơn từ”, ông Nguyễn Văn Dũng (nhà ở đường Lê Hồng Phong, TP. Nha Trang) bày tỏ.


Vất vả mưu sinh nhưng không phải ai thuê đánh máy đơn gì bà Thư cũng làm ngay. “Tôi rất ngại viết đơn ly hôn. Mình viết đơn thuê thì có tiền, nhưng biết đâu từ lá đơn đó, cả một gia đình tan nát, con cái lìa xa cha mẹ... Mỗi lần như vậy tôi thường hỏi chuyện cặn kẽ, nếu thấy hôn nhân còn có thể cứu vãn thì lựa lời khuyên nhủ”, bà Thư nói.


Có lần, một phụ nữ ở gần bến Cầu Đá (Vĩnh Nguyên, Nha Trang) đến thuê bà làm đơn xin giảm án phạt tù cho con trai. Hỏi chuyện biết người này từng có tiền án, trong thời gian thử thách không ăn năn hối cải mà còn phạm tội cướp giật… nên bà đã từ chối làm đơn. Thời gian gần đây, bà không nhận làm các đơn từ kiện tụng tranh chấp đất đai phần vì khá rắc rối, phần khác lại thấy nhiều gia đình kiện tụng nhau vì đất đai, mất tình cảm nên bà cảm thấy áy náy trong lòng…


Trong câu chuyện về nghề, bà Thư chia sẻ: “Nghề đánh máy chữ thuê đã giúp tôi nuôi sống gia đình suốt bao năm qua. Bởi vậy, dù thăng hay trầm, sự trân trọng đối với nghề trong tôi vẫn không thay đổi”.


THẢO NGỌC