10:10, 31/10/2017

Bộ sưu tập về ngành hỏa xa

Sinh ra và lớn lên cạnh nhà ga, giấc ngủ của ông Đặng Anh Tuấn (sinh năm 1952, cựu nhân viên sửa đầu máy xe lửa thuộc xưởng đầu máy toa xe Nha Trang) gắn với tiếng còi tàu. Để rồi khi trưởng thành, ông bước chân vào ngành hỏa xa như một mối lương duyên.

Sinh ra và lớn lên cạnh nhà ga, giấc ngủ của ông Đặng Anh Tuấn (sinh năm 1952, cựu nhân viên sửa đầu máy xe lửa thuộc xưởng đầu máy toa xe Nha Trang) gắn với tiếng còi tàu. Để rồi khi trưởng thành, ông bước chân vào ngành hỏa xa như một mối lương duyên. Cả cuộc đời ông gần như gắn liền với ngành Đường sắt nên ngoài những câu chuyện nghề, ông còn có bộ sưu tập liên quan đến hỏa xa.


Từ ước mơ ngày bé…


Ông Tuấn kể, mẹ ruột làm trong ngành hỏa xa, gia đình ở cạnh ga Nha Trang, nên mỗi ngày, mỗi giờ ông đều nghe tiếng còi tàu. Với ông, nhưng âm thanh ấy ồn ào theo một cách rất đặc biệt và cuốn hút. “Năm 1965, lần đầu tiên tôi được ngồi xe lửa đi từ Nha Trang lên Đà Lạt, tôi thích quá vì được nhìn thấy những cảnh vật tuyệt đẹp trên đường đi. Sau lần đó, tôi luôn khao khát được vận hành đầu tàu hỏa xa, để đi đây đó và để đưa nhiều người đến điểm dừng chân cuối cùng”, ông chia sẻ.

 

Mê tàu hỏa nên ông bắt đầu sưu tầm những mẫu vật, mô hình liên quan đến ngành hỏa xa ngay từ nhỏ và vẫn ấp ủ ước mơ ấy. Tháng 6-1975, ông cũng bước chân vào ngành Đường sắt. 4 tháng sau, ông và một số người khác trong ngành được cử đi học khóa lái tàu đầu tiên của tỉnh Phú Khánh. Tuy nhiên, ông chỉ có một thời gian ngắn làm lái tàu, sau đó vì yêu cầu của đơn vị và công việc gia đình nên ông chuyển qua sửa chữa đầu máy. Mặc dù vậy, ông vẫn giữ cho mình thói quen lưu giữ, dù là những vật nhỏ nhất liên quan đề tàu hỏa.

 

Ông Tuấn có thể ngồi nhiều giờ liền để sắp xếp bộ sưu tập tem “Lịch sử đầu máy xe lửa”

Ông Tuấn có thể ngồi nhiều giờ liền để sắp xếp bộ sưu tập tem “Lịch sử đầu máy xe lửa”

 

… đến tình yêu và “kho báu” tuổi già


Tại căn nhà gần chợ Đầm, TP. Nha Trang, ông Tuấn dẫn chúng tôi lên căn phòng rộng thoáng với vô số hình ảnh, sách vở, phù điêu, vật dụng, mô hình… liên quan đến ngành hỏa xa. Đây là nơi, ông vẫn ngồi ở đây nhiều giờ liền để sắp xếp, phân loại, làm mới bộ sưu tập hoặc chỉ để nhìn ngắm chúng.

 

Chỉ vào những chiếc búa kiểm tra, ông kể, mỗi chiếc búa là một câu chuyện gắn liền với ông hay với bất cứ người thợ sửa đầu máy nào. Bởi, ngành Đường sắt gần như không phát búa kiểm tra. Búa phải do chính người thợ rèn giũa để cầm vừa tay hoặc đó là cây búa của người thầy, người đàn anh truyền lại khi họ về hưu. Hầu hết số búa này ông mài giũa nên. Có một cây của Mỹ do người thầy để lại và có cây búa đầu tiên ông sử dụng khi bước chân vào ngành. Ông giữ chúng một cách cẩn thận vì chúng đã gắn liền với cuộc đời và công việc của ông.


Đối với kệ bày logo, ông giới thiệu: “Đường sắt Việt Nam có nhiều loại đầu máy, từ loại chạy bằng hơi nước của Pháp đến loại chạy bằng diesel của Mỹ hay sau này là các đầu máy của Ấn Độ, Liên Xô và Trung Quốc. Mỗi cái logo đều được đính trên đầu tàu và may mắn tôi đã sưu tầm đủ các loại đã từng chạy trên đường sắt Việt Nam, trong đó có logo của ngành Hỏa xa Việt Nam được gắn trên các đầu máy xe lửa trong nhiều thập kỷ”.


Yêu ngành Đường sắt đến nỗi ông dành không ít tiền của và thời gian để sưu tầm hàng trăm con tem quý liên quan đến ngành Đường sắt Việt Nam và trên toàn thế giới. Trong đó phải kể đến những con tem ghi dấu sự xuất hiện của ngành Đường sắt hay tem “kể về” chuyến tàu đầu tiên tại Việt Nam; những con tem siêu hình, đa chất liệu đến từ nhiều quốc gia trên thế giới.

 

Góc sưu tầm của ông Tuấn vô cùng phong phú về ngành hỏa xa

Góc sưu tầm của ông Tuấn vô cùng phong phú về ngành hỏa xa

 

Mất nhiều năm sưu tầm và thêm nhiều tháng sắp xếp, định hình và ghi chú, ghi lời bình cho bộ sưu tập tem “Lịch sử đầu máy xe lửa”, ông Tuấn đã được vinh dự nhận giải Đồng trong triển lãm Vietstampax tổ chức tại Hà Nội vào năm 2015, do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì.

Người đàn ông say mê tàu hỏa còn có cả những cuốn sách hướng dẫn kỹ thuật sửa chữa tàu do các đàn anh, thầy giáo truyền lại… Với ông đó là kho tri thức vô giá, vì không ít lần chính những câu chữ, hình ảnh từ các cuốn sách này đã giúp ông sửa chữa thành công nhiều ca khó.


Nhưng có lẽ trong những món đồ sưu tầm đồ sộ của ông Tuấn, những tấm vé tàu qua các thời kỳ luôn mang đến sức hút đặc biệt với người xem. Mỗi tấm vé cho thấy mỗi giai đoạn của đất nước, và cả những tờ giấy giới thiệu đi tàu đã được ông lưu giữ cẩn thận, tinh tươm như mới.


“Với tôi, những gì liên quan đến đường sắt tôi đều yêu quý và có thể nhìn ngắm chúng hàng giờ. Mỗi một vật tôi sưu tầm, được ai đó trao tặng hoặc mua lại nhắc nhớ tôi về một giai đoạn nào đó của ngành và giúp tôi khám phá nhiều thứ hơn về đường sắt”, người đàn ông có gần 40 năm gắn bó với đường sắt trải lòng.


BÍCH THÙY