06:11, 08/11/2017

Sau bão… khan hàng, hiếm thợ

Những ngày này, nhiều người dân TP. Nha Trang chạy đôn, chạy đáo khắp nơi tìm thợ sửa nhà. Công thợ hồ, thợ sắt tăng cao gấp nhiều lần nhưng người có nhu cầu sửa nhà "đỏ mắt" vẫn không kiếm ra thợ.

Những ngày này, nhiều người dân TP. Nha Trang chạy đôn, chạy đáo khắp nơi tìm thợ sửa nhà. Công thợ hồ, thợ sắt tăng cao gấp nhiều lần nhưng người có nhu cầu sửa nhà “đỏ mắt” vẫn không kiếm ra thợ.


Mệt mỏi chờ mua tôn sửa nhà


Chiều 6-11, chúng tôi đến cửa hàng vật liệu xây dựng (VLXD) Phát Huy ( phường Vĩnh Hải, TP. Nha Trang), chưa kịp nói gì người bán hàng ở đây đã bảo: “Giá tôn 85.000 đồng/m, loại 4,5zem. Nhưng mai mới có hàng nha anh”. Trước cửa hàng, khách đợi lấy tôn về sửa nhà ngồi đông nghẹt. Ông Trần Văn Đang (xã Phước Đồng) nói: “Ráng chờ đi, tôi ngồi chờ đây mấy giờ rồi mà chưa đến lượt”.  Hỏi chuyện, ông Đang cho biết, do ở Phước Đồng các cửa hàng VLXD đang đóng cửa nên ông phải ra đây để mua tôn về lợp lại mái nhà bị tốc. Chờ lâu, ông chán nản muốn bỏ về  nhưng sợ mưa mà nhà chưa sửa xong thì quá khổ nên phải ráng đợi.

 

Vừa chật vật lấy được 5 tấm tôn tại cửa hàng Tôn Hoa Mai (đường 2-4, phường Vĩnh Hải), bà Nguyễn Thị Hồng rơi vào cảnh dở khóc dở cười khi đã tối rồi mà vẫn chưa gọi được người chở thuê về nhà. “Chú coi, tôi gọi nãy giờ cháy máy mà mấy ông ba gác đều đang chở hàng, không ông nào nhận thêm cả. Mới nhờ người quen ra đường kiếm giùm mà phải 30 phút nữa người ta mới qua chở cho. Đành phải chờ thôi, chứ nhà tôi cách đây 3km làm sao tự đưa về được. Bão bùng hư nhà đã khổ, bây giờ đến việc đi mua đồ về sửa nhà cũng muốn ứa nước mắt”, bà Hồng nói.


Sau bão, những cửa hàng VLXD trên địa bàn TP. Nha Trang liên tục cháy hàng. Trên đường, những chiếc xe ba gác, ô tô liên tục chở tôn ngược xuôi. Cửa hàng VLXD Quang Hoàng 1 (đường Phong Châu) trong kho không còn một tấm tôn nào. Hai cái máy cắt tôn của cửa hàng đang hoạt động hết công suất. Cứ tấm nào vừa cắt xong, lại có người khuân ngay lên xe ô tô, ba gác. Gần đó, đội ba gác chuyên chở hàng đang ngồi chờ chủ hàng đưa tôn ra. “Sau bão, chúng tôi làm nghề này chạy hàng không kịp. Bình thường, chật vật lắm ngày mới được 2 - 3 chuyến. Còn bây giờ, mỗi ngày tôi chạy gần 20 chuyến. Nhà tôi cũng bị tốc mái, nhưng để đó từ từ sửa, tranh thủ kiếm chút đỉnh bù lại những ngày ngồi không”, ông Lê Văn Đông - người chuyên chở hàng thuê nói. Theo ông Đông, mỗi chuyến xe ông kiếm được từ 50.000 đến 150.000 đồng tùy quãng đường.

 

Những người chở thuê cũng trở nên đắt khách sau bão

Những người chở thuê cũng trở nên đắt khách sau bão

 

 “Đỏ mắt” tìm thợ


Hiện nay, mua được tôn đã khó, kiếm thợ sửa nhà còn khó hơn gấp bội. Đã 3 ngày trôi qua kể từ khi nhà bị tốc mái, ông Nguyễn Đức Tiến (đường 23-10, phường Phương Sơn) vẫn không thuê được người đến lợp lại mái nhà mình. Khi tôi đến, ông Tiến vừa  dứt cuộc điện thoại thứ 5 hỏi thuê thợ. “Tôi trả đến 800.000 đồng/ngày công, hơn gấp hai mức giá so với ngày thường mà người ta vẫn không nhận. Tôn thì mua về rồi đó, mà bây giờ kiếm thợ không ra. Kiểu này trời mưa xuống thì sao đây”, ông Tiến nói.


Cách đó không xa, ông Đặng Hữu Lộc (692 đường 23-10) thở phào nhẹ nhõm khi thấy những người thợ bắt đầu chuyển tôn lên lợp lại mái nhà cho mình. Căn nhà cũng là hiệu làm tóc của hai vợ chồng ông bị tốc sạch mái. Phải nhờ tới mấy người thân quen, ông mới thuê được tốp thợ 5 người về làm cho với giá 700.000 đồng/người/ngày, gấp đôi ngày thường. Ông Lộc còn phải thuê máy phát điện giá 500.000 đồng/ngày để có điện dùng. Mua được tôn, tìm được thợ sửa nhà, ông được coi là người may mắn. Vì  người hàng xóm của ông sẵn sàng bỏ ra số tiền cao hơn mà cũng không tìm được thợ. “Đỏ mắt tìm mà không có em ơi, không quen biết không ai làm cho hết. Đồ đạc trong nhà chị phải đi gửi nhờ chứ tốc mái hết trơn, chưa sửa được thì biết làm sao được”, bà Tâm - hàng xóm ông Lộc than thở.


Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong những ngày này, những người thợ hồ, thợ làm sắt đều trong tình trạng không hết việc. Ông Nguyễn Tấn Tuấn - thợ hồ đến từ huyện Diên Khánh cho biết, ngay sau khi bão tan, ông sửa mái nhà của mình xong là tức tốc xuống Nha Trang đi sửa nhà cho những người thân quen, anh em. “Làm cho người quen nên tôi chỉ lấy 500.000 đồng/ngày, chứ người ngoài không có giá này đâu. Thường ngày, làm mái nhà chúng tôi đi mua tôn về rồi lợp cho chủ nhà luôn, nhưng bây giờ thì chủ nhà phải tự mua tôn về, để đó rồi chúng tôi mới làm. Bây giờ, thợ hồ với thợ sửa nhà tìm được khó lắm”,  ông Tuấn nói.


Tìm thợ không ra, nhiều gia đình lâm vào cảnh màn trời chiếu đất, đang lo ngay ngáy bởi nếu mưa không biết tránh ở đâu. Ngồi trong căn phòng khách lộ thiên, bà Nguyễn Thị Phước Duyên (thôn Phú Vinh, xã Vĩnh Thạnh) than: “Giá công thợ trên trời. Người nghèo như tôi phải chờ, khi nào người ta sửa hết nhà rồi sẽ tới lượt”.


Thuê thợ sửa nhà không được, nhiều gia đình tự khắc phục thiệt hại của mình. Trong khi nhiều nhà hàng xóm vẫn còn đợi thợ, gia đình chị Bùi Bích Hạnh (xã Vĩnh Thạnh, Nha Trang) đã ấm áp từ mấy hôm nay. Mái ngói nhà chị bị bão thổi bay một mảng lớn. Bão vừa tan, chồng chị tức tốc đi mua ngói về sửa. “ Phải lên tận Diên Khánh, chồng tôi mới may mắn tìm được chỗ có ngói. Anh cùng với người em trai mang về sửa nhà ngay khi bão vừa đi qua”, chị Hạnh chia sẻ với bạn bè trên facebook.


Mấy ngày vừa qua, ông Nguyễn Tiến Dũng (thôn Phú Vinh) trở thành người quan trọng, được họ hàng trông mong nhất. “Nhà tôi có xưởng mộc, gần 6 giờ sáng khi bão vào đã đổ sập tất cả. Một tay tôi phải ra dựng lại hết, bây giờ đã sửa gần xong, rồi phải chạy qua làm cho nhà người chị sát bên. Anh em, họ hàng liên tục điện thoại hỏi sửa nhà xong chưa để qua giúp mọi người…”,  ông Dũng chia sẻ.


Theo thống kê, TP. Nha Trang có 449 nhà bị sập, 12.262 căn bị tốc mái. Ngày 7-11, thành phố vẫn còn rất nhiều nhà chưa được sửa chữa. Với tình trạng “khan hàng, hiếm thợ” này, việc khắc hậu quả cơn bão số 12 của người dân sẽ còn nhiều khó khăn.


SONG THÀNH