11:06, 22/06/2017

Cơ sở đan lưới thể thao Bích Kha: Tạo việc làm cho phụ nữ nông thôn

Hơn 10 năm nay, cơ sở đan lưới thể thao Bích Kha (thôn Thanh Minh 3, xã Diên Lạc, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) do bà Nguyễn Thị Hòa làm chủ đã dạy nghề và tạo việc làm cho nhiều phụ nữ nông thôn, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ gia đình.

Hơn 10 năm nay, cơ sở đan lưới thể thao Bích Kha (thôn Thanh Minh 3, xã Diên Lạc, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) do bà Nguyễn Thị Hòa làm chủ đã dạy nghề và tạo việc làm cho nhiều phụ nữ nông thôn, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ gia đình.


Hàng ngày, sau thời gian làm đồng áng, bà Nguyễn Thị Bơi (thôn Thanh Minh 1, xã Diên Lạc) lại tranh thủ ghé nhà bà Nguyễn Thị Hòa để nhận lưới về nhà đan. Bà Bơi đã làm công việc đan lưới hơn 3 năm nay. “Nhờ bà Hòa dạy nghề, rồi cho nhận hàng về nhà làm nên tôi cũng có thu nhập khoảng 2,5 triệu đồng/tháng để trang trải chi phí sinh hoạt. Ngoài ra, tôi còn hướng dẫn cho các con trong nhà cùng làm, kiếm thêm thu nhập trong thời gian rảnh rỗi”, bà Bơi chia sẻ.

 

Bà Hòa cho biết, cách đây hơn 10 năm, bà đến với nghề đan lưới chỉ mong có thêm nguồn thu nhập cho gia đình ngoài mấy sào ruộng. Khi làm được một thời gian, bà thấy công việc này khá phù hợp với phụ nữ nông thôn nên hướng dẫn một số chị em, người dân trong thôn cùng làm. Tiếng lành đồn xa, nhiều người ở các thôn, xã khác như: Diên An, Diên Lâm, Diên Thạnh cũng đến xin học nghề và nhận hàng về làm. “Thời điểm đông nhất, cơ sở của tôi có gần 100 thành viên, còn bình quân có khoảng 60 - 70 người nhận hàng làm thường xuyên. Với tiền công từ 18.000 đến 30.000 đồng/kg (tùy loại lưới), người nào chịu khó cũng kiếm được 2 - 2,5 triệu đồng/tháng”, bà Hòa nói.

 

Bà Nguyễn Thị Hòa (bên trái) hướng dẫn kỹ thuật đan lưới cho một phụ nữ trong thôn

Bà Nguyễn Thị Hòa (bên trái) hướng dẫn kỹ thuật đan lưới cho một phụ nữ trong thôn

 

Bà Phạm Thị Hòa - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Diên Khánh: Cơ sở Bích Kha của bà Nguyễn Thị Hòa đã và đang tạo điều kiện cho rất nhiều chị em phụ nữ địa phương có việc làm ổn định, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Ngoài ra, bà Hòa là một trong những hội viên tiêu biểu tích cực tham gia các hoạt động xã hội do địa phương tổ chức. Đây là mô hình dạy nghề - tạo việc làm tiêu biểu được Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện biểu dương, riêng cá nhân bà Hòa được Huyện hội đề nghị Ban Tuyên giáo Huyện ủy Diên Khánh khen thưởng về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Công việc “tay trái” này giúp bà Hòa có nhiều niềm vui khi tạo thêm việc làm cho phụ nữ vùng quê, nhưng nhiều khi cũng khiến bà dở khóc, dở cười. Bà Hòa kể, người dân nông thôn không có giờ giấc cố định, lúc nào rảnh, xong công việc nhà thì tranh thủ ghé cơ sở để giao sản phẩm và nhận lưới về đan. Vì thế, hầu như ngày nào bà cũng phải mở cửa từ sáng tới tối, có khi chẳng được nghỉ trưa để giao hàng cho các thành viên. Lưới thể thao có nhiều loại, đòi hỏi kỹ thuật khá phức tạp nên nhiều thành viên thường nhầm lẫn, sai sót. Khi họ giao sản phẩm chưa đạt, bà tỉ mỉ hướng dẫn làm lại, thậm chí bà còn thức cả đêm ngồi sửa sản phẩm cho thành viên để kịp giao hàng cho công ty. Những phụ nữ nghèo có con bệnh, hoặc khó khăn đột xuất cần giúp đỡ, bà Hòa cho ứng tiền công trước để lo cho cuộc sống. Bà Hòa tâm sự: “Hiện nay, đời sống của gia đình tôi khá ổn định, con cái đều đã lớn nên nhiều lúc muốn nghỉ công việc này. Thế nhưng, nghĩ đến nhiều phụ nữ, người dân đã gắn bó với cơ sở nhiều năm nay, nếu nghỉ thì họ mất đi một nguồn thu nhập để lo cho gia đình nên tôi lại cố gắng duy trì”.


Bà Phạm Thị Thu Hiền - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Diên Lạc cho biết, nhiều năm qua, bà Hòa đã đứng ra tiếp nhận vật tư, ký kết hợp đồng với công ty cung ứng dụng cụ thể thao để tạo việc làm thêm cho phụ nữ, người dân trong và ngoài xã. Không chỉ nhiệt tình hướng dẫn, dạy nghề cho hội viên, bà Hòa còn có tinh thần cảm thông, sẻ chia với khó khăn của phụ nữ nghèo trên địa bàn. Nắm bắt thị hiếu và nhu cầu người tiêu dùng, gần đây, bà tiếp tục triển khai mô hình kinh doanh mới là thu mua và nhân giống cây cảnh (đặc biệt là hoa lan). Mô hình này đang tạo thêm việc làm, giúp chị em phụ nữ có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần cùng địa phương trong công tác giảm nghèo, giữ vững danh hiệu xã đạt chuẩn nông thôn mới.


MAI HOÀNG