10:06, 20/06/2017

Nha Trang: Kiên quyết xử lý bán hàng rong ở tuyến đường cấm

Thời gian gần đây, tình trạng buôn bán trên các tuyến đường cấm trong nội thành TP. Nha Trang đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, để giải quyết triệt để tình trạng này, lực lượng chức năng cần kiểm tra, xử lý kiên quyết.

Thời gian gần đây, tình trạng buôn bán trên các tuyến đường cấm trong nội thành TP. Nha Trang đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, để giải quyết triệt để tình trạng này, lực lượng chức năng cần kiểm tra, xử lý kiên quyết.


TP. Nha Trang hiện nay có 28 tuyến đường cấm bán hàng rong, trong đó có một số tuyến đường trọng điểm như: Trần Phú, 2-4, Hùng Vương, Nguyễn Thiện Thuật, Thái Nguyên, Lê Thánh Tôn, Phạm Văn Đồng… Tuy tình trạng bán hàng rong trên các tuyến đường này đã giảm, nhưng vẫn còn diễn ra ở một số khu vực, đặc biệt là trên đường Trần Phú (cụm khách sạn 100 Trần Phú) và công viên bờ biển. Chiều 19-6,  chúng tôi bắt gặp một phụ nữ bán bánh mì dạo ngay trước một khách sạn ở 94 Trần Phú. Cách đó không xa, một người đàn ông đẩy chiếc xe ba gác đậu trên vỉa hè bán cá viên chiên, xúc xích chiên cho khách. Đây là những cảnh tượng mà người dân và du khách thường thấy ở khu vực này.

 

Đội ngũ bán hàng rong đủ thành phần, hoạt động bằng nhiều phương tiện như: xe đạp, xe máy, xe ba gác đến quang gánh, thúng mẹt… Họ thường xuyên đeo bám, chèo kéo khách du lịch. Ông Nguyễn Văn Thế (đường Nguyễn Thị Minh Khai) nói: “Trong dịp Festival Biển vừa qua, tôi thấy người bán hàng rong ở khu vực quảng trường, công viên bờ biển rất nhiều. Họ chèo kéo khách du lịch mua từng chai nước, gói bánh… gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến hình ảnh của thành phố du lịch”.  

          
Ông Phùng Sâm - Đội trưởng Đội Thanh niên xung kích quản lý trật tự đô thị TP. Nha Trang (đơn vị phụ trách đảm bảo trật tự đô thị, an toàn giao thông đường Trần Phú, đường Phạm Văn Đồng, công viên bờ biển) thừa nhận, trong thời gian diễn ra Festival Biển, tình trạng buôn bán hàng rong ở công viên bờ biển, đường Trần Phú diễn biến phức tạp. Những người bán hàng rong lợi dụng khách du lịch đông đúc, lực lượng thanh niên xung kích mỏng để tranh thủ buôn bán. Đội Thanh niên xung kích đã nỗ lực nhắc nhở, xử lý nhưng người bán hàng rong vẫn xuất hiện ở nhiều nơi. Hiện nay, tình hình đã ổn định trở lại, tuy nhiên tình trạng bán hàng rong ở các tuyến đường cấm vẫn chưa triệt để. “Thực tế, một số người bán hàng rong vẫn lén lút đứng bán tại khu vực cấm như: đường Trần Phú, công viên bờ biển… Khi thấy lực lượng chức năng, họ chạy vào khu dân cư để trốn tránh. Do đó, muốn xử lý triệt để, ngoài sự cố gắng của lực lượng quản lý đô thị, thanh niên xung kích, cần có sự phối hợp của UBND các phường”, ông Sâm nói.

 

Người bán hàng rong chèo kéo khách du lịch trong dịp Festival Biển Nha Trang vừa qua

Người bán hàng rong chèo kéo khách du lịch trong dịp Festival Biển Nha Trang vừa qua

 

Theo báo cáo của Phòng Quản lý đô thị TP. Nha Trang, 6 tháng đầu năm, phòng đã xử phạt 2.040 vụ vi phạm về trật tự đô thị, thu nộp ngân sách hơn 537 triệu đồng, số tiền xử phạt các trường hợp vi phạm đã gần bằng so với cả năm 2016.

Chủ trương của thành phố là thường xuyên kiểm tra, kiên quyết xử lý triệt để, không để xảy ra tái vi phạm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh, không để tình trạng buôn bán hàng rong ở tuyến đường cấm tiếp diễn. Vì vậy, thành phố vừa ban hành kế hoạch ra quân cao điểm đợt 2 về lập lại trật tự an toàn giao thông, mỹ quan đô thị trên địa bàn thành phố, kéo dài từ nay đến ngày 15-9. Trong đợt này, các tuyến đường trung tâm thành phố và các tụ điểm, tuyến đường thường xuyên mất trật tự đô thị, an toàn giao thông sẽ được chú trọng kiểm tra, xử lý. Lực lượng chức năng của thành phố như: Phòng Quản lý đô thị, Đội Thanh niên xung kích quản lý trật tự đô thị sẽ phụ trách một số tuyến đường chính trong nội thành; các tụ điểm còn lại được giao cụ thể cho các xã, phường phối hợp với các đơn vị, tổ chức đóng chân trong khu vực đó thực hiện.


Ông Ngô Khắc Thinh - Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị TP. Nha Trang cho biết: “Đến thời điểm hiện tại, trật tự đô thị trên các tuyến đường TP. Nha Trang đã có chuyển biến rõ nét, tình trạng bán hàng rong trên các tuyến đường cấm, lấn chiếm vỉa hè để buôn bán đã giảm đáng kể. Việc lập lại trật tự đô thị, mỹ quan thành phố nói chung, chấm dứt tình trạng buôn bán hàng rong tại các tuyến đường cấm nói riêng không phải là công việc ngày một, ngày hai mà cần sự kiên trì, thường xuyên và lâu dài. Để công tác này đạt hiệu quả, ngoài sự nỗ lực trong kiểm tra, xử lý của lực lượng chức năng, cần có sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền địa phương, các đoàn thể và cả người dân”.


MAI HOÀNG