10:11, 13/11/2017

Tích cực khôi phục vùng rau

Trên những ruộng rau ở xã Ninh Đông (thị xã Ninh Hòa), nhiều nông dân đang tập trung thu dọn vật liệu gãy đổ, tìm cách sớm khôi phục ruộng rau.  

Trên những ruộng rau ở xã Ninh Đông (thị xã Ninh Hòa), nhiều nông dân đang tập trung thu dọn vật liệu gãy đổ, tìm cách sớm khôi phục ruộng rau.   


Trên khoảnh ruộng lơ thơ vài cây rau, ngổn ngang cây, lưới, ông Lê Thành Danh (thôn Văn Định) cho biết, vợ chồng ông có 1ha đất trồng các loại rau ăn lá như: rau muống, mồng tơi, cải... Cơn bão vừa qua đã quật đổ cây chống, lưới chăng ngăn sâu hại quấn nhằng nhịt, toàn bộ diện tích trồng rau bị thiệt hại. Đã vậy, toàn bộ diện tích trồng rau của xã đều ngập trắng, có nơi ngập tới đầu gối. Vợ chồng ông cố gắng thu dọn lưới, cây đổ, san đất, đánh tơi luống, chờ có điện, nước sẽ trồng rau trở lại.

 

Người trồng rau Ninh Đông dọn dẹp ruộng rau để sản xuất trở lại

Người trồng rau Ninh Đông dọn dẹp ruộng rau để sản xuất trở lại


Ở xã Ninh Đông, người trồng rau bị thiệt hại nặng nề nhất có lẽ là bà Lê Thị Hoa Khánh (thôn Văn Định), ước khoảng 360 triệu đồng. 7ha đất trồng rau VietGAP, trong đó có 3ha đang thu hoạch của bà Khánh đã mất trắng sau cơn bão. “Tôi mới vay ngân hàng thêm 400 triệu đồng đầu tư xây dựng nhà tiền chế để trồng và đóng gói rau. Bão đến, toàn bộ nhà tiền chế đổ sập, khu vực nhà kính cũng tan tành, cây, kính, mái che… đè nát phần lớn rau. Sau đó, mưa ngập sâu lại vùi tiếp số rau còn lại, gây úng toàn bộ, không thu hoạch được chút nào”, bà Khánh nói.


Tuy nhiên, cũng như nhiều nông dân khác, bà Khánh đang cố gắng khắc phục khó khăn, khôi phục lại sản xuất. Chờ nước rút hết và những người làm thuê đã sửa chữa xong nhà ở, ngày 9-11, bà Khánh bắt đầu huy động mọi người tới ruộng thu dọn cây que, lưới, kính… tận dụng bán được chút nào hay chút đó, chờ xây dựng lại. Khu đất nào còn sót những cây rau già thì mót lấy để gây giống trở lại. Hiện tại, tuy không sản xuất được rau nhưng để duy trì các hợp đồng cung cấp đã ký với bạn hàng từ trước, bà Khánh chấp nhận chịu thêm một khoản lỗ, mua rau từ bạn hàng ở Đà Lạt để tiếp tục cung cấp cho các siêu thị, quầy rau với giá bình ổn.


Vợ chồng bà Trần Thị Lệ làm công việc chăm sóc rau cho bà Khánh đã 3 năm nay, thu nhập đủ sống. “Lo xong việc nhà, chúng tôi lập tức đến ruộng chia sẻ khó khăn với bà Khánh, phụ giúp dọn dẹp, sớm trồng rau trở lại. Có như vậy mới sớm có rau bán, bà Khánh bớt khó khăn, chúng tôi cũng sớm có thu nhập trở lại”, bà Lệ nói. Công việc dọn dẹp ruộng rau khá vất vả bởi diện tích trồng rau của bà Khánh khá lớn, lại đầu tư cơ sở vật chất quy mô. Không quản vất vả, những người làm bắt đầu dọn dẹp từ 6 giờ 30 tới tận khi trời tối, nhưng với 4 - 6 nhân công, ước hết tuần này mới xong hẳn.


Một khó khăn khác cho vùng trồng rau Ninh Đông là hơn 1 tuần sau bão vẫn chưa có điện, nên cho dù trồng rau lại ngay cũng không thể bơm nước tưới rau. Đến ngày 11-11, điện lưới đã có trở lại nhưng nước máy vẫn chưa có. Vì vậy, suốt tuần qua, xã Ninh Đông chủ yếu tập trung dọn dẹp những khu vực đổ nát, cải tạo đất, chờ có nước mới sản xuất trở lại. Riêng bà Khánh, trên diện tích 4ha đất ngoài nhà kính chưa trồng rau trước cơn bão, hiện nay, bà đã trồng rau cải các loại, dền, mồng tơi… với diện tích vài trăm mét vuông. Để rau phát triển được, bà huy động nhân công đi xách nước giếng của gia đình cách ruộng rau khoảng 500m về tưới, cầm cự tạm thời, chờ có nước sẽ bơm tưới.  


Ông Trần Hải Đăng - Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Đông cho biết, toàn xã hiện nay có khoảng 45ha trồng rau màu và khoảng 20ha trồng cây dài ngày như: dừa, bưởi, xoài, trong đó diện tích trồng rau sạch chiếm khoảng 7,5ha. Vì vậy, bên cạnh việc tập trung lo khắc phục những nhà bị sập, hỗ trợ người dân dựng lại nhà, xã cũng động viên người dân chủ động dọn dẹp các ruộng rau, chờ khi có điện, nước là khôi phục sản xuất ngay. Quan điểm của xã khi vận động người dân là “nước ráo tới đâu làm tới đó”, không để trống đất.


NGUYỄN THIỀU - AN NHIÊN