05:05, 31/05/2016

Trông chờ công nghệ nuôi cấy loài trai ngọc nữ

Giống trai ngọc có tên khoa học là Pieria (Pinetada) Martensii Dunker xuất hiện khá nhiều ở các vùng biển nước ta, đặc biệt là các tỉnh Duyên hải miền Trung, tuy nhiên, nghề nuôi trai ngọc bắt đầu phát triển vào những năm gần đây. 
 

Giống trai ngọc có tên khoa học là Pieria (Pinetada) Martensii Dunker xuất hiện khá nhiều ở các vùng biển nước ta, đặc biệt là các tỉnh Duyên hải miền Trung, tuy nhiên, nghề nuôi trai ngọc bắt đầu phát triển vào những năm gần đây. 
 
 
Ngọc trai là sản phẩm có đầu ra dồi dào.
Ngọc trai là sản phẩm có đầu ra dồi dào.
 
 
Hiện nay trên cả nước có một số công ty nuôi trai ngọc khá quy mô đang hoạt động ở nước ta như: Vina Pearl, Halong Pearl, hoặc PhuQuoc Pearl... Tuy nhiên số này không nhiều. Dọc khu vực miền Trung có khoảng vài chục cơ sở nuôi trai lấy ngọc quy mô nhỏ và vừa nằm rải rác như: Cơ sở của Công ty Dịch vụ nuôi trồng thủy sản Nha Trang - Khánh Hòa; Cơ sở nuôi ngọc trai tại Vũng Rô (Phú Yên), một số cơ sở 100% vốn đầu tư của nước ngoài đang nuôi trai cấy ngọc ở các tỉnh khác. 
 
 
Việc nuôi trai lấy ngọc có đạt hiệu quả kinh tế hay không, vùng nào thì có thể nuôi được… cần sự vào cuộc của các nhà khoa học. Tại Khánh Hòa, trong khuôn khổ hợp tác giữa Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III và Trường Đại học Sunshine Coast (Úc), Giáo sư Paul Southgate và TS Pranesh Kishore đã chuyển giao công nghệ nuôi cấy loài trai ngọc nữ. Giáo sư Paul Southgate cho biết, mô hình nuôi cấy ngọc trai đang triển khai rất thành công ở bên Úc và Fiji, mỗi năm chuỗi giá trị mô hình đem lại lợi nhuận trên 10 triệu USD. Mô hình này cũng khá tương đồng với việc nuôi hàu, vốn đang được người dân áp dụng phổ biến, nên người nuôi cũng không phải gặp nhiều khó khăn khi áp dụng mô hình mới. Đây là tiền đề rất quan trọng để các nhà khoa học nghiên cứu tìm hiểu các vùng biển của tỉnh phù hợp để có thể mở ra một ngành nghề sản xuất hết sức hứa hẹn. 
 
 
Mới đây, nhóm nghiên cứu Trung tâm Khuyến ngư Bình Định đã nuôi thí điểm thành công giống trai ngọc tại vùng biển Quy Nhơn. Từ việc cấy ngọc 16.000 con trai, chỉ trong 4 đến 5 tháng, nhóm nghiên cứu đã thu hoạch được hàng trăm viên ngọc trai thành phẩm. Trai ngọc sau một năm tăng trưởng 24mm về kích thước và nặng khoảng 16gam. Số trai ngọc có tỷ lệ sống cao, khoảng 48 - 75%. Trong đó tỷ lệ tạo ngọc đạt từ 23,2 đến 31%. Ngọc trai có màu ánh bạc và ánh vàng, vốn là 2 màu được thị trường thế giới ưa chuộng nhất hiện nay. Theo chuyên gia người Nhật Bản, ông Kichinosuke Hiraga - Giám đốc Công ty Ngọc trai Vạn Ninh, màu sắc của ngọc trai Bình Định đạt tiêu chuẩn quốc tế. Những kết quả khả quan này đã mở ra hướng phát triển nghề nuôi trai lấy ngọc tại các tỉnh Duyên hải miền Trung, trong đó có Khánh Hòa. 
 
 
Hiện nay, những hiểu biết về các quy trình sản xuất nhân giống trai ngọc ở Việt Nam còn ít được phổ biến rộng rãi. Để nghề nuôi trai phát triển ở các vùng ven biển, Nhà nước cần có chính sách để phát huy tiềm năng sẵn có, khuyến khích cho ngư dân phát triển ngành nghề mới này. Theo một số chuyên gia về lĩnh vực thủy sản, vùng biển Khánh Hòa được đánh giá có tiềm năng nuôi trai ngọc. Tuy nhiên, tất cả vẫn còn là “tiềm năng” đang chờ đợi nghề nuôi trai ngọc, chờ vào kết quả chuyển giao công nghệ nuôi trai ngọc nữ.
 
 
Nguyễn Tấn Tuấn