08:06, 06/06/2017

Trật tự đô thị ở Nha Trang: Được cải thiện nhưng chưa đạt yêu cầu

Sau 2 tháng thực hiện đợt cao điểm ra quân lập lại trật tự vỉa hè, nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Nha Trang trở nên thông thoáng hơn. Tuy nhiên, một phần lòng, lề đường vẫn bị chiếm dụng

Sau 2 tháng thực hiện đợt cao điểm ra quân lập lại trật tự vỉa hè, nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Nha Trang trở nên thông thoáng hơn. Tuy nhiên, một phần lòng, lề đường vẫn bị chiếm dụng.


Có chuyển biến


Theo lãnh đạo UBND phường Tân Lập, triển khai đợt cao điểm an toàn giao thông (ATGT) trên địa bàn phường từ ngày 1-4 đến 30-6, địa phương đã bám sát tình hình thực tế, chú trọng công tác tuyên truyền cổ động, trên loa truyền thanh về trật tự ATGT tận các tổ dân phố và cụm khu dân cư. Ngoài tăng cường xử phạt người dân vi phạm ATGT trên các tuyến đường cấm buôn bán trên vỉa hè, địa phương còn tập trung chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường để buôn bán xung quanh khu vực chợ Xóm Mới. Tổ công tác ATGT phường đã xử phạt 76 trường hợp vi phạm trật tự ATGT với số tiền 11,4 triệu đồng. Ngoài ra, tổ công tác còn thu giữ nhiều bàn ghế nhựa, kệ gỗ, dù che, tiêu hủy rau củ quả, hải sản, tạm giữ 7 xe mô tô, phá dỡ các bậc tam cấp lắp đặt trái quy định, vận chuyển và xóa bỏ các điểm tập kết rác, xà bần không đúng chỗ.

 

Một quán cà phê trên đường Nguyễn Trãi để xe chiếm hết vỉa hè. Ảnh: THU HIỀN

Một quán cà phê trên đường Nguyễn Trãi để xe chiếm hết vỉa hè. Ảnh: THU HIỀN


Ông Nguyễn Ngọc Triệu - Phó Chủ tịch UBND phường Tân Lập cho biết, đến nay, về cơ bản các cơ sở kinh doanh đã chấm dứt việc để xe 2 làn, để xe dưới lòng đường trên các tuyến đường trọng điểm. Đặc biệt, xung quanh khu vực chợ Xóm Mới, tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường buôn bán đã giảm. Hiện nay, phường vẫn tiếp tục duy trì lực lượng thường xuyên kiểm tra, xử lý trên các tuyến đường xung quanh chợ và các tuyến đường trọng điểm kể cả ngày thứ Bảy và Chủ nhật.


Ông Trịnh Quang Hùng - Phó Chủ tịch UBND phường Phước Tiến cũng cho hay, sau 2 tháng ra quân lập lại trật tự ATGT trên các tuyến đường chính, địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp để lập lại trật tự vỉa hè như: tăng cường tuần tra, xử phạt. Tại các điểm nóng như chợ tự phát tại ngã tư Trần Nhật Duật và Trần Bình Trọng, phường đã cắt cử lực lượng sắp xếp, đưa toàn bộ các hộ buôn bán dưới lòng đường lên vỉa hè; đồng thời, lập tổ tự quản để nhắc nhở người dân không được lấn chiếm lòng đường buôn bán, gây cản trở giao thông. Đối với đoạn đầu đường Núi Một có khá nhiều người dân tập trung buôn bán, phường cũng thường xuyên nhắc nhở, đồng thời cho lập 1 tổ tự quản do người dân tự bầu ra để quản lý trật tự, giữ gìn vệ sinh môi trường ở khu vực này. Tổ công tác ATGT còn thường xuyên tuần tra 1 ngày 2 ca tại các điểm nóng lấn chiếm vỉa hè để nhắc nhở, tránh tình trạng người dân tái lấn chiếm trở lại…

 

Một cảnh chiếm dụng lòng lề đường để xe ô tô, xe máy,  buôn bán trên đường Phương Sài

Một cảnh chiếm dụng lòng lề đường để xe ô tô, xe máy, buôn bán trên đường Phương Sài


Ông Trịnh Minh Sơn, người dân ở đường Ngô Gia Tự nhận xét: “Sau 2 tháng thành phố ra quân dọn dẹp vỉa hè, tôi thấy đường phố đã thông thoáng, ngăn nắp hơn. Tuy nhiên, ở một số nơi vẫn còn tình trạng người dân tái lấn chiếm vỉa hè để buôn bán sau khi lực lượng chức năng rút đi. Để thành phố đẹp hơn, văn minh hơn, tôi mong các ngành chức năng tiếp tục triển khai quyết liệt hơn, đồng thời cũng quan tâm bố trí một số khu vực để người dân buôn bán, ổn định cuộc sống”.


Chưa đạt yêu cầu


Tuy tình hình trật tự ATGT, mỹ quan đô thị trên địa bàn thành phố cải thiện hơn trước, nhưng lãnh đạo các địa phương cũng thừa nhận việc dọn dẹp vỉa hè thời gian qua vẫn chưa đạt yêu cầu đặt ra. Trên một số tuyến đường và tại các chợ tự phát, các quán cà phê, lòng lề đường tuy đã được trả lại một phần, nhưng đây đó vẫn còn bị chiếm dụng làm nơi để xe, buôn bán. Đặc biệt, tại các quán cà phê, người trông giữ xe đã có ý thức sắp xếp xe ngay ngắn hơn trước, nhưng vào giờ cao điểm khách đông vẫn xảy ra tình trạng xe để lộn xộn, lòng lề đường vẫn bị chiếm dụng làm nơi để xe. Tại các tuyến đường như: Lê Hồng Phong, Ngô Gia Tự, Nguyễn Trãi, Trần Quý Cáp, 2-4, Quang Trung, Phương Sài, Sinh Trung, Trần Nhật Duật… nhiều cửa hàng kinh doanh, quán cà phê vẫn chiếm dụng lòng lề đường làm nơi để xe, để các vật dụng phục vụ kinh doanh như: dù, ghế, kệ tủ... khiến người đi bộ không còn lối đi nên phải đi dưới mép lòng đường. “Tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường có giảm, nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra trong kế hoạch xây dựng phường đạt chuẩn văn minh đô thị. Cái khó là đa số vỉa hè đều nhỏ hẹp, không đạt chuẩn, xuống cấp. Việc sắp xếp cho người dân buôn bán nhỏ trên vỉa hè cũng gặp khó khăn. Không bố trí cho người dân nghèo buôn bán cũng khó, vì không biết buôn bán ở đâu, còn bố trí thì vỉa hè quá hẹp, chỉ cần khách để 1 làn xe là đã chật”, ông Trịnh Quang Hùng thừa nhận.

 

Một góc buôn bán lộn xộn của một chủ cửa hàng trên đường Sinh Trung

Một góc buôn bán lộn xộn của một chủ cửa hàng trên đường Sinh Trung

 

Sau 2 tháng cao điểm ra quân, toàn thành phố đã xử lý 1.685 trường hợp. Trong đó, 7 tổ công tác liên ngành đã nhắc nhở 212 trường hợp lấn chiếm vỉa hè để buôn bán, lắp đặt bảng hiệu sai quy định, lắp bục tạm lấn chiếm vỉa hè; xử phạt 702 trường hợp cố tình vi phạm như: lập bãi trông giữ xe trái phép, lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh, dừng đỗ ô tô sai quy định, đi vào đường ngược chiều, đi vào khu vực cấm... với số tiền hơn 631 triệu đồng. Chính quyền 27 xã, phường đã xử lý 771 trường hợp. Trong đó, nhắc nhở các hành vi vi phạm lấn chiếm vỉa hè để buôn bán 275 trường hợp; lập biên bản xử phạt 496 trường hợp cố tình vi phạm như: lập bãi trông giữ xe trái phép, lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh, buôn bán, họp chợ, trưng bày hàng hóa...

Lãnh đạo phường Phước Hòa cũng cho biết, trong quá trình xây dựng phường đạt chuẩn văn minh đô thị, chính quyền gặp không ít khó khăn do người dân chưa có ý thức, liên tục tái lấn chiếm vỉa hè để buôn bán. Trong khi lực lượng chức năng mỏng, lúc có lực lượng chức năng thì người dân sắp xếp gọn gàng, khi lực lượng chức năng rời đi thì bà con lại bày ra lộn xộn. Vì thế, trong thời gian tới địa phương sẽ thực hiện quyết liệt hơn. Ông Nguyễn Ngọc Triệu cũng cho hay, địa phương rất mong muốn chính quyền thành phố sớm có kế hoạch sửa chữa, tu bổ và mở rộng vỉa hè trên các tuyến phố cho phép buôn bán. Qua đó, tạo điều kiện cho người buôn bán có quy củ, tránh tình trạng tái lấn chiếm trên các tuyến đường cấm. Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư chợ Xóm Mới cho phù hợp hơn với thực tế, trước hết là đáp ứng nhu cầu giao lưu buôn bán của người dân, đảm bảo quy hoạch, đáp ứng các điều kiện hạ tầng đậu đỗ xe, tránh tình trạng nhếch nhác, mất mỹ quan như hiện nay.


Về phía người dân buôn bán, phần lớn việc trả lại lòng lề đường đều mang tính đối phó. Nhiều chủ cửa hàng sắp xếp gọn gàng hơn vì sợ cơ quan chức năng nhắc nhở, xử phạt hơn là tự ý thức phải nhường 1 lối dành cho người đi bộ. Chị Nguyễn Thị Hoa - một người bán trái cây trên lề đường Lê Hồng Phong khi được hỏi đã thốt lên: “Tôi là người địa phương khác đến đây buôn bán một lúc rồi đi chứ có ngồi ở đây cả ngày đâu mà lấn chiếm. Mà vỉa hè nhỏ như thế này, chỉ cần một xe hàng để là đã chật, chúng tôi có muốn sắp xếp gọn vào một nửa bên trong cũng không thể làm được. Nhà nước nên thông cảm cho người dân nghèo chúng tôi, biết là sai nhưng không bán ở vỉa hè, nhà ở quê thì biết bán ở đâu”. Một người bán hàng rau trên đường Trần Nhật Duật cũng cho biết: “Thực sự những người buôn bán như chúng tôi rất khổ tâm vì liên tục bị cơ quan chức năng nhắc nhở. Hiện nay, địa phương xếp chúng tôi lên ngồi trên vỉa hè, nhưng vỉa hè chật chội, người mua ra vào liên tục vẫn phải để xe dưới lòng đường, gây cản trở người đi đường, biết là phiền hà nhưng buôn bán quen khách rồi, không thể đi chỗ khác được”…


Hiện nay, TP. Nha Trang đang tiếp tục thực hiện đợt cao điểm ra quân lập lại trật tự vỉa hè đợt I đến hết ngày 15-6.


Minh Thiết