11:01, 12/01/2014

Làng nghề Diên Khánh vào mùa Tết

Những ngày này, các làng nghề đúc đồng, làm bánh tráng tại Diên Khánh (Khánh Hòa) đang hối hả vào mùa sản xuất để có đủ hàng cung cấp cho thị trường...
 

Những ngày này, các làng nghề đúc đồng, làm bánh tráng tại Diên Khánh (Khánh Hòa) đang hối hả vào mùa sản xuất để có đủ hàng cung cấp cho thị trường. 
 
 
Rộn ràng làng đúc đồng 
 
 
Về làng đúc đồng hơn 100 năm tuổi Phú Lộc Tây, nay là tổ dân phố Phú Lộc Tây 1, thị trấn Diên Khánh (huyện Diên Khánh), chúng tôi cảm nhận được không khí lao động khẩn trương của làng nghề trong mùa làm ăn lớn nhất năm. Các cơ sở đúc đồng thường xuyên đỏ lửa và không ngớt âm thanh của máy mài đồng. 
 
 
Tiếp chuyện chúng tôi chỉ ít phút nhưng ông Biện Cư (64 tuổi), một trong những nghệ nhân gắn bó lâu năm với nghề đúc đồng, liên tục nhận các cuộc điện thoại của khách gọi đặt hàng. Bình thường mỗi tháng, gia đình ông Cư làm khoảng 50 bộ đồ thờ cúng (gồm chân đèn, lư hương, cổ bồng, đài hoa). Dịp Tết, gia đình ông làm gấp đôi. Ngoài đúc bộ đồ thờ cúng, gia đình ông Cư còn nhận đúc thêm các vật dụng khác như: ống nhổ, thau, đầu nối cơ bi-da, các loại bạc đồng trong sản phẩm cơ khí... Sản phẩm cung cấp cho các địa phương trong và ngoài tỉnh như: Phú Yên, Bình Định, Thừa Thiên Huế, Ninh Thuận, Bình Thuận, TP. Hồ Chí Minh… Ông Cư chia sẻ: “Đồ thờ cúng là mặt hàng được tiêu thụ quanh năm, nhưng từ tháng 11 âm lịch, các cơ sở đúc đồng mới thật sự vào mùa. Năm nay, do giá nguyên liệu, chất đốt… tăng nên mỗi bộ đồ thờ cúng tăng khoảng 100.000 đồng so với năm ngoái. Mỗi bộ hiện có giá bán từ 2,2 - 3,2 triệu đồng”. 
 
 
Cơ sở đúc đồng của ông Trần Minh Nguyên cũng đang tất bật. Ngày thường, ông Nguyên chỉ làm 1 buổi, ngày Tết làm cả ngày và đêm. Ông Nguyên cho biết: “Ngày Tết, gia đình tôi làm khoảng 4 - 5 bộ đồ thờ cúng, nhiều gấp 3 lần ngày thường. Trừ chi phí, tôi kiếm hơn 500.000 đồng/ngày. Ngoài gia công bộ đồ thờ cúng, từ ngày 23 tháng Chạp, gia đình tôi còn nhận đánh bóng đồ thờ cúng cũ (giá 50.000 đồng/bộ)”.
 
 
Theo các chủ cơ sở đúc đồng, để có một sản phẩm hoàn chỉnh, người thợ đúc đồng phải trải qua nhiều công đoạn gồm: Làm khuôn đúc, nấu đồng, gia công, chùi bóng. Do không đủ điều kiện để làm tất cả các công đoạn này nên nhiều hộ gia đình làm theo hình thức chuyên môn hóa, nghĩa là mỗi nhà đảm nhận một khâu riêng. Để đúc được những sản phẩm có tính thẩm mỹ cao đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ, kiên trì. Đất làm khuôn phải được chọn lọc kỹ, không bị ngấm nước mưa. Khi rót đồng vào khuôn, người thợ phải chú ý rót đều tay để sản phẩm mịn đều, không có đường rãnh. 
 
 
Ông Nguyễn Văn Nhường - Chủ nhiệm Hợp tác xã Đúc Phú Lộc (Diên Khánh) cho biết, làng đúc hiện có khoảng 40 hộ sản xuất, kinh doanh sản phẩm đúc đồng; trung bình mỗi năm cung cấp 5.000 bộ sản phẩm cho các địa phương trong và ngoài tỉnh. Vụ Tết, sản phẩm tiêu thụ tăng cao nên bà con trong làng làm tất bật cả ngày và đêm. Riêng Hợp tác xã Đúc Phú Lộc có khoảng 20 hộ tham gia. 
 
 
Nhộn nhịp làng bánh tráng 
 

Đến tổ dân phố Phú Lộc Đông 3 (thị trấn Diên Khánh) - nơi có làng nghề làm bánh tráng lâu năm, chúng tôi thấy khắp các ngả đường vào làng, đâu đâu người ta cũng phơi bánh tráng. Mới tờ mờ sáng, nhiều gia đình đã bắt tay vào việc với các công đoạn như: Nhóm lửa, pha bột, tráng bánh…, để khi mặt trời vừa nhô cũng là lúc những vỉ bánh đầu tiên được mang ra phơi.

 

 
Gần Tết, các lò bánh tráng ở Diên Khánh đều tăng công suất.
Gần Tết, các lò bánh tráng ở Diên Khánh đều tăng công suất.

 

13 giờ, ông Nguyễn Kim Hổ (62 tuổi) vẫn tất bật đi phơi bánh. Bên bếp trấu đỏ lửa, con gái ông Hổ khéo léo múc bột đổ vào vá cho bột tỏa đều, chờ bánh chín rồi dùng cây vớt bánh, nhẹ nhàng đặt lên bàn xoay. Người thợ phụ dùng ống lấy bánh trải đều lên vỉ tre. Vợ ông Hổ cần mẫn với việc gỡ bánh, xếp bánh. Cứ thế, mỗi người một việc, ai nấy đều làm không nghỉ tay. Gia đình ông Hổ có 1 lò bánh, cung cấp cho thị trường bánh tráng ngọt. Trung bình mỗi ngày, nhà ông chuẩn bị 15kg gạo để xay thành bột, đủ làm 120 vỉ bánh (mỗi vỉ 10 chiếc bánh). Giá mỗi xấp bánh (30 chiếc) bán tại lò là 18.000 đồng, ngày Tết tăng vài nghìn đồng/xấp. Trừ chi phí, mỗi ngày nhà ông Hổ kiếm khoảng 150.000 đến 200.000 đồng. Ngày Tết, ông làm nhiều hơn ngày thường. “Gia đình tôi có 50 năm làm nghề tráng bánh tráng. Nghề này nhìn có vẻ đơn giản, nhưng nếu không phải là thợ lành nghề thì không dễ tráng được những chiếc bánh tròn đều, lành lặn. Làm bánh cực lắm, nhưng không làm thì buồn, nhớ nghề...”, ông Hổ  chia sẻ.

 

 
Mới 3 giờ sáng, gia đình chị Đặng Thị Lộc đã thức dậy chuẩn bị cho một ngày làm việc bận rộn. Bà Huỳnh Thị Ngoan - mẹ chị Lộc bày tỏ: “Ngày thường, gia đình tôi chỉ làm đến 15 giờ là nghỉ, còn những ngày này làm đến tận tối. Ngày Tết, con gái tôi chuẩn bị khoảng 40 - 50kg gạo để xay thành bột, nhiều gần gấp đôi ngày thường. Tuy mệt nhưng vui vì làm đến đâu tiêu thụ hết đến đó”. Những người làm bánh tráng ở đây cho biết, để có bánh tráng ngon, nước pha bột phải sạch, không phèn thì bánh mới trong. Cách pha bột cũng phải khéo, sao cho bột không đặc quá (bánh lâu chín và bị cứng), cũng không lỏng quá (bánh dễ bị rã, khó vớt). Việc phơi bánh cũng tỉ mỉ không kém. Người phơi phải thường xuyên trông chừng những vỉ bánh đang phơi. Nếu để khô quá thì bánh sẽ vỡ, ngược lại, nếu bánh còn ẩm dễ bị mốc khi để lâu.
 
 
Theo ông Nguyễn Thành Trang - Tổ trưởng Tổ dân phố Phú Lộc Đông 3, tổ hiện có khoảng 100 hộ làm bánh tráng ngọt và bánh tráng trắng. Trong đó, khoảng 60 hộ làm bánh tráng ngọt. Bình quân, mỗi hộ thu nhập từ 200.000 đến 250.000 đồng/ngày. Dịp Tết, người dân ở đây phải tăng công suất lên gấp 2 - 3 lần ngày thường mới đáp ứng đủ nhu cầu thị trường. Sản phẩm chủ yếu tiêu thụ trong tỉnh.
 
 
NGUYỄN KIM