02:06, 03/06/2017

Cách chăm sóc da mùa nắng nóng

Có nhiều người hiện nay vẫn cho rằng rôm sảy thì không cần chữa, kể cả khi đã có nhiễm trùng bồi phụ, đến khi đi khám thì tình trạng viêm da đã nặng. Một số khác lại tự ý dùng các thuốc bôi có chứa steroid hoạt phổ mạnh, thậm chí dùng cho cả trẻ nhỏ gây các tác dụng phụ như teo mỏng da, giãn mạch... rất nguy hiểm.

Có nhiều người hiện nay vẫn cho rằng rôm sảy thì không cần chữa, kể cả khi đã có nhiễm trùng bồi phụ, đến khi đi khám thì tình trạng viêm da đã nặng. Một số khác lại tự ý dùng các thuốc bôi có chứa steroid hoạt phổ mạnh, thậm chí dùng cho cả trẻ nhỏ gây các tác dụng phụ như teo mỏng da, giãn mạch... rất nguy hiểm.
 
Rôm sảy là danh từ dân gian được dùng để chỉ một tình trạng viêm da hay gặp vào mùa hè khi thời tiết nắng nóng. Quan niệm về tình trạng này rất khác nhau tùy từng người. Tổn thương da thường là các mụn nước, các sẩn màu đỏ, nhỏ như đầu đinh ghim hoặc lớn hơn một chút.
 
Các mụn nước, sẩn thường tập trung thành đám trên nền da đỏ. Đôi khi có các mụn rải rác toàn thân. Thường thì bệnh nhân cảm thấy bị ngứa trên da, bệnh nhân gãi vì thế tổn thương da xuất hiện.
 
Vị trí hay bị rôm sảy: Trẻ em hay bị ở trán, đầu, đôi khi cả thân người. Người lớn hay bị ở lưng, hai bên thắt lưng, mặt ngoài cánh tay, cẳng tay, mặt trước đùi, cẳng chân... Bệnh nhân bị ngứa nhiều và ngứa tăng lên khi trời nóng, uống bia rượu, ăn các thức ăn như: tôm, cua, nhộng, đồ rán, mít, vải... Càng gãi thì ngứa càng tăng lên. Thường thì tổn thương da chỉ chứa dịch trong nhưng nếu bệnh nhân gãi nhiều thì có thể bị nhiễm trùng và các mụn mủ xuất hiện.

 

Các mụn nước, sẩn thường tập trung thành đám trên nền da đỏ.
Các mụn nước, sẩn thường tập trung thành đám trên nền da đỏ.
Nguyên nhân thường do nhiều yếu tố. Các em bé dưới 2 tuổi, đặc biệt là các em bé được sinh ra trong các gia đình mà bố mẹ, ông bà có cơ địa dị ứng thì rất hay bị rôm sảy. Người lớn có thể do tắm rửa nhiều lần trong ngày làm mất đi chất ceramide bảo vệ bề mặt da dẫn đến da bị ngứa, bệnh nhân gãi, làm cho các mụn nước, các sẩn xuất hiện.
 
Một số bệnh nhân luôn cảm thấy nóng bên trong cơ thể (khát nước, táo bón...), khi trời càng nóng thì nhu cầu tiêu thụ nước càng nhiều và bệnh nhân uống không đủ lượng nước cần thiết cũng có thể sinh ra ngứa trên da, bệnh nhân gãi và thế là tổn thương da xuất hiện.
 
Những người làm việc trong môi trường nóng ẩm như: hầm lò, xưởng nướng bánh, công nhân nấu bếp... do nhiệt độ cao và mồ hôi tiết ra nhiều cũng hay bị ngứa và viêm da. Một số nông dân vào mùa thu hoạch lúa, ngô bị mẫn cảm với các thành phần của hạt thóc như trấu, cám... hoặc các thành phần của thân cây lúa như rơm, rạ, hoặc mày ngô, bẹ ngô... Khi những thành phần này bám vào da gây kích thích, làm bệnh nhân ngứa, gãi và tổn thương da xuất hiện...
 
Điều kiện làm phát sinh một đợt viêm da mới hoặc làm nặng lên tình trạng viêm da đã đỡ, đó là khí hậu nắng nóng nhiều ngày liên tục làm tăng mất nước qua da, tiết nhiều mồ hôi mà ta không lau đi kịp thời cho các em bé nên da luôn bị ẩm ướt và kích ứng, da tiếp xúc với một số chất hay gây kích ứng như xà phòng, sữa tắm...

 

Ánh nắng gây bỏng rát da. Hình: minh họa
Ánh nắng gây bỏng rát da. Hình: minh họa
Chăm sóc da: Không nên dùng xà phòng, sữa tắm. Tắm rửa nhẹ nhàng bằng nước chanh hòa loãng hoặc nước lá kinh giới vò nát, mướp đắng xay. Ta chỉ nên lấy nước tắm rửa nhẹ nhàng bằng khăn gạc hoặc khăn bông mềm, hoặc kỳ cọ cho các bé bằng lòng bàn tay.
 
Tuyệt đối không lấy bã lá kinh giới hoặc bã quả mướp đắng xát lên da em bé. Không nên đánh bằng bàn chải, sử dụng đá kỳ hoặc khăn ráp chà mạnh cho đã ngứa. Những việc làm không đúng trên sẽ tạo thêm tổn thương mới, gây nhiễm trùng và viêm da sẽ lan rộng hơn.
 
Nên ăn uống thêm các thức ăn mát như: đỗ đen, bột sắn, nước chanh, cam... Cho em bé uống nhiều nước và người lớn phải uống trên 2 lít nước một ngày.
 
Điều trị: Bôi các chế phẩm làm mát, dịu da như jarish, hồ nước ngày 2 lần trong 1- 2 tuần. Nếu không đỡ hoặc tổn thương da có viêm đỏ nhiều thì phải bôi một trong các chế phẩm có steroid như: eumovate, tramsone cho các bé dưới 1 tuổi, bôi fobancort hoặc fucicort cho các bé trên 1 tuổi, bôi flucinar, gentrisone, diprosone cho người lớn. Chỉ bôi ngày 1 lần trong 5-7 ngày.
 
Nếu ngứa nhiều có thể cho các bé dưới 1 tuổi uống siro phenergan 1%o một lần vào buổi tối trong 5-7 tối, các em bé trên 1 tuổi có thể uống siro theralene một lần vào buổi tối trong 5 -7 tối. Người lớn có thể uống một trong các thuốc kháng histamin như: phenergan 25mg uống 1 viên tối hoặc loratadin 10mg/viên ngày 1 viên trong 5 - 7 ngày. Khi tổn thương da có mủ, viêm nhiều thì phải được điều trị ở bác sĩ chuyên khoa da liễu.
 
Theo Sức khỏe & Đời sống